“Vất vả nhưng ham lắm, không bỏ được”
Căn phòng trọ của nghệ sĩ hài Tí Nị nằm ở trên đường 25A (phường Tân Quy, Quận 7, TP HCM). Bước vào nhà, những đồ đạc lỉnh kỉnh cùng với cái nắng gay gắt của Sài Gòn càng khiến cho căn phòng nóng nực. Không gian chật chội này lại có đến tám con người cùng chung sống.
Sinh ra trong gia đình 3 đời theo nghiệp cải lương, từ nhỏ nghệ sĩ hài Tí Nị (tên thật Nguyễn Hồng Khanh, 44 tuổi) đã được làm quen và sớm bộc lộ đam mê với loại hình nghệ thuật này.
“Tôi sống cùng với ba mẹ, con gái và bốn người cháu là con các anh chị. Các anh chị đi làm xa, gửi các cháu lại đây để ba mẹ tôi tiện chăm sóc và đi học”, Tí Nị cho biết.
Nghệ sĩ gầy gò, đôi mắt trũng sâu, lê từng bước chân để pha ấm trà chiều muộn mời khách. Anh trải lòng về quãng đời gắn bó cải lương, hài kịch. Tí Nị tự hào kể gia đình anh có 3 thế hệ theo nghề cải lương.
Ông ngoại anh là nghệ sĩ nhân dân Ba Du, cha mẹ là nghệ sĩ Hải Linh và nghệ sĩ Thanh Hồng, chị gái là nghệ sĩ Phương Thảo. Ngay từ nhỏ, anh đã bị những lời ca, những câu vọng cổ mê hoặc.
Thừa hưởng giọng hát cao, trong vắt của cha mẹ, sau khi học xong lớp 10, Tí Nị quyết định thôi học, một mình đi theo đoàn dân công của huyện Củ Chi học diễn tuồng.
“Ngày đó không hiểu sao tôi mê hát lắm. Nhà ở Quận một, nhưng tôi có thể đạp xe đến tận Củ Chi để tập tuồng, bất kể ngày mưa hay nắng. Tập hoài cũng được hát mấy vai nhỏ, lương chẳng được bao nhiêu”, nam nghệ sĩ chia sẻ.
Cha mẹ Tí Nị lâu lâu lại mang thức ăn đến tiếp tế cho con. Năm 15 tuổi, một mình Tí Nị đi theo đoàn hát ra tận Hải Phòng. Chuyến đi hát không thành công, không có tiền, cả đoàn phải bán hết đồ mang theo để trang trải. “Vất vả thế nhưng mà ham lắm, không bỏ được”, anh cười.
Sau chuyến lưu diễn đầu tiên trên đất Bắc, Tí Nị trở về xin vào đoàn dân công Tây Ninh. Anh cho biết, thời điểm này anh bắt đầu diễn tấu hài, song chưa có kinh nghiệm, chưa biết phải thêm bớt câu chữ sao cho hấp dẫn, gây cười. Sau này, khi chuyển sang đoàn cải lương Kim Thanh, anh may mắn gặp được nghệ sĩ Tấn Beo hướng dẫn.
Tí Nị cho biết Tấn Beo chính là người bạn, người thầy đã dạy anh hát sao cho hay, cho truyền cảm, dần dần đưa tên tuổi anh đến gần hơn với khán giả. Chính vì vậy, cách hát của anh cũng có điểm tương đồng với nghệ sĩ Tấn Beo.
“Anh Tấn Beo lúc đó hơn tôi vài tuổi. Vừa gặp, hai anh em đã nhanh chóng kết thân với nhau. Trong các vở cải lương, anh ấy hát hài chánh, tập cho tôi hát hài phụ. Những lúc anh ấy bệnh, hoặc có chuyện đột xuất không hát được, tôi thay anh Tấn Beo hát hài chánh. Từ đó, tôi thấy mình yêu thích hài và mong muốn theo đuổi nó”, Tí Nị kể.
