10h hôm nay, 28/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội), Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Chung tay xóa nghèo pháp luật” hướng về biên giới biển đảo và gặp mặt Cộng tác viên xuân Bính Thân.
Đến dự có Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân; Đại tá Trần Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát biển; Ông Phùng Quang Khải, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đại tá Phạm Hồng Thái, Cục Chính trị- Bộ Tư lệnh Biên phòng; Đại tá Phạm Công Lục, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng cùng đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành, ban ngành địa phương và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cùng tham dự Hội nghị có nhiều cộng tác viên gắn bó với Báo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đặng Ngọc Luyến, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo báo cáo tóm tắt kết quả công tác năm 2015 và thay mặt Báo PLVN nói lời cảm ơn đến các cộng tác viên, đối tác của Báo.
Khẳng định những thành công trong công tác năm 2015 là nhờ quyết tâm, nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ, phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam, ngoài ra còn có những đóng góp quan trọng của các cộng tác viên của Báo, Tiến sỹ Đào Văn Hội, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đã tặng hoa, trao thưởng và gửi lời tri ân đến các cộng tác viên tiêu biểu đã có những đóng góp cho sự phát triển của Báo trong năm qua.
10h30, Báo Pháp luật Việt Nam cùng đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ lên thực hiện Lễ ký biên bản ghi nhớ về việc phối hợp và tài trợ thực hiện Đề án. Lễ ký là biểu tượng cho việc hợp tác, phối hợp thực hiện một Đề án có ý nghĩa xã hội và khẳng định việc tiếp tục chung tay cùng Báo thực hiện hoạt động xã hội này.
Chứng kiến Lễ ký, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhận định, Đề án “Chung tay xóa nghèo pháp luật“ có ý nghĩa tích cực trong việc thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, được xây dựng trên cơ sở kết quả thực hiện chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật”, một sáng kiến thực hiện xã hội hóa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật theo tinh thần của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Báo Pháp luật Việt Nam khởi xướng và được nhiều doanh nghiệp đồng hành thực hiện trong nhiều năm qua.
Với ý nghĩa và vai trò tích cực của Chương trình trong việc vận động xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã phê duyệt Đề án, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Báo kêu gọi sự ủng hộ rộng rãi của các doanh nghiệp và sự phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương đối với việc thực hiện chương trình cấp phát miễn phí ấn phẩm báo chí cho đối tượng thụ hưởng.
"Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi xin trân trọng cảm ơn sự hiện diện của đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ đã về dự lễ ký kết biên bản ghi nhớ và cam kết tài trợ thực hiện Đề án và mong muốn đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp luôn đồng hành cùng Báo Pháp luật Việt Nam để tổ chức thành công Đề án có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới, biển đảo này", Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhắn gửi.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng chỉ đạo, trong năm 2016, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục phát huy vị thế, vai trò là cơ quan tuyên truyền của Bộ, ngành Tư pháp, luôn phải giữ vững tôn chỉ, mục đích; ý thức rõ ràng về các nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào và chiến sỹ cả nước; đóng vai trò tích cực trong việc định hướng tư tưởng, ý thức của bạn đọc trong việc nhận thức và thi hành pháp luật;
Thứ hai, Báo đã thực hiện thành công Đề án đổi mới về tổ chức và hoạt động, giai đoạn 2008-2015, với những kết quả đáng khích lệ, được Bộ Tư pháp, Chính phủ, Chủ tịch nước tặng thưởng nhiều danh hiệu và hình thức khen thưởng cao quý. Kế thừa những thành tựu và truyền thống của Báo, trong giai đoạn tiếp theo, Báo cần phải xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020, tiếp tục năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ và thành công trong việc tổ chức xuất bản các loại hình báo in, báo điện tử, giữ vững vị thế là đơn vị sự nghiệp tự chủ về tổ chức và hoạt động.
