Bảo hộ nhà đầu tư trong cam kết EVFTA: Rất dễ bị “ăn đòn”

(PLO) - Nhiều nội dung quy định cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài thuộc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hiện chưa tương thích với một số thể chế ở Việt Nam.
Đối xử công bằng trong đầu tư là nguyên tắc hàng đầu trong cam kết EVFTA giữa Việt Nam và EU

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết trong EVFTA về đầu tư” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức.  

Khoảng trống trong luật

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) thay mặt nhóm rà soát đánh giá rằng, nhìn chung pháp luật Việt Nam cơ bản tương thích với cam kết trong EVFTA. Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài thuộc EVFTA lại chưa tương thích với một số thể chế ở Việt Nam. 

Theo cam kết, nhà đầu tư EU tại Việt Nam được quyền kiện các cơ quan nhà nước liên quan tới hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU. Lý do là các cơ quan nhà nước có thể vi phạm các cam kết tại Mục Bảo hộ đầu tư của EVFTA; hoặc các cam kết tại một số khoản liên quan tới nguyên tắc đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc gây thiệt hại cho nhà đầu tư. 

Kết quả rà soát của VCCI còn cho thấy vai trò của trọng tài Việt Nam hiện tại cũng rất mờ nhạt trong việc xử lý các vụ việc liên quan tới Cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – nhà đầu tư nước ngoài (ISDS). Đơn cử, luật của Việt Nam chưa tuân thủ cam kết của EVFTA liên quan đến yêu cầu trưng mua, trưng dụng và phải bồi thường, bồi thường chậm phải trả lãi. Việt Nam chưa có quy định trả lãi hay trưng mua, trưng dụng.  

 “Cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – nhà đầu tư nước ngoài (ISDS) trong AVFTA chưa được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam mặc dù chúng ta đã cam kết với đối tác. Vì chưa tương thích nên những vấn đề đang mắc phải như: Trọng tài Việt Nam nếu chiếu theo quy định hiện hành sẽ không có cơ hội để xử lý vụ việc ISDS. Hiệu lực pháp lý của phán quyết trọng tài ISDS và cơ chế công nhận, thi hành phán quyết trọng tài ISDS trong và ngoài lộ trình vẫn còn là khoảng trống”- bà Trang nhấn mạnh.  

Không nên chậm trễ

Liên quan tới bảo hộ đầu tư, nhóm rà soát cảnh báo về nguyên tắc “chuẩn đối xử”. Bà Trang đặc biệt lưu ý về nguyên tắc FET(đối xử công bằng): “Nguyên tắc này cực kỳ nổi tiếng trên thế giới như một cách hành xử trong buôn bán, đầu tư. Nguyên tắc này đã từng gây lo ngại cho nhiều nước nhận đầu tư như Việt Nam chúng ta về độ rộng của cam kết. Tuy nhiên, trong EVFTA, nguyên tắc được đưa vào khung có vẻ hẹp hơn”.

Giám đốc Trung tâm WTO cho biết, nguyên tắc FET, cơ quan công quyền sẽ vi phạm nếu rơi vào các trường hợp liệt kê như: Từ chối xét xử vụ việc dân sự, hình sự, hành chính; vi phạm nghiêm trọng quy trình tố tụng; phân biệt đối xử có mục tiêu dựa trên các căn cứ sai nghiêm trọng như giới tính, dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo; đối xử lạm dụng như cưỡng ép, lạm dụng quyền hoặc các hành động tương tự.    

Với những nội dung chưa tương thích, tạo ra khoảng trống lớn giữa cam kết và thực thi của EVFTA, nhóm nghiên cứu VCCI kiến nghị Quốc hội cần xây dựng luật riêng về thực thi mục đầu tư trong Hiệp định thay vì rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật về đầu tư hiện nay.

“Một mặt, chúng ta cần xây dựng văn bản riêng thực thi Hiệp định về đầu tư dưới dạng cấp luật. Trong đó bao gồm các cam kết mở cửa riêng cho nhà đầu tư EU, bao gồm các cam kết pháp luật Việt Nam chưa tương thích, bao gồm các trường hợp pháp luật Việt Nam đã tương thích nhưng nên quy định để nhằm tăng cường tính minh bạch, tạo thuận tiện cho thực thi. Và luật mới cũng phải đưa vào quy định về nguyên tắc, phạm vi các cam kết về ISDS. Mặt khác, chúng tôi đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết áp dụng trực tiếp các cam kết ISDS về quy trình tố tụng”- bà Trang cho biết.    

Đáng chú ý, tại hội thảo, trả lời câu hỏi tại sao gần 30 năm nay việc chuyển giao công nghệ ở các dự án FDI cho đối tác Việt Nam chưa như mong muốn, bà Cao Thị Hồng Vinh, giảng viên Đại học Ngoại thương lý giải có hai góc độ cho thực trạng này.  

“Đó là nhà đầu tư không muốn chuyển giao vì việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam thấp, vi phạm bản quyền cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, năng lực kém nên không hấp thụ được công nghệ của doanh nghiệp FDI.” - bà Vinh nói.

Đọc thêm