Bảo tồn loại hình trình diễn dân gian: Kỳ vọng vào thế hệ trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nghệ thuật trình diễn dân gian hát nhà tơ - hát, múa cửa đình đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cư dân các làng, xã ven biển, hải đảo Quảng Ninh. Đây là một trong số 46 làn điệu của ca trù Việt Nam và đang đứng trước nguy cơ mai một.
Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình tại Lễ hội đình Vạn Ninh. (Nguồn: Tư liệu)
Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình tại Lễ hội đình Vạn Ninh. (Nguồn: Tư liệu)

Câu hát gắn liền điệu múa

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Quảng Ninh, hát nhà tơ - hát, múa cửa đình tồn tại khoảng thế kỷ thứ XIII, thời nhà Lý. Không gian tồn tại của loại hình trình diễn dân gian này kéo dài dọc theo các làng xã từ huyện Vân Đồn đến các vùng dân cư ven biển như Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái.

Khác với ca trù, hát nhà tơ - hát, múa cửa đình ngoài lời hát còn rất coi trọng múa. Khi trình diễn, gần như tất cả các làn điệu hát đều có múa đi kèm. Đội hát múa là các ca nương trẻ, ít nhất 3 người, nhiều nhất 9 người. Ở hát cửa đình, ca nương một tay cầm nén hương, một tay múa, di chuyển đến hết bài thì trân trọng cắm hương vào lư hương giữa trên bàn thờ, rồi kính cẩn vái lạy, lùi ra.

Sau múa hương là múa dâng hoa. Múa đội kèn là điệu múa biểu diễn muộn nhất, thường diễn ra vào quá nửa đêm. Lúc này, lễ hội đã không còn ồn ào, không khí nửa đêm về sáng se lạnh, nơi thờ phụng dường như trở nên trầm mặc, thiêng liêng hơn. Buổi sớm ngày kết thúc, trước lúc rước bài vị các vị thần thành hoàng từ đình về miếu, khoảng 7 giờ sáng còn có một điệu múa đậm màu sắc tâm linh nữa là múa tống thần. Loại hình diễn xướng này thường được biểu diễn trong các mùa lễ hội vào dịp đầu xuân tại đình làng nhằm tôn vinh các vị thần linh và anh hùng dân tộc; cầu xin thần linh phù hộ cho dân làng được bình an, khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt.

Sự uyển chuyển của các điệu múa kết hợp với vai trò của trống cái, của xênh kết hợp với trống con và phách đã tạo ra không khí tưng bừng của lễ hội. Cũng vì có múa nên không gian diễn xướng của hát nhà tơ - hát, múa cửa đình rộng mở hơn ca trù. Ca trù hát ở trên chiếu, sập, còn với hát nhà tơ là cả sân đình, cả một không gian lễ hội. Thậm chí không gian trình diễn là cả một cánh đồng, dòng sông, khi người hát nhà tơ vừa hát vừa lao động sản xuất.

Hát nhà tơ và hát, múa cửa đình có sự khác biệt: hát nhà tơ nặng tính chất giao duyên, còn hát múa cửa đình thì đậm tính chất tín ngưỡng. Hát nhà tơ là hoạt động thường xuyên trong dân, từ dân, của người dân lao động; còn hát múa cửa đình chủ yếu là để phục vụ lễ hội của làng. Hát múa cửa đình gắn với đình làng, để ca ngợi những người có có công với nước, với làng… Năm 2015, Bộ VH,TT&DL đã có quyết định công nhận hát nhà tơ - hát, múa cửa đình của Quảng Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Trăn trở gìn giữ văn hóa cổ truyền

Nghệ nhân nhân dân Đặng Thị Tự (thôn Trại Giữa, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) là người duy nhất ở tỉnh Quảng Ninh còn nhớ được 9 làn điệu cổ của hát nhà tơ - hát, múa cửa đình. Theo nghệ nhân Đặng Thị Tự, hát nhà tơ phải biết nhả chữ, hát phải rõ chữ, hát đúng giọng, người hát phải biết cách sử dụng phách, tiếng phách phải chắc và giòn, lời ca và tiếng phách phải ăn khớp với nhau. Người hát cũng phải hiểu được ẩn ý của câu hát, tạo ra bản sắc riêng, từ đó mới diễn tả được cung bậc tình cảm của hát nhà tơ.

