Bước khẽ vào “đất tổ”
Năm 2014, lần đầu tiên một vở cải lương của đoàn phía Bắc được khán giả TP HCM nồng nhiệt đón nhận. Vở diễn “Chuyện tình Khau Vai” được dàn dựng từ kịch bản thơ của tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, do NSƯT Triệu Trung Kiên chuyển thể cải lương và dàn dựng, trước đó đã được đánh giá cao, chinh phục hàng ngàn lượt khán giả phía Bắc. “Chuyện tình Khau Vai” được công chiếu tại Nhà hát Bến Thành, TP HCM, sau đó lần lượt trình diễn tại nhiều tỉnh thành khác phía Nam. Theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, vở cải lương là món quà đầu tiên ông mang đến “miền đất tổ” của cải lương.
Năm 2015, tại cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc đang diễn ra ở Bạc Liêu, nhiều vở diễn của các đoàn cải lương phía Bắc đã được các nghệ sĩ cải lương miền Nam đánh giá cao bởi sự đầu tư, nghiêm túc và nỗ lực như vở “Vua Thánh Triều Lê”, “Yêu là thoát tội”, “Những người con Thạch Thành thuở ấy”… Đặc biệt, vở “Mai Hắc Đế” do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng đã chinh phục được hầu hết khán giả yêu cải lương trong những đợt công chiếu ở miền Nam vì sự đầu tư quy mô, dàn dựng công phu, nhiều sáng tạo nhằm làm mới sân khấu cải lương cổ truyền, đem lại cảm xúc mạnh mẽ…
Mới đây nhất, dịp Quốc khánh 2/9, khán giả mộ điệu TP HCM lại một lần nữa được dịp tái ngộ với cải lương miền Bắc với vở diễn “Hừng đông” nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của nhà tài trợ Vinamilk. Hừng đông – vở cải lương về cuộc đời của người chiến sĩ Cộng sản Phan Đăng Lưu. “Hừng đông” cũng là một tác phẩm của Nhà hát Cải lương Việt Nam, kịch bản của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ và dàn dựng bởi đạo diễn Triệu Trung Kiên. Đây là một vở diễn đã được đánh giá cao bởi khán giả và giới chuyên môn phía Bắc, được đoàn mang vào Nam biểu diễn miễn phí phục vụ khán giả TP HCM trong hai ngày.
Trước buổi diễn, đạo diễn Triệu Trung Kiên và ê kíp của mình không giấu nỗi lo “ế khách”, bởi tuy không phải lần đầu Nam tiến, và những lần trước đã đạt những kết quả khá tích cực, nhưng khác với những vở cải lương trước đây như “Chuyện tình Khau Vai” mang nét trữ tình, lãng mạn, “Mai Hắc Đế” hấp dẫn bởi sự kết hợp chính sử và dã sử, thì “Hừng đông” lại là một tác phẩm cải lương cách mạng giữ nguyên bản, phản ánh trung thực về cuộc đời một nhân vật lịch sử.
Chưa nói đến việc dàn dựng có khéo, có nhuyễn hay không, mà ngay từ đề tài, đoàn đã canh cánh lo không đủ sức hút kéo khán giả đến sân khấu. Nhiều nghệ sĩ cải lương TP HCM đã đánh giá, đây quả thật là một “cú liều” của đoàn Nhà hát Cải lương Việt Nam, bởi nếu không có khách đến xem hoặc vắng khách sẽ là một sự thất vọng và “mất tinh thần” cho những lần sau.
Những dấu hiệu vui cho cải lương đất Bắc
Tuy nhiên, sự lo lắng đó đã không thành sự thật. Trong hai ngày nghỉ lễ 2 và 3/9, Nhà hát TP HCM tương đối kín khách đến xem “Hừng đông”. Ngoài những khán giả lớn tuổi, còn có không ít bạn trẻ đến xem cải lương. Thái độ đón nhận từ khán giả cho thấy, vở diễn đã chinh phục được họ. Nhiều khán giả có mặt tại vở diễn đã đánh giá, “Hừng đông” đã lay động cảm xúc người xem bằng sự tái hiện đầy chân thật về một thời kì lịch sử giữ nước hào hùng, bi tráng của dân tộc. Vở diễn cũng đã khoác lên tấm áo mới cho cải lương, với dàn dựng đẹp, trau chuốt, nhiều sáng tạo mới mẻ, diễn xuất hay và lời thoại sâu sắc.
Đặc biệt, đạo diễn Triệu Trung Kiên cũng đã rất khéo léo, tài hoa khi đưa vào cải lương truyền thống chút “phá cách” của âm nhạc đường phố đương đại, được thể hiện bằng guitar điện, harmonica… Nghệ thuật kể chuyện đan xen nhiều tầng không gian, giữa hiện đại và tái hiện lịch sử, ngoài việc tạo nên ý nghĩa sự tương tác giữa các thế hệ, mà còn tạo ra sự đa tầng trong bố cục nội dung, khiến khán giả thấy thú vị và mới mẻ hơn so với cách thức xây dựng vở cải lương truyền thống.
Cách đây nhiều năm, sự đìu hiu của cải lương phía Bắc là một thực trạng có thật. Cái khó đến từ nhiều phía: khán giả phía Bắc ít quan tâm đến nghệ thuật cải lương, thiếu kinh phí… Tuy nhiên, bằng tình yêu và quyết tâm phục dựng nghệ thuật cải lương, các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã có những nỗ lực lớn tìm kiếm kịch bản hay, mày mò tìm hướng sáng tạo để làm mới cải lương.
Bên cạnh đó, Nhà hát còn kêu gọi xã hội hóa các vở diễn cải lương, và thuyết phục được nhiều doanh nghiệp chung tay, góp kinh phí để đầu tư các vở cải lương hoành tráng, công phu, từ đó mà dần dà chinh phục khán giả Thủ đô. Những vở cải lương “Mai Hắc Đế”, “Chuyện tình Khau Vai” hay “Hừng đông” cũng đã ra đời trên sự xã hội hóa cùng góp sức phát triển cải lương ấy. Chưa dừng lại ở đó, các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam còn nuôi giấc mộng “Nam tiến” nhằm tạo những cuộc giao thoa nghệ thuật cải lương Bắc – Nam, đem cải lương đất Bắc chinh phục khán giả cả nước.
Sắp tới đây, vở cải lương Công chúa Huyền Trân, một tác phẩm xã hội hóa, nhiều sáng tạo cũng sẽ ra mắt khán giả Thủ đô. Và tiếp tục là hành trình các vùng miền, rồi tiến về phương Nam. Với tâm huyết của những nghệ sĩ yêu nghề ấy, chắc chắn nghệ thuật cải lương sẽ không sợ mai một, mà có thể tiếp tục phát triển, tỏa sáng, theo một cách mới.