Đặc biệt, vào những giờ cao điểm, ngoài việc các phương tiện phải di chuyển lên vỉa hè thì họ còn phải tránh xa các xe rác một cách khó khăn, nhiều trường hợp va quệt cũng đã xảy ra.
Hành trình chu du khắp các con ngõ
Trước khi được đưa ra một số điểm tập kết dưới lòng đường thì những xe rác quá tải đã chu du khắp các ngõ ngách của khu dân cư. Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe rác chất cao như núi đi trong các con ngõ. Muốn tăng sức chứa của thùng rác, những người lao công phải dùng đủ mọi cách. Thông thường, họ sẽ dùng những tấm gỗ, mảnh bìa cứng dựng dọc theo chiếc xe. Một số khác thì dùng cả cọc tre dóng lên. Để có thể chở được nhiều rác hơn, thành xe còn được thiết kế những chiếc móc sắt. Những túi rác lớn hay các bao rác sẽ được treo vào móc sắt khi phía trong lòng xe đã quá đầy.
Một vật dụng không thể thiếu của mỗi lao công là một đôi ủng dài quá đầu gối. Ngoài việc giữ vệ sinh cho chân thì quan trọng hơn, nó được dùng để ấn, lèn rác xuống khi quá đầy. Sau một lượt rác đổ, những cô lao công lại nhanh nhẹn trèo lên thùng xe, lấy hết sức của đôi chân và toàn bộ cơ thể mà lèn rác xuống. Như vậy, lượng chứa rác của xe từ một mà thành hai, thành ba mức vốn có.
Chưa đi ra nơi tập kết nhưng xe rác quá tải này đã gây không ít phiền toái trong các con ngõ. Một người, một xe. Sức của một nữ lao công khá khó khăn để di chuyển một xe rác quá tải. Xe rác lại được chất quá cao, quá cồng kềnh làm mất tầm nhìn của người điều khiển.
Một nữ lao công ở Phạm Văn Đồng cho biết: “Chị cứ đẩy xe đi một quãng, sau đó lại chạy sang nhìn đường rồi đi tiếp. Thông thường, người đi trước hoặc sau thấy mình di chuyển khó khăn như vậy nên họ cũng tự nhường đường”. Khi ít phương tiện di chuyển thì không nói nhưng lúc cả người và xe đông, ngõ tắc thì xe rác quá tải tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Chị Trần Thị Thu Phương, ngõ 1 Phạm Văn Đồng cho biết: “Ngõ nhỏ mà xe rác lại nặng nên càng khó di chuyển hơn. Nhiều khi có người muốn phóng vượt xe rác, mắc cả vào tay lái vào túi rác, móc sắt cạnh thành xe”.
Chính những lao công cũng thừa nhận là thường gặp va quệt, song may mắn là chưa có tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra.
Lòng đường trở thành nơi tập kết rác thải
Từ các con ngõ, những chiếc xe rác sẽ được di chuyển ra các điểm tập kết. Những người dân Thủ đô có lẽ đã quá quen với hình ảnh những xe rác nằm ngay dưới lòng đường. Ngay cạnh sân bóng đường Trần Quốc Hoàn, một đoàn xe rác nằm từ sáng tới đêm.
Vào những giờ cao điểm, đặc biệt là từ 5h chiều, lượng xe cộ di chuyển hết sức khó khăn. Trần Quốc Hoàn là tập trung mộ lưu lượng xe lớn từ khu Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Nguyễn Phong Sắc để ra đường Phạm Văn Đồng nên mật độ xe càng lớn.
Người dân không chỉ khó khăn trong việc di chuyển do lượng xe lớn mà còn phải tránh xa những xe rác. Mặt đường vốn đã hẹp, lại là đường hai chiều nên phần vỉa hè cũng trở thành lòng đường. Cả ngày đi làm mệt, lại gặp tắc đường và chờ đèn đỏ đến mức nhích từng chút nên không ai muốn đứng gần một xe rác bốc mùi.
Một phần đường của người tham gia giao thông đã được dành cho những xe rác. Ngay phía trên điểm tập kết này là điểm chờ xe bus. Những xe rác chềnh ềnh đã che bớt đi tầm nhìn, gây khó khăn cho quá trình xe bus trả khách. Để có thể dừng ở điểm, thay vì đi thẳng, tài xế buộc phải đi theo đường cong để tránh xe rác. Và mặc dù có điểm và lán chờ xe bus song rất ít khi các sinh viên ngồi ở đây.
Chị Đỗ Thị Hương một khách đi xe buýt chia sẻ: “Thường thì mỏi chân lắm mình mới ngồi ở ghế. Mình thường đứng lui ra phía bên phải cho bớt mùi. Vì tránh xe rác mà nhiều khi xe bus không thể đứng sát vỉa hè, việc di chuyển của khách lên và xuống càng khó khăn hơn”.
Xe rác quá tải, chất cao như núi làm giảm tầm nhìn của người tham gia giao thông, đặc biệt là vào những hôm thời tiết mưa, việc nhận diện càng khó hơn. Những xe rác được chèn bốn xung quanh và được phủ một tấm bạt mỏng. Những lao công cố che chắn bằng mọi cách nhưng mùi xú uế vẫn bay ra, thậm chí, nước từ rác thải chảy cả xuống đường. Không chỉ gây mất mĩ quan mà chúng còn ảnh hưởng tới sức khỏe của các hộ xung quanh và người đi đường.
Ở nhiều con đường khác như Nguyễn Phong Sắc, Xuân Thủy, Phạm Hùng, nhiều xe rác được tập kết kết dưới lòng đường. Đặc biệt, trên đường Xuân Thủy, các xe rác nằm ngay đầu ngõ. Theo chia sẻ của những hộ dân sống ở các khu vực này, tình trạng va quệt đôi khi vẫn xảy ra.
Những xe rác xếp hàng dài bên đường đã trở thành hình ảnh quen thuộc trên nhiều con phố của Hà Nội. Từ các con ngõ sâu đến mặt đường lớn, xe rác quá tải tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Trong số những nguyên nhân của tình trạng ùn tắc cũng như tai nạn giao thông thì có lẽ chẳng ai ngờ rằng sự tồn tại của một loạt xe rác dưới lòng đường lại ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng trên.