Báo động sống ảo đe dọa sống thật

(PLO) - Những ngày qua, liên quan đến tình trạng sống ảo, bùng nổ trào lưu “câu like”, “nói là làm” trên facebook trong một bộ phận học sinh, như đủ like sẽ đánh nhau, tự thiêu, nhảy cầu và mới nhất là vụ nữ sinh tưới xăng đốt trường ở Khánh Hòa, rồi quay clip tung lên mạng xã hội…
Lỗi “đốt đền” thuộc về đám đông vô cảm.

Xa hơn một cuộc “làm nhục”

Liên tiếp trên mạng xã hội tràn ngập clip 3 nữ sinh bị hành hung hội đồng. Theo clip, 3 em nữ sinh này đã quỳ để 6 nữ sinh khác xé áo, dùng dép tông tát vào má nhiều lần. Những lời lẽ không hay ho của các nữ sinh cũng xuất hiện trong clip... Ngay khi vụ làm nhục kinh hoàng này chưa lắng, hàng loạt  clip liên quan tớ khác đã lan tràn trên mạng. Một nữ sinh ở Thái Bình đã bị nhóm nữ sinh khác đạp, dẫm vào mặt trong đau đớn và bất lực; hai nữ sinh Huế văng tục, đánh bạn giữa đường. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh về nạn bạo lực học đường đang ở mức cực kỳ nghiêm trọng.

10 tháng trước, nữ sinh lớp 7 rạch mặt nữ sinh lớp 9 ở Đồng Tháp; 9 tháng trước, nữ sinh Huế đánh bạn tới tấp ngay trước phòng học; 5 tháng trước, nữ sinh Sóc Trăng “gạt tay” bôm bốp vào má bạn ngay giữa lớp học... Sau những vụ việc, các cơ quan chức năng đã có  những biện pháp nghiêm minh để xử lý những hành vi sai phạm. Theo lời khai của các nữ sinh hành hung, có vô vàn lý do dẫn đến những hành vi bạo lực: ghen tuông; không cho chép bài; thách thức qua “mặt kênh kiệu”; hay đơn giản là... ngứa mắt.

Theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, việc các em học sinh đang ở tuổi dễ bị kích động có thể hiểu được. Việc các em làm  nhục đối thủ bằng mọi cách: cả trong đời thực lẫn thế giới ảo cũng là hệ lụy tất yếu của xã hội thông tin. Mâu thuẫn ở chỗ: người ta luôn đổ lỗi cho gia đình, xã hội, nhà trường song người ta cũng liên tiếp chia sẻ những clip nữ sinh đánh nhau. Những em học sinh đánh bạn, quay clip, tung lên facebook để hả cái tôi cá nhân, để miệt thị thêm kẻ bị hại đã được những nút share vô tâm của cộng đồng mạng hưởng ứng. Còn những em học sinh bị hành hung tập thể, sau cú tát ngoài đời là liên tiếp những “cái tát” của dư luận. Những clip ghi lại phút đau đớn, tủi hận được lặp đi lặp lại. Những “clip hot”, trào lưu mạng đã cuốn các em đi xa hơn một cuộc bị làm nhục tập thể tại trường. Việc xử lý nghiêm những hành vi lệch chuẩn để răn đe là cần thiết. Song, việc chia sẻ lại những clip người hành hạ người man rợ là vô cảm.

Cụ thể, cậu bé Bùi Quang Huy (Yên Bái) học lớp 8 và một học sinh đã xảy ra mâu thuẫn, xung đột, sau đó cậu học sinh này về gọi người nhà đến... đánh Huy, bắt quỳ xin lỗi trước đám đông bạn học, như một cách trả thù. Đứa bé mới ngoài chục tuổi đầu đau đớn bởi những cú đấm, đá, tát... bao nhiêu thì cũng xấu hổ, ngượng ngùng, tổn thương bấy nhiêu. Cái đau do đánh đập có thể qua nhanh và liền sẹo, chứ một khi bị sang chấn tinh thần, bị sỉ nhục sẽ đeo đuổi suốt cuộc đời. Và đau đớn gấp ngàn lần, trong sự hoang mang cùng cực, cậu đã bỏ đi sự sống của mình lãng xẹt và vô nghĩa…

Và trào lưu “nói là làm”

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng với những trào lưu câu like “nói là làm” đang tràn lan trên facebook và để lại hậu quả nghiêm trọng thì trách nhiệm không chỉ thuộc về những chủ nhân facebook câu like mà cả những người tham gia like trên mạng xã hội. Ngày 9/10, tại Trường THCS Phạm Ngũ Lão (Ninh Hòa, Khánh Hòa), một nữ sinh lớp 8 tới khu vực thư viện, rải nửa lít xăng ra nền gạch rồi châm lửa. May mắn, khu vực này chỉ bị xém nhẹ, còn “nhân vật chính” phải đưa tới bệnh viện vì bị bỏng nặng cả hai chân.

