Bao giờ hết cảnh chỉ “chèo kéo” khách?

(PLO) - Với tiềm năng du lịch rất lớn, có trên 20 di sản thế giới được UNESCO công nhận, có 72 di tích quốc gia đặc biệt, có trên 3.300 di tích cấp quốc gia, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và trên 3.200km bờ biển, sau 30 năm đổi mới du lịch nước ta vẫn còn ở dạng tiềm năng.
Việt Nam cần nhiều nỗ lực để khai thác tiềm năng du lịch.
Việt Nam cần nhiều nỗ lực để khai thác tiềm năng du lịch.

Vì vậy, thúc đẩy du lịch phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn cần giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có chính sách ưu đãi phát triển du lịch, loại bỏ bớt những yếu tố cản trở cho du lịch phát triển, nhưng siết chặt những quy định để đảm bảo việc an ninh, an toàn và sự thoải mái cho du khách. 

Cơ sở lưu trú khó tự nguyện “gỡ sao”

Qua thống kê, 70% khách sạn ở Việt Nam chủ yếu vừa và nhỏ, chất lượng không đồng đều. Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, tăng giá tùy tiện, quảng bá không đúng với chất lượng dịch vụ xảy ra ở nhiều nơi. Thực tế, các cơ sở được xếp hạng không mấy khi tự kiểm tra, gỡ biển “hạ sao”. Thậm chí cả khi cơ quan nhà nước đi kiểm tra, phát hiện cơ sở lưu trú không đủ điều kiện nhưng việc gỡ xuống còn rất khó. Cơ sở lưu trú sẽ trốn tránh tìm mọi cách để “giữ sao”, có những hành vi lừa dối du khách. Vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại, nếu để các cơ sở lưu trú tự nguyện đăng ký xếp hạng sẽ xảy ra tình trạng lộn xộn, mất kiểm soát của Nhà nước, thiếu sự công bằng và không đảm bảo quyền lợi của khách hàng do chất lượng dịch vụ kém, làm mất uy tín của ngành du lịch.

Do đó, bà Bùi Thị Quỳnh Thơ (Giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh) cho rằng, Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) cần quy định về thẩm định lại cơ sở lưu trú, xếp hạng sao của các cơ sở lưu trú du lịch theo định kỳ vì tính tự giác của các doanh nghiệp trong việc duy trì đảm bảo các quy định về giá cả, chất lượng, dịch vụ chưa cao, lực lượng kiểm tra, giám sát còn mỏng. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo quyền lợi, an ninh, an toàn cho du khách và cũng là một điểm nhấn để làm hài lòng du khách.

Bà Trần Thị Hằng (Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh) cũng nhận thấy, việc xếp hạng cơ sở lưu trú phải là bắt buộc để bảo vệ quyền lợi du khách chứ không thể chỉ “được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện” như Dự thảo Luật. Theo bà, việc xếp hạng cơ sở lưu trú là bắt buộc nhằm ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng quảng cáo, lắp biển hiệu quảng cáo không đúng với chất lượng thật dẫn đến khách du lịch sẽ bị thiệt hại cả về tinh thần, vật chất, chất lượng phục vụ, đồng thời có thể gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường giữa những cơ sở lưu trú tự nguyện xếp hạng và không xếp hạng. 

“Công tác hậu kiểm vì thế sẽ rất nặng nề, có thể sẽ không kiểm soát được vì lực lượng thanh, kiểm tra chuyên ngành vốn đã mỏng lại thực hiện ở nhiều lĩnh vực như văn hóa, thể thao, nhất là đối với các tỉnh có quy mô, diện tích lớn” – bà Hằng cảnh báo. Ngoài ra, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh thấy Dự thảo cần bổ sung thêm quy định “sau 5 năm được xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch cần được thẩm định lại để công nhận lại hạng phù hợp với thực trạng cơ sở vật chất và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch”.

