Nhớ một thời gian khó
Cách đây 35 năm, lần đầu tiên trong khối nội chính, một tờ báo mang tên Pháp luật thường thức ra đời. Ở thời kỳ bấy giờ có thể coi đó là “hiện tượng” trong làng báo chí cách mạng bởi lẽ, các tờ báo của Bộ, ngành mang tính chuyên sâu, đặc biệt là chuyên sâu về pháp luật là chưa có tiền lệ.
Những cán bộ đặt “viên gạch đầu tiên” cho tờ Pháp luật thường thức ngày đó kể lại, dù báo ra một tháng 2 số nhưng với điều kiện lúc bấy giờ mọi thứ vô cùng khó khăn. Từ tác nghiệp đến phát hành.
Mỗi ngày báo ra con em cán bộ trong tòa soạn phải thức dậy thật sớm, đến tận nơi, lồng từng tờ báo làm sao để đầu giờ sáng, báo đến được tay bạn đọc. Làm báo thời đó vất vả nhưng cũng vui khi mỗi tờ báo được bạn đọc nâng niu, thậm chí được đọc đi đọc lại đến cả tuần… vẫn chưa thấy cũ.
Những ngày đầu thành lập, Báo chỉ có 7 người, cơ bản không phải “dân” làm báo chuyên nghiệp mà là “dân” tuyên truyền từ Bộ Tư pháp về. Cả Tòa soạn vẻn vẹn có mấy con người lại trong điều kiện cơ sở vật chất hầu như là con số không, chỉ được Bộ Tư pháp cho “mượn” căn phòng nhỏ trong trụ sở của Bộ trên phố Cát Linh. Khó đủ bề là thế song chỉ 5 năm sau, Báo đã bắt đầu cơ chế tự chủ “tự làm tự ăn”.
Đối với các cơ quan báo chí nói chung lúc bấy giờ đó là cơ chế hoàn toàn mới, rất khó vì chủ yếu “sống” bằng bầu sữa ngân sách, nên vừa làm vừa tự xoay xở. Năm 1998, lần đầu tiên Báo tuyển lứa phóng viên với 9 người, vượt qua trên 300 hồ sơ dự tuyển. Các thế hệ phóng viên tiếp theo cũng được tuyển chọn qua nhiều hình thức thi tuyển, ngày càng bổ sung nhân lực đông đảo cho Tòa soạn.
Trên nhiều chặng đường trong 35 năm hình thành và phát triển, đã có những lúc Báo PLVN chững lại, trùng xuống khi việc phát hành báo trên thị trường bị ngưng trệ, trong khi chi phí cho việc in ấn, phát hành tăng, nguồn thu do quảng cáo không nhiều; việc quản lý đội ngũ cán bộ, phóng viên cũng thay đổi do Nhà nước ban hành các chính sách mới…
Đoàn công tác Báo PLVN tại Biên giới Tịnh Biên, An Giang năm 2017. |
Tuy nhiên, với sự chung sức, chung lòng, sự dẫn dắt của Ban Biên tập, khó khăn đã dần được gỡ bỏ. Đặc biệt, một dấu mốc rất quan trọng của Tờ báo là từ khi Bộ Tư pháp ban hành Đề án đổi mới về tổ chức và hoạt động Báo PLVN năm 2008. Đề án mang lại làn gió mới, sức sống mới với quyết tâm cao của cả Ban Biên tập và từng cán bộ, phóng viên; là tiền đề cho những đổi mới mạnh mẽ của PLVN sau này.
Vì một thương hiệu PLVN bền vững
35 năm qua, các thế hệ người làm báo PLVN không khỏi tự hào nhìn lại “cơ nghiệp” đã cùng nhau chung tay gây dựng. Đó là đội ngũ hùng hậu với gần 300 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, cộng tác viên; 16 đơn vị cấp phòng, ban chuyên môn; 15 cơ quan, văn phòng đại diện; 11 ấn phẩm báo giấy và điện tử, truyền hình, hoạt động 24/24h.
