Gìn giữ nghi lễ và trò chơi kéo co

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 8 năm nghi lễ và trò chơi kéo co được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, các địa phương và Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu trình diễn, hợp tác nghiên cứu và xuất bản về nghi lễ và trò chơi kéo co, với mục đích hỗ trợ cộng đồng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hành gìn giữ và phát huy giá trị di sản.
Trình diễn nghi lễ và trò kéo co ở hội làng thôn Hữu Chấp, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh . (Nguồn ảnh: baodantoc.vn)
Trình diễn nghi lễ và trò kéo co ở hội làng thôn Hữu Chấp, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh . (Nguồn ảnh: baodantoc.vn)

Trò chơi tạo sức mạnh cộng đồng

Nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, nơi được xem là vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Mỗi một địa phương đều có lịch sử của trò kéo co với cái hay, nét đẹp, sự thú vị trong nghi lễ và trò chơi kéo co của cộng đồng mình.

Lễ hội đền Trấn Vũ (làng Ngọc Trì nay là Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) được tổ chức vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm, mang bản sắc văn hóa truyền thống, thể hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ảnh khát vọng có cuộc sống an bình. Nghi lễ kéo co ngồi là một nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có một không hai, được diễn ra vào dịp lễ hội.

Theo truyền thuyết cha ông ở làng từ đời trước truyền lại cho đời sau, xưa kia làng Ngọc Trì gặp hạn hán, làng có 12 cái giếng phân đều trên ba xóm (hay còn gọi là mạn): mạn Đường, mạn Chợ và mạn Địa. Trong đó, có đến 11 cái giếng đã cạn hết nước, chỉ còn một cái duy nhất (nằm trên mạn Địa) vẫn còn nước. Thanh niên trai tráng ở mạn Đường và mạn Chợ xuống xin mạn Địa nước nhưng người mạn Địa không cho nên xảy ra giằng co. Khi ấy người ta dùng quang mây và nồi đất để gánh nước. Vì sợ đổ nước nên hai bên đã ngồi xuống để kéo giữ nước. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa và mọi việc đều tốt lành.

Ở Lào Cai, cộng đồng các dân tộc trong tỉnh vào dịp đầu xuân hằng năm thường tổ chức kéo co. Đối với người Tày, Giáy, khi tổ chức đều có phần nghi lễ, rồi mới tổ chức kéo co, vừa thể hiện sức khỏe dẻo dai, củng cố tinh thần đoàn kết, bảo vệ Tổ quốc… Theo tiếng Tày, kéo co còn được gọi là trò “kéo mây”, tức kéo mây xuống, để đem mưa thuận gió hòa cho con người, cho vạn vật sinh sôi phát triển... Chọn dây để kéo co đối với người Tày, người Giáy là công việc quan trọng và phải tuân thủ một số kiêng kỵ nhất định. Họ thường dùng dây song (mây) hoặc dây “má me”. Cả hai loại cây này đều có nhiều hoa, nhiều quả và tượng trưng cho một con rồng thiêng “pẻng luông”, mang sức mạnh dẻo dai…

Nghi lễ và trò chơi kéo co của các dân tộc tại tỉnh Lào Cai. (Nguồn ảnh: Sở VHTTDL Lào Cai)

Nghi lễ và trò chơi kéo co của các dân tộc tại tỉnh Lào Cai. (Nguồn ảnh: Sở VHTTDL Lào Cai)

Trò kéo song ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là mô phỏng lại chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng; kéo co ở thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc xuất phát từ dải yếm của nữ tướng Lê Thị Ngọc Trinh thời Hai Bà Trưng; kéo co của thôn Hữu Chấp, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh lại bắt nguồn từ việc cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an…

Các lễ hội kéo co thường diễn ra vào đầu năm mới gắn liền với nhiều nghi lễ, qua đó có thể thấy, kéo co không đơn thuần là trò chơi hay môn thể thao mà còn mang ý nghĩa tâm linh trong đời sống của các cộng đồng.

Khẳng định bản sắc Việt

Năm 2015, UNESCO ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” cho 4 tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội. Trong những năm qua, người dân phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) đều thực hiện nghi thức kéo co ngồi tại lễ hội đầu xuân thu hút hàng triệu khách thập phương.

Ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ cho biết, từ khi di sản kéo co ngồi tại địa phương được UNESCO vinh danh, địa phương đã tích cực quảng bá, phát huy giá trị. Ban Quản lý di tích đã giới thiệu nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi cho học sinh tại 6 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn phường. Hàng năm, các trường trên địa bàn phường, quận và các quận, huyện lân cận tổ chức cho các học sinh tham quan di tích và xem trò chơi này. Hiện nay, Ban Quản lý di tích đã tư liệu hóa di sản kéo co ngồi bằng đĩa DVD để thuận lợi cho việc giới thiệu, thuyết trình.

Ngành Văn hóa Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tiến hành nghiên cứu, kiểm kê nghi lễ lễ hội kéo co làng Hữu Chấp; sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu liên quan tới lễ hội; tạo điều kiện để nhân dân được tham gia vào công tác tổ chức lễ hội một cách tốt nhất. Kéo mỏ (kéo co) ở Sóc Sơn, Vĩnh Phúc (Hà Nội) được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân; kéo co ở vùng người Tày, Giáy tỉnh Lào Cai được ngành Văn hóa hỗ trợ kinh phí mở các lớp truyền dạy, được thành lập các đội thi đấu thể thao kéo co…

Câu lạc bộ Mạng lưới cộng đồng Di sản Kéo co Việt Nam là thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam được thành lập năm 2021. TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, các cơ quan quản lý văn hóa từ Trung ương đến địa phương cần có sự đầu tư thỏa đáng cho cộng đồng, trong đó có chế độ đãi ngộ dành cho nghệ nhân tích cực đóng góp bảo vệ di sản. Có hình thức quảng bá, phổ biến phù hợp để xã hội thấy được ý nghĩa, từ đó chung tay chia sẻ với nhóm cộng đồng sở hữu di sản.

Di sản văn hóa là nguồn lực quan trọng tạo ra những sản phẩm công nghiệp văn hóa hấp dẫn, thông qua đó góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh quốc gia, khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc Việt.

Đọc thêm