Ngày 26/9/2007, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 1267, về việc thu hồi tổng thể gần 1.200ha giao cho BQL DA Thủy điện 6 để xây dựng Khu tái định canh, định cư xã Đắk Plao (TĐC, TĐC Đắk Plao). Đây là công trình thuộc Dự án Thủy điện Đồng Nai 3&4.
Để có cơ sở đền bù thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng, UBND huyện Đắk Glong thành lập Hội đồng đền bù, kiểm kê và lập phương án cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.
Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục thu hồi đất để thực hiện dự án trên đất của ông Nguyễn Văn Diện bị ông Lê Văn Đông đứng tên 2 thửa với tổng diện tích 7.270m2 (thửa số 19, tờ bản đồ số 3 và thửa số 13, tờ bản đồ số 1).
Nguyên nhân xảy ra “sự cố” trên là do đơn vị đo đạc thực hiện việc đo đạc không có mặt chủ sở hữu khiến cho công tác xác minh, đền bù gặp phải rắc rối, kéo dài nhiều năm trời.
Tính riêng việc xác minh chưa đến 1ha đất trên, Hội đồng đền bù đã phải làm việc suốt 5 năm trời mới ra được kết quả (từ năm 2013-2017). Cụ thể, từ những chứng cứ, hồ sơ đã thu thập được, kết quả làm việc, xác minh với các cá nhân, đơn vị liên quan, UBND huyện Đắk Glong kết luận: Công nhận thửa đất số 19, tờ bản đồ số 3 và thửa số 13, tờ bản đồ số 1 mà ông Lê Văn Đông đứng tên trong bản đồ là diện tích đất nằm trong hợp đồng kinh tế giữa ông Diện và Xí nghiệp lâm nghiệp Quảng Khê.
Cũng trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân xã Đắk Plao, thuộc công trình Thủy điện Đồng Nai 3&4 còn nhiều tồn tại, vướng mắc khiến UBND huyện Đắk Glong và Ban 666 loay hoay không biết xử lý ra sao.
Trước thực trạng trên, UBND huyện đã có nhiều báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Nông để kiến nghị, đề xuất và xin phương hướng tháo gỡ.
Một góc khu tái định cư Đắk Plao. |
Cụ thể, trong Báo cáo số 148 ngày 4/5/2019, UBND huyện Đắk Glong đã nêu ra bốn vấn đề lớn: Thứ nhất, việc bố trí đất tái định canh, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho các hộ, UBND huyện cho rằng “không có quy định nào hướng dẫn việc bố trí đất tái định canh cho người dân. Nhưng việc cấp đất sản xuất có liên quan và ảnh hưởng đến việc bồi thường về đất và chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho người dân”.
Do đó, UBND huyện chưa có cơ sở để xác định việc hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm có khấu trừ diện tích đất sản xuất đất đã bố trí cho hộ dân hay không.
Thứ hai, trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, một số trường hợp không được bồi thường, hỗ trợ về cây trồng trên đất nên không đồng ý bàn giao mặt bằng và tiếp tục kiến nghị, khiếu nại.
Thứ ba, việc chênh lệch đơn giá hỗ trợ đất giữa hai quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông. Trong nội dung này chỉ rõ, việc lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ chậm dẫn đến việc thay đổi quy định ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của người dân là do lỗi của cơ quan nhà nước. Việc áp dụng đơn giá khiến nhiều người kiến nghị, khiếu nại kéo dài, vượt cấp.
Thứ tư, đối với việc bồi thường, hỗ trợ công trình, nhà cửa, vật kiến trúc được xây dựng sau ngày 1/7/2004 không được bồi thường, hỗ trợ. Nhóm đối tượng này có khoảng 10 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng vì họ xây dựng nhà cửa và công trình phụ trợ để phục vụ sinh hoạt và canh tác theo hợp đồng giao khoán từ năm 1999-2007. Hơn nữa, việc xây dựng công trình, nhà cửa diễn ra trước khi UBND tỉnh ra Quyết định thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư.
Theo Báo cáo tình hình thực hiện công tác giải quyết các tồn tại, vướng mắc của công trình Thủy điện Đồng Nai 3: Ngày 21/6/2017, Tổng Công ty Phát điện 1 đã chuyển cho Ban 666 số tiền 43 tỷ đồng (tạm ứng vốn phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ công trình thủy điện Đồng Nai 3 cho quý II, III/2017) vào tài khoản mở của Kho bạc Nhà nước huyện Đắk Glong.
Cùng với đó, huyện Đắk Glong đã ban hành 11 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, hỗ trợ lương thực với tổng kinh phí 30,69 tỷ đồng.
Hiện, đã chi cho người dân với tổng kinh phí là 16,48 tỷ đồng (trong đó 15,23 tỷ đã chi trả cho người dân; chi phí thực hiện 5% cho TTPTQĐ là 1,26 tỷ (đã tạm ứng 932 triệu đồng) và 2% phương án hỗ trợ lương thực là 259 triệu đồng); Mua ảnh vệ tinh theo Hợp đồng số 04/HĐKT ngày 08/11/2017 với số tiền là 28.657.767 đồng; Chi phí san ủi mặt bằng 63.250.000 đồng; Tổng số tiền đã giải ngân là 30,69 tỷ đồng, đạt 77,5% trong tổng số 39,6 tỷ đồng đã tạm ứng.
(Còn nữa)