Bất ngờ hiểu biết của doanh nghiệp về FTA

(PLVN) - Bộ Công Thương thực hiện khảo sát 1.650 doanh nghiệp tư nhân về mức độ nhận biết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Kết quả cho thấy mức độ nhận biết về các FTA của cộng đồng doanh nghiệp rất khiêm tốn.
Các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2021, Bộ đã tiến hành việc khảo sát và thu thập dữ liệu sơ cấp doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã thực hiện khảo sát với khoảng 1.650 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Trong đó 67,78% công ty TNHH, 20,36% công ty cổ phần, 10,49% doanh nghiệp tư nhân và 1,47% các loại hình khác. Đa số các doanh nghiệp phản hồi khảo sát là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Doanh nghiệp quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng số phản hồi.

Theo kết quả khảo sát, đối với việc tiếp cận thông tin về các FTA, mức độ nhận biết của các doanh nghiệp về các FTA là khá khiêm tốn.

Trong 3 hiệp định, gồm CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu), UKVFTA (FTA Việt Nam - Vương quốc Anh), thì mức độ nhận biết của CPTPP là cao nhất, tuy nhiên, cũng chỉ ở mức 30%; Tiếp đó là EVFTA 29% và UKVFTA 14%.

Khoảng 14% doanh nghiệp cung cấp thông tin về FTA khác, như FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), FTA ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Về hoạt động tuyên truyền, phổ biến các FTA tại địa phương, khoảng 20% doanh nghiệp cho biết từng tham gia sự kiện tập huấn về các FTA do cơ quan nhà nước địa phương tổ chức, có đến 80% doanh nghiệp cho biết chưa tham gia bất kỳ sự kiện phổ biến, tuyên truyền về các FTA do cơ quan nhà nước địa phương tổ chức.

Đối với thực hiện các quy định pháp luật hướng dẫn các FTA, theo khảo sát của Bộ Công Thương, tỷ lệ doanh nghiệp gặp phải vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi các FTA cho doanh nghiệp là khá cao. Mặc dù vậy, 65% doanh nghiệp gặp vướng mắc đều nhận được giải đáp hiệu quả từ các cơ quan nhà nước tại địa phương. Các doanh nghiệp vừa và lớn đánh giá chất lượng giải đáp thắc mắc của cơ quan nhà nước địa phương là hiệu quả cao hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về đánh giá một số chương trình hỗ trợ hội nhập FTA, theo khảo sát, chưa có nhiều doanh nghiệp nhận biết được về các chương trình hỗ trợ hội nhập FTA. Mức độ tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh có tỷ lệ doanh nghiệp tham gia cao nhất, nhưng cũng chỉ 1,2% doanh nghiệp đã tham gia.

Cũng theo khảo sát, mặc dù chưa nhiều doanh nghiệp (37%) biết rõ các quy định về việc thành lập các tổ chức lao động tại doanh nghiệp theo cam kết FTA, song tỷ lệ doanh nghiệp cho biết đã tuân thủ quy định thành lập tổ chức của người lao động lại khá cao, lên đến 71%.

Đọc thêm