Cũng e ngại quy định về tự nguyện xếp hạng cơ sở lưu trú sẽ dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp kinh doanh các cơ sở lưu trú tự mạo nhận xếp hạng và tự quảng cáo sai với thứ hạng so với thực trạng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch khi Dự thảo Luật không có quy định nào về chế tài xử lý đối với các trường hợp tự xếp hạng sai, không đúng thực trạng, bà Đàng Thị Mỹ Hương (HĐND tỉnh Ninh Thuận) cho rằng Ban soạn thảo cần xác định cụ thể các loại hình cơ sở lưu trú du lịch, kèm theo các quy định về điều kiện, về tiêu chuẩn để xác nhận phân loại từng loại cơ sở lưu trú du lịch để có cơ sở pháp lý thực hiện công tác quản lý và nếu có sai phạm thì cũng có cơ sở pháp lý để xử lý để đảm bảo công bằng, tránh gian lận, tránh tiêu cực trong kinh doanh và nhằm góp phần bảo vệ cho quyền lợi của người kinh doanh cũng như khách du lịch. 

Nhân lực làm du lịch “vừa thiếu, vừa yếu”

Đó là “gót chân asin” không nhỏ của ngành du lịch Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, trong bối cảnh cộng đồng ASEAN chính thức đi vào vận hành, dịch vụ thì lực lượng lao động có chất lượng cao, có ngoại ngữ tốt của các quốc gia láng giềng sẽ tràn vào Việt Nam, nhân lực du lịch Việt, nhất là các hướng dẫn viên, với khả năng “ao làng” như hiện nay có thể sẽ mất việc ngay trên sân nhà. Chính vì vậy, chính sách phát triển du lịch cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực làm du lịch nói chung và hướng dẫn viên du lịch nói riêng.

Theo thống kê cả nước chỉ có 9.500 hướng dẫn viên du lịch quốc tế phục vụ cho 8 triệu lượt khách nước ngoài du lịch tại Việt Nam và 6 triệu lượt khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch trong một năm. Chỉ có 7.150 hướng dẫn viên du lịch nội địa phục vụ cho hơn 45 triệu lượt khách du lịch trong một năm. Song ước tính để phục vụ lượng khách trên cần tối thiểu 25.000 hướng dẫn viên quốc tế và 50.000 hướng dẫn viên nội địa. 

Không nhưng thế, đội ngũ làm du lịch được đánh giá là còn yếu ở vốn kiến thức, trình độ hiểu biết, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ, nhất là các ngoại ngữ hiếm. Một phần quan trọng là do công tác đào tạo chưa chuyên nghiệp, chưa thống nhất. Mặt khác, như đánh giá của bà Triệu Thanh Dung (Tỉnh Đoàn Cao Bằng), phần lớn hướng dẫn viên du lịch không xác định làm nghề lâu dài nên không có động lực phấn đấu hoàn thiện. Công tác quản lý còn nhiều bất cập khiến tình trạng hướng dẫn viên du lịch “chui” xuất hiện ngày càng nhiều ở những điểm du lịch nổi tiếng, cá biệt có hướng dẫn viên du lịch “chui” là người nước ngoài, nói tiếng nước ngoài, sử dụng đồng tiền nước ngoài và xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam như trường hợp ở TP Đà Nẵng. Do vậy, cần giải quyết căn bản được điểm yếu về công tác quản lý hướng dẫn viên du lịch để du lịch Việt Nam có đội ngũ nhân lực thực sự đủ sức đưa ngành công nghiệp “không khói” này vươn lên đúng tầm trong “bảng xếp hạng” của nền kinh tế.

Như vậy, trước sự cạnh tranh và yêu cầu hội nhập, nhiều cơ hội đem lại hy vọng về một sự phát triển “thần kỳ” của du lịch Việt Nam nhờ vào những chính sách, quy định mới đang được nhen nhóm nhưng cần chờ một Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) hoàn thiện hơn./.

Đọc thêm