Bạo hành và quyền trẻ em

(PLO) -Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, có tới 4 vụ bạo hành trẻ em gây rúng động dư luận. Sau vụ bảo mẫu ở Hà Nam tung đứa trẻ hơn 1 tháng tuổi chưa làm dư luận nguôi giận dữ, tại Kiên Giang lại xảy ra trường hợp một bé gái bị người thân dùng thanh sắt nóng ấn vào mặt và tay. 
 
(Hình minh hoạ)
(Hình minh hoạ)

Vài ngày sau đó, tại TP HCM, dư luận bàng hoàng khi xem clip ghi cảnh các bé ở lớp mầm non tư thục Mầm Xanh bị bảo mẫu dùng nhiều vật dụng, thậm chí cả dao, đánh vào người. Mới đây, một cậu bé 6 tuổi ở quận Tân Phú bị kẻ có tiền sử tâm thần làm bảo vệ dân phố sát hại. Và hôm qua, người dân phát hiện thi thể của bé gái 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa sau 2 ngày bị bắt cóc.

Trên tay các bà mẹ những ngày qua chỉ chuyền nhau máy điện thoại smartphone để xem về những clip, tin tức về bạo hành trẻ em với sự phẫn uất cao độ. Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy cái ác hiện diện một cách rõ ràng như vậy. Rõ đến độ không dám tin đó là sự thật.

Đang có những nghịch lý đáng phải khóc, nếu chúng ta biết Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Công ước quan trọng này được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989. 

28 năm qua Công ước Quyền trẻ em vẫn là một trong những văn bản pháp lý quốc tế có giá trị và tiến bộ nhất về quyền con người. Việt Nam cũng là quốc gia cam kết và tích cực hành động thực hiện Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh thế giới “Về sự sống còn, bảo vệ và phát triển trẻ em” (năm 1990) và Tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hợp quốc về “Một thế giới phù hợp với trẻ em” (năm 2002).

Ở Việt Nam từ năm 1991 đã có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, qua nhiều lần sửa đổi và Quốc hội khóa XIII năm 2016 đã thông qua Luật Trẻ em (Luật số 102/2016/QH13). Xin lưu ý, năm 2013, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa chế định quyền của trẻ em và trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Nhà nước, gia đình và xã hội. 

Đáng tiếc, những vi phạm pháp luật về quyền trẻ em diễn tra trên mọi lĩnh vực, khía cạnh của đời sống xã hội; trong đó bóc lột sức lao động trẻ em, bạo hành, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em... đã và đang gây bức xúc lớn trong xã hội.

 Chúng ta nói nhiều đến bảo vệ trẻ em. Nhưng các cơ quan có trách nhiệm được luật định về bảo vệ trẻ em đang ở đâu? Phải chăng pháp luật về quyền trẻ em ở nước ta chưa đủ sức răn đe? Những câu hỏi lớn này ai sẽ giải đáp?

Việt Nam đang đối mặt với muôn vàn khó khăn và thách thức tác động đến trẻ em, việc thực hiện chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa được ưu tiên…Thậm chí, rất, rất nhiều những người lãnh đạo các cơ quan có trách nhiệm, chủ các cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em chưa đọc Luật Trẻ em.

Đã đến lúc phải nghiêm trị đối với các hành vi bạo hành trẻ em, các loại tội phạm xâm hại đến quyền trẻ em, bảo đảm quyền trẻ em được tôn trọng theo đúng quy định của luật pháp và cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đọc thêm