Bé trai chấn thương tại nhà trẻ sống đời thực vật không phải do ngã?

(PLO) - Anh Thi (bố cháu Châu) không đồng tình với lời khai của bị cáo Vững. Anh cho rằng, trong vụ án này còn có nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Anh không tin con trai bị ngã từ nôi xuống đất mà thương tích nặng như thế. Anh nghi ngờ có lực khác tác động vào đầu khiến con trai bị chấn thương sọ não. 
Bị cáo Vững
Bị cáo Vững

Ngày 31/1, Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Tố Vững (SN 1981, quê Quảng Nam, tạm trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) về tội “Vô ý gây tổn hại sức khỏe cho người khác”.

Theo cáo trạng, từ khoảng tháng 8/2015 đến ngày 17/8/2016, dù không có chứng chỉ và không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động nghề giữ trẻ theo quy định, nhưng bị cáo Vững vẫn tự phát trông giữ trẻ tại nhà thuê thuộc tổ 202 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).

Đầu tháng 3/2016, Vững nhận trông giữ cháu Lương Công Châu (sinh ngày 3/7/2015) con của anh Lương Công Thi (SN 1984) và chị Ngô Thị Yến (SN 1985), ngụ phường Hòa An (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) và một cháu bé khác tại nhà với số tiền 1,5 triệu đồng/tháng.

Trong thời gian này, cháu Công nặng khoảng trên 10kg, cao 55cm, có thể tự lật, bò, ngồi và vịn vật cứng để đứng dậy trong thời gian ngắn, đôi lúc tự ngồi dậy trong nôi sau khi thức giấc.

Sáng 18/7/2016, Vững nhận trông cháu Châu như thường ngày. Trưa cùng ngày, anh Thi nhận được điện thoại của Vững báo con mình bị ngã nên lập tức chạy đến trường để đưa cháu Châu đi cấp cứu ở Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, đồng thời đến Công an phường Hòa Minh trình báo sự việc.

Ngày 26/9/2016, anh Thi có đơn yêu cầu khởi tố hình sự.

Theo kết luận giám định thương tích của Trung tâm pháp y (Sở Y tế Đà Nẵng), cháu Lương Công Châu bị chấn thương sọ não (phù não, tăng áp lực nội sọ, nứt vỡ xương sọ vùng đỉnh phải, tụ máu nội sọ đã điều trị phẫu thuật), hiện tại để lại di chứng não, tổn thương phần mềm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại 74%.

Tại phiên xét hỏi trước đó ngày 27/3, bị cáo Vững thừa nhận việc nhận giữ trẻ tại nhà riêng không giấy phép.

Theo Vững, trưa 18/7/2016, sau khi cho cháu Châu ăn xong, Vững cho cháu nằm nôi. Vũng nhìn thấy cháu Châu nhắm mắt, bị cáo nghĩ cháu đã ngủ nên đi rửa chén. Khoảng 15 phút, bị cáo nghe tiếng “bịch” liền chạy vào, phát hiện cháu bé đã nằm giữa nhà, bất tỉnh, mắt trợn ngược.

Sau đó, Vững gọi điện thông báo sự việc cho chị Yến (mẹ cháu Châu). Bị cáo chờ gia đình đến rồi mới đưa cháu Châu đi cấp cứu. Rất may, Cháu được cứu sống nhưng thương tật nặng nề 74%.

Tại phiên tòa, anh Thi (bố cháu Châu) không đồng tình với lời khai của bị cáo Vững. Anh cho rằng, trong vụ án này còn có nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Anh không tin con trai bị ngã từ nôi xuống đất mà thương tích nặng như thế. Anh nghi ngờ có lực khác tác động vào đầu khiến con trai bị chấn thương sọ não. 

Ngoài ra, anh yêu cầu giám định lại thương tích của con trai. Trong khi đó, chị Yến cho biết trước đây cháu Châu rất lanh lợi, khỏe mạnh. Thế nhưng, sau khi xảy ra sự việc, cháu phải sống đời thực vật.

Nhận định vụ án này còn có nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên HĐXX quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ án. Đồng thời yêu cầu cơ quan điều tra giám định lại thương tật cho bị hại, lấy lời khai con của bị cáo và thực nghiệm điều tra tại hiện trường xem nạn nhân có phải ngã từ trên nôi xuống đất hay không.

Đọc thêm