Theo lời thủ phạm (và cũng là nạn nhân), khi lời thách đố đạt số like 1000, những tin nhắn thúc giục “thực hiện đi” đã khiến cô hoảng sợ và bỏ trốn. Thế nhưng, một số người (cả quen và không quen) vẫn tìm học sinh nữ này, thậm chí mua xăng và dọa đánh để ép buộc em phải... đốt trường.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc sử dụng mạng xã hội facebook hiện nay đang có những lệch lạc, thể hiện một nhận thức “nghèo nàn”, hạn hẹp. Những người trẻ tham gia trào lưu câu like nói trên là những người không xác định được giá trị. Họ chỉ quan tâm tới việc được mọi người thích thế là làm mà không biết họ thích cái gì ở mình. Theo TS. Lâm, những người like cũng hùa theo tức là đã kích thích những người này làm chứ không phải là những việc họ làm là có giá trị hay không.

Ở góc độ khác, Đại tá TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân nhận định, với những hiện tượng, xu hướng không lành mạnh lại được “cổ vũ” của cộng đồng ảo rất dễ đưa những người chưa thành niên  có những hành vi lệch chuẩn, ảo tưởng và ngông cuồng. Vì thế, những hành động theo kiểu “kẻ đốt đền” để “nổi tiếng” bằng mọi cách, thậm chí là phạm pháp thời gian qua đã xuất hiện ngày càng nhiều trong giới trẻ. Đây thực sự là một hiện tượng đáng lo ngại. Và từ những hiện tượng, hành vi thiếu chuẩn mực, nguy hiểm đó đến sự trượt dài vào con đường lầm lỗi và phạm tội là một khoảng cách không xa, nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. 

Để hạn chế những hiện tượng đáng lo ngại trên đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ và kiên trì. Ngay từ trong gia đình phải định hướng được cho các em những giá trị đúng đắn thông qua những quan hệ ứng xử hàng ngày. Hãy để các em sống, sinh hoạt đúng với lứa tuổi và thời đại của mình nhưng nền tảng gia đình vẫn mang tính bền vững. Cần phải giúp các em tránh bị cuốn vào những hiện tượng, trào lưu không lành mạnh, nhất là trước những ảnh hưởng không mong muốn hoặc lành mạnh từ truyền thông và mạng xã hội. 

Đồng thời, theo các chuyên gia tâm lý, việc các em sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột, mâu thuẫn đã cho thấy sự thiếu hụt kỹ năng sống, ứng xử trong giao tiếp xã hội của các em. Lứa tuổi từ 12 đến 19 là giai đoạn mà các em có sự biến đổi tâm sinh lý rất rõ nét, muốn thử nghiệm, muốn khẳng định cái tôi cá nhân của mình, muốn thu hút sự chú ý, muốn thể hiện sức mạnh. Câu like, câu view chính là biểu hiện của việc giới trẻ mất định hướng, không có phương hướng cuộc đời, không có mục tiêu sống, không nhận thức được mình sống có ý nghĩa gì. Từ đó, các em không trân trọng cuộc sống, sẵn sàng vì sĩ diện mà hủy hoại bản thân.

Môi trường văn hóa lành mạnh không chỉ có học

Trào lưu “Nói là làm” xuất phát chính từ những ẩn ức lệch lạc trong suy nghĩ, hay những khúc mắc trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, thầy cô bị dồn nén lâu ngày và bùng phát theo cách tiêu cực. Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cần tạo cho các em môi trường văn hóa lành mạnh chứ không chỉ có học và chạy theo thi cử như hiện nay. Môi trường văn hóa ấy là những việc làm cụ thể chứ không chỉ nói “vẽ đẹp” sẽ đẹp…Các em cần hiểu được giá trị của một con người bao gồm: tôn trọng, vị tha và yêu thương, có được những điều đó, sẽ không có bạo lực xảy ra. Song, tất cả những điều đó phải có sự đồng lòng từ nhiều phía, khi những chân giá trị, những yêu thương được nói và làm đúng nghĩa…

Đọc thêm