5 dự án hơn 6 tỷ USD tại Đồng Nai đang chờ nhà đầu tư

(PLVN) - Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong số các dự án đang chờ nhà đầu tư,  Đồng Nai có 5 dự án mời gọi doanh nghiệp FDI đầu tư với tổng vốn hơn 6 tỷ USD.

Các dự án này sẽ đầu tư theo hình thức PPP, riêng dự án TP. Long Khánh có thể đầu tư bằng liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư FDI.

Cụ thể các dự án tại Đồng Nai đang chờ nhà đầu tư:

Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối đường sắt quốc gia với cảng Cái Mép và các cảng biển khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu có chiều dài 84 km, chia làm 2 giai đoạn để thực hiện, tổng vốn đầu tư 2,47 tỷ USD (thuộc Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Hồi đầu tháng 7/2021, Sở GTVT Đồng Nai cho biết, trong văn bản góp ý vào quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT triển khai xây dựng, Sở đề nghị đơn vị tư vấn rà soát và chỉ bố trí 1 tuyến đường sắt cho đoạn tuyến từ Trảng Bom đến Phước Tân (TP. Biên Hòa) khi thực hiện xây dựng 2 tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng và Biên Hòa - Vũng Tàu.

Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành để kết nối hành khách giữa trung tâm TP.HCM với sân bay quốc tế Long Thành và ngược lại. Dự án này làm mới hơn 37 km đường sắt và vốn đầu tư 174 triệu USD.Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT cho biết, TP.HCM sẽ là đầu mối đường sắt khu vực phía Nam.

Bên cạnh các tuyến đường sắt hiện có, một số tuyến mới sẽ được bổ sung nhằm đảm bảo tính kết nối với các loại hình vận tải khác.

Dự kiến, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2030.

Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đoạn từ Dầu Giây đến Tân Phú), tổng chiều dài 60 km, quy mô 4 làn xe, vốn đầu tư 268 triệu USD.

Trước đó, tháng 9/2021, Ban QLDA Thăng Long đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về kết quả rà soát tổng mức đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án sẽ là 20 năm 3 tháng. Sau khi cập nhật, tổng mức đầu tư đoạn này là 7.717,8 tỷ đồng, tăng 905,3 tỷ đồng so với đề xuất hồi tháng 5 của Bộ GTVT.

Dự án đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, chiều dài hơn 39 km kéo dài từ Đồng Nai qua Bình Dương và TP.HCM, tổng vốn đầu tư gần 2,977 tỷ USD.

Dự án hệ thống cấp nước và xử lý chất thải TP. Long Khánh, tổng vốn đầu tư 127 triệu USD.

Đọc thêm