Đêm đêm mua vui kiếm sống
Cuộc đời gắn với sân khấu, nghệ sĩ hài Tí Nị đã trải qua nhiều vai diễn, đi qua nhiều vùng đất, để lại khá nhiều dấu ấn trong lòng khán giả mến mộ. Khoảng năm 2000, khi cải lương không còn thịnh hành như trước, nhiều nghệ sĩ không có thu nhập. Tí Nị cùng người bạn lập nhóm hài Tí Nị - Dũng Nhí đi tấu hài ở các tỉnh.
“Nếu cải lương là hát nguyên tuồng, trích đoạn cải lương thì tấu hài là tìm câu chuyện nào đó để hai bên đối đáp, hoặc nói những cái có ý nghĩa trong cuộc sống một cách hài hước, tạo nên tiếng cười cho khán giả. Chính vì vậy, hình thức tấu hài được khá nhiều người đón nhận”, anh chia sẻ.
Trong một lần lưu diễn ở Bạc Liêu vào năm 2007, Tí Nị không may bị tai nạn giao thông, đôi chân bị hoại tử và bại liệt. Không thể đi lại, anh phải ngồi xe lăn gần 3 năm. Nhớ lại quãng thời gian khó khăn nhất phải đối mặt, Tí Nị trải lòng:
“Lúc đó tôi bế tắc lắm. Không chỉ chịu nỗi đau về thể xác, tôi lại bị ý nghĩ từ đây phải rời xa sân khấu lớn dày vò mỗi đêm. Cũng may nhận được sự động viên, giúp đỡ của gia đình và bạn bè, tôi mới nhận ra nếu cố gắng, tôi vẫn còn có cơ hội trở lại với nghề. Thế là cứ nỗ lực, cố gắng tập đi từng ngày”.
Sau gần 3 năm tập luyện, sức khỏe khá hơn, Tí Nị có thể lắc xe lăn đến các quán nhậu, lê đôi chân trên chiếc nạng gỗ lên sân khấu. Anh hát các trích đoạn cải lương, tấu hài để kiếm sống qua ngày và thỏa nỗi nhớ nghề đè nén bấy lâu. Công việc này vẫn kéo dài cho đến tận bây giờ. Nhiều năm qua đi, với những nỗ lực tập luyện không mệt mỏi, đôi chân Tí Nị đã có thể bước đi tập tễnh.
Đêm đêm, trên chiếc xe ba bánh nhỏ, người nghệ sĩ vẫn kiên trì đi từ quán này đến quán khác, đem lời ca đến với khán giả. Có những lúc đến tận 4h sáng, khi những vị khách cuối cùng ra về, anh mới thất thểu trở về nhà. Cuộc sống vất vả, nhưng Tí Nị chia sẻ, khi khán giả vẫn còn tha thiết với lời ca tiếng hát của mình, anh còn thấy công việc của mình có ý nghĩa.
Nghệ sĩ cũng xót xa tâm sự, đôi lúc ngẫm lại cuộc đời mình, anh thấy bản thân cũng khổ chẳng nào Kép Tư Bền (nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan). Đằng sau những màn tấu hài khiến khán giả cười hả hê là biết bao nỗi niềm thăm thẳm mà mỗi nghệ sĩ giấu kín.
Vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, các thành viên trong gia đình Tí Nị đã lần lượt bỏ nghề ca hát. Chỉ còn anh gắng gượng mưu sinh bằng giọng ca của mình. Cha anh là nghệ sĩ Hải Linh (77 tuổi) nhiều năm nay phải chạy xe ôm để có tiền trang trải cuộc sống.
Dù bữa có bữa không, lão nghệ sĩ vẫn nở nụ cười hiền: “Đã trót theo nghề hát, quen với những hào nhoáng của sân khấu, giờ từ giã nghề, tuổi cũng đã cao, tôi không biết có thể làm được nghề gì khác. Thôi thì chạy xe ôm, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Thi thoảng nhớ nghề, tôi cùng vợ tham gia hát từ thiện cùng các nghệ sĩ, lại được ca những bài vọng cổ, rồi nhớ lại mình ngày xưa…”.