Đó là một cơ sở vật chất với các trang thiết bị hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu công nghệ làm báo trong thời kỳ mới. Đó là sự đổi mới không ngừng nghỉ của 11 ấn phẩm. Báo PLVN đang tiếp cận đến tất cả các đối tượng người đọc ở mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội.
Đặc biệt, dưới sự tác động của nền công nghiệp 4.0, thời gian gần đây Báo PLVN cũng chuyển động mạnh mẽ theo xu hướng của công nghệ hiện đại, với nhiều chuyên trang, chuyên mục mới đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của bạn đọc.
TBT Đào Văn Hội và nguyên Phó TBT Thường trực Đặng Ngọc Luyến cùng Đoàn Báo PLVN dâng hương tại Nghĩa trang Đồng Lộc, Hà Tĩnh năm 2019. |
Đặc biệt, với sứ mệnh cao cả là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, những người làm báo PLVN vẫn luôn ý thức, không chỉ làm tốt tôn chỉ mục đích của tờ báo mà còn là trách nhiệm sẻ chia với cộng đồng.
Từ nhiều năm nay, Báo PLVN kiên trì thực hiện các chương trình thiện nguyện như chương trình Chung tay xóa nghèo pháp luật; Chương trình hướng về biển đảo; Chương trình Tri ân Tháng 7 miền Trung; Chương trình trao quà, tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt…
Qua đó, đã trao tặng nhiều ngôi nhà tư pháp cho cán bộ tư pháp có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền đất nước; cung cấp sách, báo miễn phí cho cán bộ, người dân ở nhiều vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Tấm lòng của những người làm Báo PLVN được các cơ quan, tổ chức và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Phó Tổng Biên tập Trần Đức Vinh - đại diện Báo PLVN trao tặng nhà "Mái ấm tư pháp" tại Bắc Hà, Lào Cai năm 2020. |
Nhìn lại 35 năm, điều mà những người làm báo PLVN tự hào đó chính là thương hiệu PLVN ngày càng được khẳng định trong làng báo chí cách mạng. Một thương hiệu PLVN mà mỗi lần nhắc đến, bạn đọc cảm thấy thân thương, trân quý, đồng hành và ủng hộ.
Dẫu vậy, cùng với khó khăn chung của các cơ quan báo chí trên cả nước khi văn hóa đọc suy giảm, Cách mạng công nghệ 4.0 đặt ra cho các cơ quan báo chí phải không ngừng đổi mới; công tác quản lý, cán bộ, phóng viên phải chặt chẽ, quy củ hơn. Cạnh đó là áp lực kinh tế báo chí khi tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ toàn bộ… nếu không nhận diện đúng tình hình để tìm hướng đi mới phù hợp thì dễ dẫn đến nguy cơ tụt hậu; an bài.
Cán bộ, phóng viên, người lao động Báo PLVN tham gia hiến máu tình nguyện năm 2020. |
Tọa đàm với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tư pháp; nguyên lãnh đạo Bộ Tư pháp; các cơ quan quản lý báo chí; đại diện các bộ, ban ngành, Trung ương; địa phương; các doanh nghiệp, đối tác; các nguyên lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo PLVN qua các thời kỳ; các lãnh đạo Phòng, Ban trực thuộc Báo và một số cộng tác viên, bạn đọc, những người luôn yêu mến, ủng hộ Báo PLVN trong suốt thời gian qua.
Hy vọng Tọa đàm là dịp để cùng nhìn lại chặng đường 35 năm Báo PLVN đã đi qua; trao đổi, gợi mở, hiến kế những giải pháp trong thời gian tới, để làm sao Báo PLVN tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt phương châm “Đảng tin, dân yêu, doanh nghiệp đồng hành”.
Đây cũng là dịp các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên cùng sống những phút giây hoài niệm, vun đúc lòng yêu ngành, yêu nghề, tiếp tục dấn thân cùng xây dựng Báo PLVN ngày càng vững mạnh; góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.