Nhận đất trên giấy
Các hộ gia đình ở Khu tái định cư (TĐC) Đắk P’lao cho biết: Khi chuyển về nơi ở mới, họ chỉ nhận được những lá phiếu bốc thăm nhận đất chứ chưa được bàn giao đất trên thực địa. Mỗi lần cầm tờ giấy bốc thăm đến chủ đầu tư, các cơ quan chức năng để hỏi về vị trí đất sản xuất thì chỉ nhận được những lời hứa suông.
Bên cạnh những khó khăn do thiếu đất sản xuất, hàng chục hộ dân ở Khu TĐC Đắk P’lao cũng bức xúc về việc đền bù chưa thỏa đáng hoặc chậm chi trả tiền đền bù về cây trồng.
Cụ thể, nhiều diện tích cây mai, cây dứa mặc dù đã được kiểm kê, dù Công an tỉnh Đắk Nông đã xác minh, khẳng định cây mai, cây dứa là tài sản hợp pháp trên đất của người dân trong vùng dự án, không có hành vi trục lợi. UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Đắk G’long cùng các bên liên quan căn cứ quy định của pháp luật để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa được chi trả.
Các hộ dân cho biết, họ đã nhiều lần kiến nghị lên chủ đầu tư và các cấp chính quyền nhưng chưa được giải quyết. Nguyện vọng của hầu hết các hộ là mong muốn chủ đầu tư, các cấp chính quyền sớm bố trí đất sản xuất hoặc trả tiền mặt để họ mua đất nơi khác và chi trả số tiền đền bù để họ sớm ổn định cuộc sống.
Trao đổi với PV, ông K’ Lớ, Bí thư Đảng ủy xã Đắk P’lao cho biết: Từ tháng 7/2010, toàn bộ bà con xã Đắk P’lao (cũ) khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 đã được chuyển về trên Khu TĐC là vị trí xã Đắk P’lao mới.
Trong số khoảng 500 hộ chuyển lên có 432 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đồng bào nơi khác đến trước năm 2000 là đủ điều kiện được bố trí đất ở, đất sản xuất. Các hộ sẽ được cấp 1.000m2 đất thổ cư và 1ha đất sản xuất. Tuy nhiên đến nay, hàng trăm hộ TĐC trong xã vẫn chưa nhận được đất sản xuất.
Tính đến nay, cuộc sống của người dân vẫn chưa được ổn định vì thiếu đất sản xuất. Toàn xã còn hơn 53% hộ nghèo. Lý do, cũng vì không có đất để sản xuất và điều kiện canh tác bị thiếu thốn nên vẫn còn 42 hộ đang sống ở khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3.
Trách nhiệm của ai?
Lý do nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận đất tái định canh là do đất không đủ điều kiện sản xuất và đang xảy ra tranh chấp. Để định canh cho bà con, Ban Quản lý Dự án Thủy điện 6 đã phối hợp với địa phương khai hoang 650ha đất rừng để chia cho dân nhưng nhiều hộ không chịu nhận đất do độ dốc quá lớn, đất đai khô cằn, nguồn nước không có. Sau đó, chủ đầu tư lại tiếp tục khai hoang một khu khác rộng 206ha để cấp đất sản xuất cho người dân.
Sau khi được UBND tỉnh chỉ đạo, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông đã tiến hành khảo sát 2 khu đất và kết luận, chỉ có khoảng gần 260ha là đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp, còn lại chỉ để trồng rừng. Như vậy, so với phương án tái định canh còn thiếu hơn 200ha đất sản xuất.
Một số hộ dân đề nghị địa phương cấp đất tái định canh trong đợt tiếp xúc cử tri năm 2018 |
Nhiều hộ được giao đất trên diện tích người khác đang canh tác nên xảy ra tranh chấp dẫn đến mất an ninh trật tự ở địa phương. Nhiều hộ đủ điều kiện cấp đất thì không có đất để canh tác, nhiều hộ không đủ điều kiện lại đang nghiễm nhiên canh tác trên đất người khác. Hiện nay, diện tích đất đang bị lấn chiếm rất phức tạp, địa phương không thể xử lý.
Việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong bồi thường, TĐC, định canh Thủy điện Đồng Nai 3 trước đây do Ban Quản lý Dự án Thủy điện 6 thực hiện. Tuy nhiên, từ tháng 2/2017, UBND tỉnh Đắk Nông và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thống nhất, ký kết biên bản bàn giao về việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC, định canh cho người dân liên quan đến Dự án thủy điện Đồng Nai 3, 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ bố trí kinh phí, còn UBND huyện Đắk G’long (đơn vị được UBND tỉnh Đắk Nông ủy quyền) sẽ giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và phải hoàn thành trong năm 2017, song đến nay những tồn tại, vướng mắc vẫn còn ngổn ngang.
Trao đổi với PV, ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long cho biết: Đến nay, phương án bồi thường đã lập xong nhưng chưa dám ký duyệt để giải ngân vì số tiền quá lớn, con số lên đến gần 48 tỷ đồng. Về trách nhiệm chính thuộc chủ đầu tư (tức Ban Quản lý Dự án Thủy điện 6), phía UBND huyện chỉ có trách nhiệm phối hợp.
(Còn nữa)