Bảo hộ tác quyền trong môi trường số: Nhiều diễn biến phức tạp

(PLVN) - Họa sĩ Lê Linh đã được công nhận là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt sau hơn chục năm đi tìm công lý. Đây cũng là một sự khuyến khích rất lớn đối với nhiều tác giả, họa sĩ, người làm nghệ thuật trong công cuộc bảo vệ “đứa con trí tuệ” của mình khi môi trường sáng tác ở Việt Nam hiện giờ vẫn còn rất nhiều bất cập.
Họa sĩ Lê Linh và hình ảnh 4 nhân vật của truyện Thần đồng đất Việt
Họa sĩ Lê Linh và hình ảnh 4 nhân vật của truyện Thần đồng đất Việt

Tác giả được pháp luật bảo vệ

Khi Hội đồng xét xử TAND quận 1 (TP HCM) tuyên bố họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong Thần đồng đất Việt, xác nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh không phải đồng tác giả, cũng đồng nghĩa bản quyền truyện Thần đồng đất Việt không thuộc về Công ty Phan Thị; nhiều nghệ sĩ, họa sĩ và hàng ngàn độc giả đã bày tỏ sự ủng hộ, chúc mừng họa sĩ Lê Linh trên mạng xã hội.

Nhìn lại chặng đường 12 năm qua, họa sĩ Lê Linh chia sẻ với báo chí sau phiên tòa: “Tôi không biết diễn tả cảm xúc thế nào, chỉ biết nhiều lúc rất mệt mỏi. Nhưng mình đã đặt ra quyết tâm, nên kiên trì theo đuổi, cuối cùng ra kết quả như hôm nay. Tôi hài lòng và vui mừng vì nó là sự thật”.  

Vấn đề bảo hộ tác quyền trong nhiều năm qua đã gây ra nhiều bức xúc trong giới họa sĩ nói riêng và giới sáng tác nói chung, bởi thông thường sự thiệt thòi đều thuộc về tác giả - người cha, người mẹ sản sinh ra một tác phẩm.

Nhìn lại vụ kiện vừa qua, dù có những diễn biến phức tạp song có thể nói tới hai điểm nổi bật như sau. Thứ nhất, một trong những lập luận đã thuyết phục được HĐXX là theo quy định của pháp luật, quyền tác giả phát sinh từ thời điểm sáng tạo ra tác phẩm, thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định; những điều nằm trong suy nghĩ, tồn tại dưới dạng ý tưởng thì không phải là tác phẩm văn học, khoa học; vì không được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định và không được pháp luật bảo hộ.

Do vậy, việc bà Hạnh cho rằng mình đã hình dung ra nhân vật Thần đồng đất Việt trong suy nghĩ, nhờ ông Lê Linh vẽ lại, là không có cơ sở; cho nên bà Hạnh không phải là tác giả của 4 hình tượng nhân vật nên trên. 

Thứ hai, trong quá trình giải quyết vụ án, hai bên đều thừa nhận Phan Thị tạo ra các tập truyện sau tập 79 (thời điểm ông Linh dừng làm việc với Công ty Phan Thị) dựa vào 4 hình tượng do ông Linh sáng tạo.

Đối chiếu quy định của pháp luật, việc Phan Thị tiếp tục sáng tác các tập truyện từ tập 79 là hành vi sửa chữa tác phẩm, không được sự đồng ý của tác giả, là vi phạm quyền của tác giả. Do vậy, phía Công ty Phan Thị buộc phải xin lỗi và bồi thường cho tác giả. 

Những điều trên đã cho thấy, nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng được nâng cao và coi trọng, được bảo đảm bằng những biện pháp cụ thể, thái độ quyết liệt của những nhà làm luật, là vừa phải trả lại công bằng về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần đối với tác giả.

Nhìn lại, năm 2005 Luật Sở hữu trí tuệ ra đời, năm 2009 được điều chỉnh lại chặt chẽ hơn; nhưng từ những quy định của luật pháp trên văn bản đến việc thực thi luật pháp trên thực tế là một chặng đường dài, gặp nhiều bất cập. 

Bảo vệ tác quyền trong môi trường số rất phức tạp

Việc họa sĩ Lê Linh được công nhận là tác giả đã đem lại nhiều hy vọng cho những tác giả khác trong lĩnh vực sáng tác. Bởi bảo vệ quyền tác giả, là đem lại lợi ích hợp pháp cho các tác giả để họ có nguồn năng lượng tái tạo sức lao động, nhưng cũng chính là để duy trì và đảm bảo một cộng đồng sáng tạo trong sạch, văn minh của rất nhiều những tác giả khác.

Là một bài học đáng giá, họa sĩ Lê Linh cho biết: “Họa sĩ truyện tranh cần kỹ lưỡng hơn khi làm hợp đồng, phải thỏa thuận rõ ràng với những chủ đầu tư ngay từ khi hợp tác. Tất cả đều có quy định của pháp luật, cho dù ai có làm cách này hay cách khác để che giấu, thì nó cũng phơi bày ra thôi.”

Tuy vậy, trên thực tế trong môi trường sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay tác quyền và các quyền liên quan trong môi trường số đang diễn biến rất phức tạp. Vụ việc trên mới là hy hữu, chưa thể hiện hết những bất cập khác về việc ngang nhiên xâm phạm tác quyền hiện nay.

Thời đại số (Internet) đã và đang giúp cho mọi người có thể dễ dàng tiếp cận đến các tác phẩm vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào. Song, cùng với đó, thực trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam hiện nay khá nghiêm trọng.

Ví dụ, nhiều nhà xuất bản phải chi kinh phí lớn mua bản quyền nhưng lại bị các trang mạng xã hội, website trực tuyến sao chép, hoặc tải các bản scan lậu trên mạng rồi đăng tải miễn phí, phát tán tràn lan trên internet, hoặc tự in ra “sách lậu” để bán trên thị trường, mà không trả phí bản quyền. Hiện tượng này ngày càng phổ biến nhưng chưa hề có đường hướng nào giải quyết triệt để.

Một hệ lụy khác là các tác phẩm truyện phát tán trên mạng do không được biên tập kỹ lưỡng có nhiều hình ảnh, nội dung bạo lực, phản cảm hoặc dung tục, không phù hợp với độ tuổi, với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, nhưng lại có lượng truy cập rất lớn, đặc biệt đến từ những độc giả trẻ tuổi.

Các trang web, fan page có lượng truy cập lớn có thể thu được nguồn lợi lớn từ quảng cáo, các phụ phí khác và có thể phần nào “né” được sự “soi mói” của các cơ quan chức năng. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một trong những động lực để nhiều cá nhân, tổ chức tiếp tục vi phạm bản quyền trên mạng, khiến cho việc xử lý và bảo vệ tác quyền trong môi trường số càng phức tạp hơn.

Quả thực, pháp luật Việt Nam đã có hệ thống các quy định đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.

Song, trên thực tế áp dụng đã hé lộ ra nhiều “lỗ hổng” để cho nhiều vi phạm bản quyền công khai trên môi trường Internet vẫn cứ tiếp tục diễn ra, gây bức xúc giới sáng tác nghệ thuật, gây thiệt hại cho các tổ chức xuất bản và có lẽ cũng là một thiệt thòi lớn đối với người dân Việt Nam.

Đọc thêm