Bảo hiến để kiểm soát quyền lực nhà nước

“Điểm vướng nhất trong tư duy và nhận thức là ở chỗ Hiến pháp vẫn theo đuổi nguyên tắc quyền lực tập trung, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, không thể có cơ quan nào “đứng trên” Quốc hội nên cũng “cản trở” việc thiết kế thiết chế bảo hiến này”- đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về Hội đồng bảo hiến của CH Pháp do Bộ Tư pháp tổ chức sáng qua (8/5).

“Điểm vướng nhất trong tư duy và nhận thức là ở chỗ Hiến pháp vẫn theo đuổi nguyên tắc quyền lực tập trung, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, không thể có cơ quan nào “đứng trên” Quốc hội nên cũng “cản trở” việc thiết kế thiết chế bảo hiến này”- đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về Hội đồng bảo hiến của CH Pháp do Bộ Tư pháp tổ chức sáng qua (8/5).

Băn khoăn “hội đồng” hay “tòa án”

Hiến pháp 1992 đang được sửa đổi, bổ sung dự kiến sẽ bổ sung yếu tố kiểm soát quyền lực vào nguyên tắc tổ chức nhà nước, đặt cơ sở hiến định tạo dựng cơ chế pháp lý hữu hiệu để kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua thiết lập một thiết chế hiến định độc lập chuyên nghiệp kiểm soát quyền lực nhà nước (cơ quan bảo hiến).

Tại hội thảo “Cơ chế bảo hiến – kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho VN” do Viện Nhà nước và Pháp luật – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN phối hợp với Văn phòng Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tổ chức trong hai ngày 6 - 7/5, PGS.TS. Nguyễn Như Phát - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật - cũng nhấn mạnh, “Hiến pháp cần được bảo vệ với cơ chế đặc biệt, chống lại những vi phạm. Điều đó không có nghĩa rằng cơ chế này cướp đi “miếng bánh” quyền lực của ai đó, hay cơ quan nào đó”.

Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau về mô hình thiết chế này như đề nghị thành lập Tòa án Hiến pháp (hiện có đến 29% quốc gia áp dụng); hoặc giao nhiệm vụ bảo hiến cho tòa án nhân dân tối cao. Nhiều ý kiến đồng tình với mô hình Hội đồng Hiến pháp (dù chỉ có 8% quốc gia áp dụng).  Các chuyên gia trong lĩnh vực Hiến pháp đều cho rằng, “các mô hình này đều có điểm mạnh và điểm yếu cần được cân nhắc cho phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, cũng như điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cán bộ của Việt Nam hiện nay”.

GS-TS Thái Vĩnh Thắng (ĐH Luật Hà Nội) chỉ ra ưu điểm của mô hình bảo hiến bằng hệ thống tòa án tư pháp là thuận lợi cho người dân dễ tiếp cận, phù hợp với xu hướng quốc tế nhưng lại hạn chế do bản lĩnh thẩm phán, khả năng phán quyết chưa đồng đều, chưa đáp ứng mức độ phức tạp công việc.

Còn Hội đồng Hiến pháp với thẩm quyền hạn chế như dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, GS.Thái Vĩnh Thắng dự báo “hiệu lực hiệu quả không cao” song “điểm cộng” của mô hình này là được coi là “giải pháp an toàn chính trị, được giới lãnh đạo ủng hộ cao” như ở Pháp, một số nước châu Phi (chủ yếu là thuộc địa cũ của Pháp)...

“Thanh minh” cho việc lựa chọn mô hình Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, PGS. TS.Lê Minh Thông - Phó trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - cho biết, “đó chỉ là đề xuất bước đầu về một cơ chế bảo hiến, không có nghĩa “bịt kín” con đường lựa chọn những mô hình khác” nên việc nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về cơ chế và mô hình cơ quan bảo hiến vẫn cần được tiếp tục.

Cái tên không làm nên quyền lực

Các chuyên gia đã nhấn mạnh đến vấn đề này trước những tranh cãi nên thành lập Hội đồng hay Tòa án Hiến pháp. Thực tế, mỗi quốc gia trao quyền lực cho thiết chế bảo hiến này khác nhau nên dù là Hội đồng hay Tòa án thì quan trọng là tính thực quyền. Như ở CHLB Đức, Tòa án Hiến pháp có tính chính trị nhiều hơn và nền tảng pháp lý cao hơn hệ thống các tòa án tư pháp thông thường. Còn ở Pháp, Hội đồng Hiến pháp của Pháp có quyền lực rất lớn, mà nhiều tòa án Hiến pháp khác không có được như nhận xét của GS.TS.Jorg Menzel (Đại học Tổng hợp Bonn, CHLB Đức).

Trước băn khoăn của PGS.TS.Hoàng Thế Liên về “điểm vướng khi thiết kế thiết chế cơ quan bảo hiến trong Hiến pháp Việt Nam”, ông Olivier Dutheillet de Lamothe (Thành viên danh dự Hội đồng bảo hiến CH Pháp) khẳng định, qua cơ chế hoạt động của Hội đồng bảo hiến tại Pháp, Hội đồng không đứng trên Quốc hội vì quyền cuối cùng vẫn thuộc về người dân khi có thể phản đối quyết định của Hội đồng thông qua việc sửa đổi Hiến pháp.

Ngay ở Việt Nam, khi tranh cãi xung quanh mô hình thiết chế bảo hiến, những ý kiến ủng hộ đề xuất thành lập Hội đồng Hiến pháp cũng luôn quan tâm đến “tăng quyền “quyết” cho Hội đồng chứ không chỉ làm chức năng “tư vấn”, dễ dẫn đến tính hình thức”. Ông Lê Minh Thông cũng thừa nhận, mô hình Hội đồng Hiến pháp được đề xuất còn nhiều hạn chế vì “chưa phải cơ quan tài phán mà chỉ là cơ quan bổ trợ thêm cho các cơ quan bảo hiến hiện hành, không chuyên trách, thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Nhưng “có một cơ chế bảo hiến chuyên nghiệp hơn là Tòa án Hiến pháp hay Hội đồng Hiến pháp để bổ sung cho cơ chế hiện hành thì không có nghĩa loại bỏ, mà sẽ vẫn tiếp tục cơ chế bảo hiến hiện hành do đặc thù hệ thống chính trị Việt Nam” – PGS.TS.Lê Minh Thông khẳng định.

Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 70 nước có cơ chế bảo hiến bằng tòa án Hiến pháp, khoảng 20 nước do tòa án tối cao đảm trách nhiệm vụ bảo hiến; chỉ có khoảng 15 nước theo mô hình Hội đồng Hiến pháp.

Huy Anh