Chùa Chúc Thọ, sông Nhà Bè và huyền tích Thủ Huồng ở đất Đồng Nai xưa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở xứ Trấn Biên xưa (Đồng Nai ngày nay) có một nhân vật nổi tiếng, dân gian thường gọi là ông Thủ Huồng, gắn liền những truyền thuyết được lưu truyền hàng trăm năm qua.
Ngôi chùa gắn liền nhân vật Thủ Huồng ở cù lao Phố, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Ngôi chùa gắn liền nhân vật Thủ Huồng ở cù lao Phố, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Chỉ riêng tại đất Biên Hòa ngày nay đã có ba địa điểm gắn với tên Thủ Huồng, gồm con rạch, chiếc cầu ở phường Bửu Hòa và một ngôi chùa cổ ở giữa sông Đồng Nai.

Trong đó, chùa Thủ Huồng (còn có tên là Chúc Đảo, Chúc Thọ) ở cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) là dấu tích đặc biệt nhất tồn tại song hành cùng những lưu truyền đẫm chất liêu trai, đầy tính huyền nhiệm mà cũng chứa đựng nhiều triết lý nhà Phật.

Ông Thủ Huồng bỏ ác hành thiện

Một số tài liệu xưa ghi chép, Thủ Huồng (tên thường gọi) là một nhân vật có thật song mang nhiều nét huyền thoại. Ông tên thật là Võ Thủ Hoằng (có tài liệu ghi là Võ Hữu Hoằng), bị đọc trại từ “Hoằng” thành “Huồng” hay “Huồn” – không rõ năm sinh năm mất. Ông sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa. Có tài liệu ghi ông là người châu Đại Phố tức Cù lao Phố.

Truyền rằng, vào đầu thời Nguyễn, Thủ Huồng làm chức thư lại, có tài liệu ghi là Thủ Huồng đứng đầu một đồn trạm canh gác kiểm soát đường sông hoặc trại kiểm soát trên bộ. Chức vụ này có thể là coi việc bảo an cho khu vực hay lo việc thu thuế. Nhờ có chức vụ lại biết mánh khóe, Thủ Huồng kiếm được nhiều tiền, còn cho vay nặng lãi, chiếm đoạt khá nhiều ruộng đất, trở nên giàu có.

Của nải đầy nhà nhưng hai vợ chồng Thủ Huồng lại không có con, vợ lại còn mất sớm. Thủ Huồng sau khi làm ma chay cho vợ linh đình đã từ quan về sống đời giàu sang. Rỗi nhàn, có nhiều tiền bạc nhưng chỉ có một thân một mình, Thủ Huồng đi chơi đó đây tứ xứ cho biết, vừa là cho vơi nỗi nhớ vợ.

Nghe người ta mách bảo, có ngôi chợ tên là Mãnh Ma (mỗi tài liệu ghi chép một nơi, ngày nay ở đâu không rõ), ở đó trong một đêm của năm, khi âm dương giao hòa, người sống và người chết có thể gặp nhau. Tại chợ này hai vợ chồng Thủ Huồng kẻ âm người dương bất ngờ gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Nhân dịp này, vợ Thủ Huồng đưa chồng xuống âm phủ dạo chơi cho biết.

Cầu Thủ Huồng được xây bằng đá, bê tông cốt thép tại vị trí cầu gỗ xưa.Cầu Thủ Huồng được xây bằng đá, bê tông cốt thép tại vị trí cầu gỗ xưa.

Tại đây, Thủ Huồng tận mắt nhìn thấy những cảnh tra tấn, đày đọa ghê rợn dành cho những kẻ lúc ở dương thế gây việc tàn ác, tội lỗi. Lúc đi qua kho gông, Thủ Huồng thấy trong vô số gông có một chiếc to và dài. Ông ta tò mò hỏi thì tên gác cổng cho biết chiếc gông khác lạ đó dành cho tên Võ Thủ Hoằng xứ Trấn Biên, nổi tiếng tham lam gian ác.

Thủ Huồng sợ hãi tột độ, nghĩ đến ngày mình xuống địa ngục và bị đóng gông vào cổ mà không khỏi rùng mình ớn lạnh. Thủ Huồng hỏi liệu có cách nào thay đổi được kết cục đó không thì được trả lời rằng, chỉ có tu tâm tích đức, đem của cải vơ vét đi bố thí chuộc tội, giúp đỡ người nghèo kẻ khó, chăm làm việc thiện thì mới được giảm nhẹ tội. Thủ Huồng mừng rỡ vô cùng.

Sau lần trở về từ địa ngục đó, Thủ Huồng về xứ Trấn Biên, từ bỏ thói hư tật xấu bấy lâu để làm người thiện lương, lại đem của cải trong nhà đi sẻ chia dân nghèo, đâu đói là cho, đâu khó là giúp. Ruộng đất ông đem cho làng xóm, cúng chùa dâng Phật. Truyền rằng, khi đã trở về làm một lương dân, Thủ Huồng trở lại chợ Mãnh Ma gặp vợ để xuống âm phủ và thấy cái gông dành sẵn cho mình đã bé hơn trước.

Làm bè cho dân, dựng chùa sám hối

Thời bấy giờ, việc đi lại giữa hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn (Gia Định) vì chưa có đường bộ, nhiều nơi còn hoang vu dã thú rình rập nên chủ yếu bằng ghe đò đường sông.

