Báo động trẻ ngộ độc chì từ thuốc cam rởm

(PLO) - Thống kê của Trung tâm Chống độc từ năm 2011 – 2012 đã có 2.550 trẻ em đến khám và điều trị trong đó có 750 trẻ có hàm lượng chì trong máu > 10mcg/dl (29.4%); chỉ trong tháng 1/2013 trong số có 179 trẻ em bị nhiễm chì thì 47.48% có hàm lượng chì máu lớn hơn10mcg/dl. Trong khi đó,  tiêu chuẩn chung thế giới đưa ra là dưới 10mcg/dl, thậm chí khuyến cáo sẽ giảm xuống dưới 5mcg/dl.  
Báo động trẻ ngộ độc chì từ thuốc cam rởm
Theo TS. Phạm Duệ, nguyên GĐ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, chưa kể các đối tượng khác, chỉ tính riêng số trẻ em đến khám và điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã thấy mức độ nhiễm độc chì hiện kinh khủng như thế nào. Theo ông Duệ cho biết, đa số trẻ em thuộc đối tượng trên là bị ngộ độc chì từ thuốc cam “rởm”, nghĩa là từ nguồn thuốc của các ông lang, bà mế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy phép kinh doanh… 
Đặc biệt, có gia đình ở Hải Hậu, Nam Định có tới 5 người bị ngộ độc chì, trong đó có một bệnh nhân đã tử vong tại nhà. Được biết, gia đình này mua thuốc cam bán rong uống để chữa chán ăn, loét miệng, kèm cả thuốc bôi. Sau khi sử dụng thuốc thì cả 5 người đều xuất hiện những biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi, một trẻ nhỏ bị co giật, tím tái, tử vong không kịp đến viện. 
Trong danh sách 16 tỉnh, thành phố có tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em có những địa phương tỷ lệ cực kỳ cao như: Hà Nội (53 trường hợp); Bắc Giang (34); Phú Thọ (11); Ninh Bình (9)… 
Cũng qua hoạt động thăm khám, cơ sở y tế đã chỉ mặt gọi 42 địa chỉ thầy lang đã kê đơn, bán thuốc thuốc cam, thuốc tễ cho các bệnh nhân nhi. Điển hình phải kể đến bà lang Canh (Thị trấn Trôi, Hoài Đức, Hà Nội); bà lang Thầy (Minh Châu, Ba Vì, Hà Nội); ông lang Hùng (Đức Thượng, Đan Phượng, Hà Nội); ông Lang Qúy (Thị trấn Tân Yên, Bắc Giang); bà lang Tuyên (Tam Dị, Lục Nam, Bắc Giang); bà lang Lương (Hoàng Xá, Thanh Thủy, phú Thọ); ông lang Giáo (Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ)… Mỗi thầy lang không chỉ chữa cho một vài bệnh nhân mà rất nhiều bệnh nhân, đồng nghĩa với việc số ca bị nhiễm độc chì trong thực tế còn cao gấp nhiều lần thống kê kể trên. 
Bác sỹ Phạm Duệ, GĐ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho hay, ngộ độc chì là vấn đề quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Nó không chỉ rầm rộ bùng phát nặng nề và dẫn đến tử vong như các trường hợp kể trên, mà triệu chứng của chúng diễn diễn một cách âm thầm, khó phát hiện, mặt khác do không đủ điều kiện nên gia đình không biết và đưa đi khám, điều trị, giải độc chì…
ThS. Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cũng khuyến cáo, không cho con em dùng thuốc cam, thuốc tễ không rõ nguồn gốc; không chơi đồ chơi lòe loẹt không rõ xuất xứ; tránh, hạn chế tiếp xúc với những làng nghề liên quan đến tái chế vật dụng có chứa chì; không dùng sơn có chứa chì… Các bà mẹ có dấu hiệu sa sút trí tuệ, thiếu máu nên nghĩ đến ngộ độc chì và đưa con đi khám để được thải chì, điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế chuyên khoa... 
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này, tuần lễ thế giới phòng chống ngộ độc chì  đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động từ ngày 19 – 25/10/2014 với chủ đề: “Hãy loại bỏ sơn chì và các nguồn chì gây nhiễm độc khác”./.

Đọc thêm