Bảo hiểm tàu cá: Dễ mua, khó đòi

(PLO) - “Người ăn cá, cá ăn người”, nghề biển bạc lắm. Ngư dân cược sinh mạng của bản thân với bao nhiêu con sóng lớn, giông tố và những kẻ độc ác sẵn sàng đâm chìm tàu giữa muôn trùng biển khơi. Mỗi lần gặp nạn là trắng tay, là nợ nần chồng chất, gánh cả đời không hết. Bởi thế, khi có bảo hiểm tàu cá, ngư dân mừng lắm, mua ngay. Nhưng khi đòi, lại gian nan khôn cùng…
Ngư dân Lành (bên trái) thoát chết giữa biển khơi khi tàu của ông bị tàu nước ngoài đâm chìm.
Ngư dân Lành (bên trái) thoát chết giữa biển khơi khi tàu của ông bị tàu nước ngoài đâm chìm.

Bị tấn công khi đang đánh bắt hợp pháp 

Ngư dân Bùi Ngọc Lành (SN 1966, ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg – 90289TS cùng 5 thuyền viên trở về an toàn nhờ sự cứu vớt của tàu bạn. Ông Lành phải bỏ lại ở vùng biển Hoàng Sa tàu cá của mình vì bị một tàu nước ngoài mang số hiệu 46106 đâm chìm. Ông Lành cũng như bao ngư dân ở Gành Cả (xã Bình Châu) xem chuyện “người về, tàu mất” là chuyện thường. Bởi nghề biển, bao đời nay là vậy, phải đánh cược với trời, với những kẻ hung ác chầu chực ngoài khơi xa. 

Theo lời ông Lành, ngày 1/1/2017, ông Lành mua bảo hiểm tàu cá với Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (có trụ sở chính tại 26 đường Tôn Thất Đạm, quận 1, TP HCM, gọi tắt là Bảo Minh), có hiệu lực từ ngày 2/8/2017 đến ngày 2/9/2017 và mức bảo hiểm thân tàu là 1,5 tỷ đồng.

Nhưng khi tư vấn bán bảo hiểm, “nhân viên không nói rõ cho tôi biết loại bảo hiểm này không thể chi trả khi bị tàu nước ngoài cố tình đâm va. Sau này, tôi có nói chuyện thì nhân viên bảo hiểm thừa nhận cái sai của mình là không nói rõ những điều khoản loại trừ” ông Lành nói.

Vì thế, chiều 7/8/2017, khi đang đánh bắt hợp pháp ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền biển đảo của Việt Nam, tàu của ông bị một tàu nước ngoài mang số hiệu 46106 truy đuổi và đâm liên tiếp 2 lần nên bị chìm. Ông Lành kể, “May mắn, 6 người trên tàu nhảy xuống biển kịp thời nên không bị nguy hiểm. Do tàu chìm quá nhanh, sâu nên không thể trục vớt được. Chúng tôi được tàu ông Kiên và ông Cu (xã Bình Châu) đưa vào bờ an toàn”.

Tàu cá có mua bảo hiểm, ông Lành nghĩ phải có chứng cứ để đi đòi. Vậy nên, ngay từ khi bị truy đuổi, ông dùng điện thoại quay phim lại. Dù suýt chết, ông Lành vẫn giữ khư khư chiếc điện thoại như một báu vật để giúp ông được bảo hiểm bồi thường. Thế nhưng, điều ngược lại, chính đoạn clip ông cung cấp cho Bảo Minh đã tạo ra lý do khiến ông không được bồi thường (?!).

Trở về đất liền an toàn, ông Lành làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm. Nhưng phía Bảo Minh trả lời rằng: “Theo Điều 5.4.4 của hợp đồng bảo hiểm, Bảo Minh không chịu trách nhiệm bồi thường mọi tổn thất hoặc những chi phí phát sinh bởi… “bạo loạn, hành động phá hoại hoặc khủng bố”. Theo Bảo Minh, nguyên nhân gây ra tổn thất cho tàu cá của ông Lành là do hành vi cố ý đâm chìm, phá hoại của tàu mang ký hiệu 46106 nên không thuộc trường hợp được bồi thường.