Thứ ba, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm của những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, cùng Chính phủ và các cấp chính quyền thực hiện tốt chủ trương, chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình chính sách; phát huy truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ các gia đình nghèo bằng các chương trình xã hội từ thiện như Báo đã thực hiện; tích cực, chủ động phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả và thành công Đề án Chung tay xóa nghèo pháp luật, tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo qua ấn phẩm báo chí bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
11h, kết thúc tốt đẹp Hội nghị, Tiến sỹ, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội bày tỏ sự xúc động và chân thành cảm ơn các vị đại biểu, các cộng tác viên... đã không quản ngại giá rét đến tham dự Hội nghị và tham gia Lễ ký kết triển khai đề án “Chung tay xóa nghèo pháp luật“.
"Chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục đổi mới, đoàn kết và sáng tạo. Với sự tin tưởng, tạo điều kiện, hợp tác và đồng hành của các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp, chúng tôi sẽ nỗ lực đi lên để đạt những thành quả ngày càng cao và các hoặt động xã hội càng ý nghĩa hơn", Tiến sỹ Đảo Văn Hội, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam nói.
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua kênh thông tin báo chí, từ năm 2007, Báo Pháp luật Việt Nam đã phát động Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” với mục tiêu đưa các ấn phẩm của Báo đến các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa phục vụ đối tượng bạn đọc là cán bộ cấp xã, trưởng thôn, bản; cung cấp ấn phẩm báo cho các điểm bưu điện văn hóa, thư viện, tủ sách pháp luật của các xã. Nguồn kinh phí để mua và cấp phát báo cho đối tượng thụ hưởng trên được Báo Pháp luật Việt Nam kêu gọi, vận động tài trợ từ các doanh nghiệp.
Tính đến năm 2015, các các cơ quan, đơn vị tham gia chương trình đã mua tặng đồng bào và cán bộ các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa hơn 1 triệu tờ báo với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Các địa phương được thụ hưởng chương trình gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Lâm Đồng, Tiền Giang.
|
Việc thực hiện chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” đã có những tác động tích cực đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tại các địa phương được nhận các ấn phẩm của Báo theo chương trình, cán bộ và nhân dân rất phấn khởi, cảm động trước việc làm của Báo Pháp luật Việt Nam; coi ấn phẩm của Báo là kênh thông tin quan trọng để biết chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam trở thành cầu nối thông tin, tài liệu hữu ích cho các cán bộ tư pháp xã cập nhật các văn bản pháp luật mới, các câu chuyện, tình huống pháp luật để vận dụng vào giải quyết công việc cho người dân tại địa phương; là nguồn tư liệu sinh động, thực tế hàng ngày cho cán bộ và nhân dân các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa.
Về nội dung, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng hình thức cấp phát các ấn phẩm báo của Báo Pháp luật Việt Nam là kênh tuyên truyền hiệu quả do các thông tin pháp luật được truyền tải bằng các bài báo; thông tin về các vấn đề pháp luật được tuyên truyền thường xuyên, liên tục và gắn liền với các vấn đề thời sự xã hội, pháp luật gần gũi với đời sống của người dân nên người đọc dễ tiếp thu và vận dụng. Do dó, mô hình tuyên truyền này rất thiết thực và hiệu quả đối với bộ phận người dân được tiếp cận thông tin pháp luật qua các ấn phẩm của Báo.
Để chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, ngày 12/01/2016, Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 43/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Chung tay xóa nghèo pháp luật, tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo qua ấn phẩm báo chí bằng nguồn kinh phí xã hội hóa” và giao cho Báo Pháp luật Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện Đề án, với sự phối hợp của các Bộ: Thông tin truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn luật sư Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố liên quan. Đề án được thực hiện từ năm 2016 đến hết năm 2018.
|
Phó Tổng biên tập Đặng Ngọc Luyến báo cáo hiệu quả các hoạt động của Báo. |
Với việc thực hiện chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật”, Báo Pháp luật Việt Nam đã tiên phong thực hiện công tác xã hội hóa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là sáng kiến rất thiết thực và hiệu quả cần được Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo, sự hỗ trợ đồng hành của toàn xã hội, của các nhà doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để chương trình tiếp tục duy trì và phát triển.