Để giúp nhân dân đi lại thuận tiện, Thủ Huồng đã bỏ tiền của kết một chiếc bè lớn bằng tre, trên bè dựng nhà có chỗ ngả lưng, có bếp nấu cơm với đủ nồi niêu, củi gạo mắm muối. Khách đi đò lỡ đường có thể trú lại chờ con nước mà không lo đói khát, tốn kém. Ngã ba nơi hợp nhau của dòng Đồng Nai và Sài Gòn có chiếc bè tre cưu mang dân đi đò ấy sau này được gọi là ngã ba Nhà Bè. Các địa danh khác mang tên Nhà Bè cũng từ đây mà có.

Phà Cát Lái cạnh ngả ba Nhà Bè kết nối TP Thủ Đức, TP HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.Phà Cát Lái cạnh ngả ba Nhà Bè kết nối TP Thủ Đức, TP HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Công đức ấy của ông Thủ Huồng về sau được nhiều người truyền tụng. Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định thành thông chí” (bản dịch Lý Việt Dũng), có chép: “Thuở ấy, dân cư còn thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có người phú hộ ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng kết tre lại làm bè, trên che lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà không bắt phải trả tiền. Sau đó khách buôn cũng kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè. Sau này đường thủy, đường bộ lưu thông, dân cư đông đúc, người qua lại đều dùng ghe nhà nên đò dọc phải dẹp bỏ. Trải qua cuộc loạn Tây Sơn, Nhà Bè tan rã, đến nay cũng không làm lại”.

Dân Biên Hòa xưa có câu ca dao: “Ai ơi có đến Nhà Bè - Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng”. Câu ca dao nổi tiếng hơn là: “Nhà Bè nước chảy chia hai - Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”, thì hẳn dân Nam bộ nói chung đều đã nghe qua. Sách “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” có đoạn đề cập sự tích này: “Phú hộ là ông Thủ Hoằng, Thương người khổ não lăng xăng tư bề. Bó tre lên cất nhà bè, Sắp đồ thập vật ê hề làm ơn”.

Ngoài ra, truyền rằng sau chuyến về từ âm phủ ông Thủ Huồng cũng đến Cù Lao Phố dựng chùa cúng Phật. Ngôi chùa này hiện nằm tại số 542A2, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ban đầu chùa có tên là Chúc Đảo, sau đổi là Chúc Thọ (vì chữ “Đảo” tự dạng giống chữ “Thọ” mà lại có ý nghĩa hơn). Vì gắn liền nhân vật dựng chùa, chùa còn được gọi là chùa Thủ Huồng, ngoài ra cũng được gọi là chùa Sau (vì nằm phía sau chùa Đại Giác).

Tương truyền, sau khi Thủ Huồng dựng chùa một thời gian, vua Đạo Quang (1782-1850), hoàng đế thứ 8 của nhà Thanh (Trung Quốc) khi sinh ra, giữa lòng bàn tay có hàng chữ: “Đại Nam, Biên Hòa, Thủ Hoằng”. Triều đình nhà Thanh cử sứ giả qua tìm hiểu lai lịch và tiến cúng chùa Chúc Đảo ba tượng phật bằng gỗ trầm hương. Ba bức tượng Phật ngày nay vẫn còn được lưu giữ tại chùa. Dân gian tin rằng, nhờ vào lòng phục thiện, công đức nên Thủ Huồng đã đầu thai được làm vua.

Trải qua nhiều đợt trùng tu, hiện nay chùa mang dáng vẻ hiện đại, được xây cất bằng các vật liệu kiên cố ... Kiến trúc của chùa theo hình chữ tam truyền thống, bề thế, thâm nghiêm. Trong khuôn viên chùa, còn hai ngôi tháp cổ là mang dấu ấn xưa nhất. Ngay cạnh chùa là nghĩa địa của làng, ngổn ngang lăng mộ lớn nhỏ, càng làm không khí chùa Thủ Huồng thêm u tịch vắng lặng mỗi buổi chiều tà. Chùa còn bảo tồn ba pho tượng Phật cổ bằng gỗ và bộ tượng A-la-hán cao 0,74m bằng đất nung ở thế kỷ 19.

Ngoài ra, trên địa bàn Biên hòa có một số địa danh gắn liền với nhân vật Thủ Huồng, như cầu Thủ Huồng, rạch Thủ Huồng ở làng Mỹ Khánh, phường Bửu Hòa. Con rạch Thủ Huồng chạy ngang qua đường Tân Vạn vòng qua Quốc lộ 1A đi Sài Gòn, truyền rằng xa xưa do Thủ Huồng sai vét nên sau mang tên ông.

Chiếc cầu đá trên đường gần sông Đồng Nai đi Tân Vạn cũng gọi cầu Thủ Huồng, xa xưa Thủ Huồng đã xây dựng một cây cầu bằng gỗ. Năm 1910, cây cầu gỗ đã xuống cấp nên có một người phụ nữ bỏ tiền ra xây dựng một cây cầu bằng gạch đá, bê tông theo nguyên bản và ngay vị trí của cầu ván Thủ Huồng xưa.

Chuyện Thủ Huồng lưu truyền đất Đồng Nai hai trăm năm qua với nhiều dị bản song tựu chung cốt truyện giống nhau, mang sắc màu cổ tích với quan niệm nhân quả của Phật giáo. Câu chuyện Thủ Huồng sống mãi như một bài học về lòng nhân ái, hướng thiện và lẽ nhân nghĩa của cuộc đời mà tiền nhân vẫn thường nhắc nhau từ thuở đầu khai khẩn phương Nam và mãi cho đến tận ngày nay.

Đọc thêm