Đúng là đã đến lúc không vì quan niệm “thuần phong mỹ tục” của văn hóa phong kiến mà “đóng cửa bảo nhau” được nữa. Vụ một ông nguyên Phó Viện trưởng VKSND một TP lớn vừa thực hiện hành vi sàm sỡ đối với một cháu bé trong thang máy cho thấy “giọt nước tràn ly”.
Điều chúng ta tưởng bất ngờ đó là sàm sỡ, XHTD trẻ em (cả em gái và em nam) không chỉ do các đối tượng hư hỏng ngoài xã hội gây ra mà đối tượng có thể là những người trước đây ta nhầm là “đáng kính”. Ông Viện phó VKSND chỉ mới là “bổ sung” sống động về “bộ sưu tập” những khuôn mặt khoác “mặt nạ đạo đức”. Còn tình trạng XHTD đối với bé gái xảy ra trong gia đình thì cũng đã đến mức lương tri con người không còn chịu đựng nổi nữa.
Gần như XHTD đã trở thành một “thảm họa đạo đức” trong xã hội văn minh. Năm 2018, ở Mỹ xảy ra một câu chuyện bất ngờ: Ở tuổi 19, sau khi tốt nghiệp trung học, Joel Davis đã nhận được đề cử giải Nobel vì những đóng góp cho một nhóm gọi là “Thanh niên chống bạo lực tình dục”, trớ trêu thay, gã bị bắt ngày 27/6/2018 vì cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em và sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ em. Nói như thế để thấy, “biến thái đạo đức” có thể xảy ra không ai ngờ được.
Phải làm gì bây giờ?
Tất nhiên, phải rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách bảo đảm quyền trẻ em phù hợp với quy định của Luật Trẻ em; thực hiện các chính sách đã có; phối hợp hiệu quả trong xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em; phân công cơ quan, đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết, thông tin khi xảy ra vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Trẻ em là tương lai của đất nước, trường tồn của giống nòi; thái độ của một chính thể đối với trẻ em phản ánh bản chất tốt đẹp, nhân văn của thể chế đó. Những người đấu tranh bảo về quyền trẻ em, trong đó có chống XHTD trẻ em hy vọng có Tòa án Bảo vệ trẻ em, bảo đảm trừng trị nghiêm khắc, chống XHTD trẻ em một cách hiệu quả nhất.
Rõ ràng cần phải nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân và trẻ em về các biện pháp bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, XHTD trẻ em thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp đến gia đình, cộng đồng (nhất là chung cư, trường học...) và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trực tuyến... trong công tác phòng ngừa.
Đã đến lúc phải làm nhiều hơn nói, hành động thiết thực hơn. Hợp tác và kết nối, không chỉ trong nước, ngay cả hợp tác quốc tế để chống XHTD trẻ em.