Trắng tay, nợ nần chồng chất

Bao đời đi biển nhưng cuộc sống gia đình ông Lành vẫn nghèo khổ. Căn nhà nhỏ chỉ cách bờ biển chừng 200m được xây dựng từ lâu. Trước đây, ông đi làm thuê cho chủ tàu khác. Năm 2016, ông Lành và 5 người bạn khác hùn vốn, cùng mua tàu cá cho riêng mình. “Đi làm thuê thì lương ba cọc ba đồng. Có tàu riêng thì mình làm mình ăn nhưng nơm nớp lo sợ.

Tàu có mệnh hệ gì là mang nợ cả đời. Khi tàu bị đâm chìm, bạc tỷ nợ ngân hàng, vay bên ngoài để đóng tàu vẫn còn y nguyên. Chưa kể, 100 triệu tiền mượn chủ nậu mua chi phí đi biển không thể đóng được. Chủ nợ đòi liên tục. Chúng tôi chờ mong bảo hiểm để có cái xoay xở nhưng ai ngờ…”, ông Lành chia sẻ.

Tàu chìm, ông Lành và 5 người bạn phải đi làm thuê tàu khác. Đầu năm 2018, ông Lành bấm bụng, cầm cố tài sản vay mượn bên ngoài đóng mới tàu cá khác để tiếp tục hoạt động. Dù bị đâm chìm ở Hoàng Sa nhưng ông không sợ. Ông tiếp tục hoạt động ở nơi đây.

Thư trả lời không bồi thường của Bảo Minh cho ông Lành.
Thư trả lời không bồi thường của Bảo Minh cho ông Lành.

Ông bảo: “Ngư trường Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của khu vực Quảng Ngãi và dọc duyên hải miền Trung. Bao đời nay, cha ông bám lấy nơi đây, chúng tôi cũng phải bám lấy. Không đánh bắt ở Hoàng Sa thì đánh bắt ở đâu được. Dẫu nguy hiểm chầu chực, tôi vẫn cứ đương đầu”.

Do không hòa giải, không thương lượng được, tháng 4/2018, ông Lành đã khởi kiện Bảo Minh tại TAND quận 1 (TP HCM, nơi có trụ sở chính của Bảo Minh). Theo thông tin từ ông Lành, TAND quận 1 đã mời hai bên hòa giải vào ngày 6/9 sắp tới và phía Bảo Minh yêu cầu ông Lành “đưa ra một con số”. 

Nhằm trả lời những phản ánh của ông Lành, PV liên hệ với Bảo Minh tại trụ sở chính. Ông Ngô Quang Minh, Ban Marketing cho biết nếu PV hỏi về Bảo Minh thì sẽ trả lời. Còn nếu hỏi về Bảo hiểm tàu cá thì liên hệ trực tiếp với Ban Bảo hiểm hàng hải (thuộc Bảo Minh) mà trực tiếp là ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Hàng Hải. Ông Quang Minh cũng hướng dẫn PV gửi Email cho ông Văn Minh để được trả lời hoặc được sắp xếp lịch hẹn. PV đã gửi những câu hỏi liên quan đến phản ánh của ông Lành cho ông Văn Minh. Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh khi nhận được câu trả lời từ phía Bảo Minh. 

Theo Luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn LS TP HCM), người đại diện ủy quyền cho ông Lành nói: “Trong trường hợp, ngư dân (bên được bảo hiểm) không có yếu tố lỗi, không có hành vi vi phạm pháp luật nên thuộc trường hợp được bồi thường theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Bảo Minh từ chối bồi thường vì cho rằng đây là trường hợp loại trừ được ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên nhân viên tư vấn, đại diện cho Bảo Minh không giải thích cho ngư dân biết điều khoản loại trừ này là vi phạm khoản 2 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Những điều khoản loại trừ đã được quy định trong hợp đồng nhưng đây là loại hợp đồng mẫu, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải giải thích cho người mua bảo hiểm biết theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Vì vi phạm nên có thể xem các điều khoản loại trừ không tồn tại đối với bên mua bảo hiểm”.

“Sự kiện bảo hiểm xảy ra là do hành vi cố ý của bên thứ ba, theo quy định tại Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải bồi thường cho bên mua bảo hiểm và yêu cầu bên thứ ba hoàn trả khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho bên mua bảo hiểm. Như vậy, ngư dân hoàn toàn có quyền được bồi thường và Bảo Minh có trách nhiệm bồi thường cho ngư dân trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu”.

Đọc thêm