Nghệ nhân dân gian Lê Thị Lộc (thôn Nam, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) cho hay, hầu hết các bài này cần có rất nhiều giọng như: giọng thét nhạc, thả, phú, ca trù, hãm và nhị. Song hành với các lối hát là các điệu múa bình dị, uyển chuyển như: Dâng hương, dâng hoa và dâng nến lên các vị thần. Loại hình âm nhạc này chủ yếu được truyền miệng nên nhiều bài, nhiều ca từ đã bị thất lạc. Vì vậy, giữ gìn và phát huy những lời ca, điệu múa độc đáo này hết sức quan trọng.

Hàng chục năm qua, Nghệ nhân nhân dân Đặng Thị Tự vẫn âm thầm sưu tầm và gìn giữ 39 bài hát với gần 800 câu và 9 giai điệu cổ, đó là giọng vọng, giọng thét nhạc, giọng thả, giọng huỳnh, giọng giai, giọng phú, giọng ca trù, giọng hãm và giọng nhị thập tứ hiếu và 4 điệu múa cổ là múa tế, múa dâng hương, múa đội đèn, múa bông. Nghệ nhân đã truyền dạy hết cho thế hệ trẻ, tính đến nay đã hơn 100 người. Niềm mong mỏi lớn nhất của nghệ nhân Đặng Thị Tự là có một lớp ca nương, đào kép trẻ say mê gắn bó với hát nhà tơ để những câu hát, điệu múa được lưu truyền mãi.

Tuy nhiên, nhiều người không khỏi lo lắng loại hình diễn xướng dân gian niên đại ngàn năm này sẽ bị mai một. Bởi những nghệ nhân biết hát, múa hầu hết đều tuổi cao, sức yếu, còn lớp trẻ ít hào hứng với những điệu múa, gia điệu cổ xưa.

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, bảo tồn, phát huy được giá trị của hát nhà tơ - cửa đình cần chú trọng quan tâm, đãi ngộ đến các nghệ nhân dân gian “báu vật nhân văn sống” - người truyền dạy và đào tạo được nhiều ca nương trẻ, múa dẻo, hát hay đúng hồn cốt của hát nhà tơ - cửa đình; lưu giữ bài hát, điệu múa, tiếng nhạc nguyên gốc bằng nhiều cách để tránh bị sai lạc, biến dạng di sản văn hóa phi vật thể này; các câu lạc bộ dân gian cần bồi dưỡng các đội chuyên sâu: đội múa (múa đèn, múa dâng hoa, dâng hương), đội hát (gồm có các nghệ nhân và lớp trẻ kế tiếp, nên hình thành 3 thế hệ), đội nhạc công (đánh đàn đáy, đánh trống, đánh phách); về kinh phí, cần có sự đầu tư của chính quyền các cấp, vận động các nhà hảo tâm tài trợ và có sự đóng góp, hỗ trợ của mọi người mang tính chất xã hội hóa.

Đặc biệt, các chuyên gia văn hóa lưu ý, nếu muốn di sản văn hóa phi vật thể này đưa vào tour du lịch thì chỉ có thể đưa hát nhà tơ đậm chất giao duyên biểu diễn “sân khấu hóa” tại các điểm du lịch như: bãi biển, trên các con tàu du lịch, các hang động, thậm chí trên các khách sạn ven biển, nhà hàng nổi. Còn hát, múa cửa đình đậm giá trị tâm linh, thờ phụng phải thực hành tại các ngôi đình, các di tích lịch sử - văn hoá hay trong những lễ hội đặc sắc của địa phương. Các du khách muốn thưởng thức hát, múa cửa đình thì cần tới đúng không gian nơi sinh ra loại hình diễn xướng dân gian độc đáo này.