Bé trai nghi bị cha đánh đến không thể ngồi nổi tại TP HCM: Đưa nạn nhân về lại nơi bị bạo hành có hợp tình, hợp lý?

(PLVN) - Nghi ngờ vết bầm tím ở vùng mông, lưng và vết bỏng ở đùi phải của học sinh mới 10 tuổi là do bị bạo hành, cô giáo trình báo cơ quan chức năng. Cha nạn nhân thừa nhận có hành vi đánh con nhưng là “dạy dỗ” và cam kết “không tái phạm”. Cháu bé lại trở về nơi bị đánh. Luật sư cho rằng, không cách ly con trẻ ra khỏi nơi bạo hành, không giao cho mẹ ruột là trái luật; và cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.

Mẹ không được gặp con

Nghe tin con bị bạo hành, chị Nguyễn Thị H.Y (SN 1983, ngụ Hà Nội) lập tức bay vào TP HCM, rớt nước mắt khi nhìn mông, lưng, đùi con trai là cháu Vũ Q.K (SN 2009) đầy những vết thâm tím. K là con chung của chị và anh Vũ N.Q (SN 1979, ngụ quận 11).

Chị Y cho hay, đầu năm 2009 kết hôn với anh Q và hai năm sau ly hôn. Theo Bản án số 09/2011/HNGD-ST ngày 11/3/2011 của TAND quận Đống Đa (Hà Nội) thì chị Y được quyền nuôi con. Anh Q phải chu cấp mỗi tháng 1,2 triệu đồng. Anh Q được quyền thăm nuôi con.

Sau đó cả hai đều có gia đình riêng.

“Đến tháng 6/2017, anh Q đón cháu vào Sài Gòn nghỉ hè. Một tháng sau, anh Q thông báo giữ con lại, không cho về Hà Nội. Tôi không đồng ý với yêu cầu này. Tuy nhiên cháu muốn ở với bố. Tôi thấy điều kiện gia đình ấy tốt, anh Q lo lắng cho con, nên cho cháu ở lại. Cứ vài tháng tôi và bà ngoại cháu vào thăm”.

“Tháng 3/2018, tôi vào thăm con, phát hiện có vết thâm tím ở tay và đùi. Tôi hỏi thì anh Q thừa nhận vì “con thường xuyên chưa học bài, cố tình quên vở” nên “đánh con để dạy”. Tôi nói không đồng ý với cách dạy con như thế và tuyên bố nếu còn tiếp tục thì đưa con về Hà Nội”.

Từ sau lần này, việc gặp con, theo chị Y là rất khó khăn khi anh Q liên tục nói bận, gia đình đi chơi… “Đến tháng 8/2018, tôi tiếp tục liên lạc với anh Q để thăm con. Tôi vào thứ Sáu nhưng cả ngày thứ Bảy không liên hệ được. Đến sáng Chủ nhật, tôi phải nhờ ông bà nội đưa cháu xuống sân chung cư để gặp. Tôi tiếp tục phát hiện dấu vết con bị đánh. Tôi hỏi ông bà thì được trả lời là: “Cháu ăn trộm đồ”.

Hồi ở với tôi, cháu không có chuyện này. Tôi muốn đưa con về nhưng vì ông bà nội lén đưa cháu ra, tôi hứa sẽ trả cháu về; chứ không ông bà nội lại bị liên lụy”.

Đến ngày 12/1/2019, chị Y vào thăm con và có buổi họp giữa gia đình hai bên. Chị Y kể, tại buổi họp, mẹ kế cháu bé đưa ra những vấn đề liên quan đến cháu và cho rằng do chị Y xúi con. Anh Q đưa ra điều kiện chị Y được thăm con nhưng phải dưới sự giám sát.

“Tôi không đồng ý. Tôi là mẹ, không xúi con chuyện hư hỏng. Tôi là người đang có quyền nuôi con theo bản án của tòa. Tôi thích đón con lúc nào đó là quyền của người mẹ và quyền được pháp luật bảo hộ”, chị Y nói. Từ đó chị Y không thể liên lạc, không được gặp con.

Trả nạn nhân về nơi bị bạo hành 

Ngày 18/9 vừa qua, giáo viên phát hiện cháu K không thể ngồi nên hỏi thăm. Phát hiện phần lưng, mông, đùi phải nhiều vết bầm tím, giáo viên đã gọi vào Tổng đài Bảo vệ quyền trẻ em 111 để trình báo.

Tổng đài 111 thông tin sự việc đến cho Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM. Sau khi nhận được thông tin, đại diện cơ quan này đã phản ánh lại sự việc với UBND phường, Công an phường 15, quận 11.

Thương tích trên người cháu K thời điểm phát hiện.
Thương tích trên người cháu K thời điểm phát hiện.

Chị Y nói: “Khi không gặp được con, tôi có để lại số điện thoại cho cán bộ phường 15 và công an khu vực nhưng khi vụ việc xảy ra, họ không thông báo cho tôi. Tôi biết được thông tin là nhờ một người trong chung cư nơi anh Q sinh sống”. 

Chị Y lập tức bay vào TP HCM nhưng không được đón con. Tại buổi làm việc vào ngày 21/9, anh Q thừa nhận đánh con “để dạy dỗ”. Sau khi làm bản cam kết, cháu K được trả về nơi nghi vấn cháu bị bạo hành.

“Tôi không hiểu họ căn cứ vào điều luật nào mà không giao con cho tôi”, chị Y thắc mắc.

Luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cho biết, việc không cách ly trẻ ra khỏi người và nơi bị bạo hành là trái luật. “Đây là trường hợp đầu tiên mà tôi thấy họ không cách ly nạn nhân ra khỏi nơi bị bạo hành.

Có thể tạm cách ly ra khỏi gia đình bạo hành, giao cho một tổ chức hoặc giao cho mẹ bé. Ngoài ra, người mẹ đương nhiên có quyền đưa con về Hà Nội sinh sống, chăm sóc theo bản án. Địa phương sai khi nói rằng “sẽ vận động”. Ở đây không có vận động giao con, mà phải bắt buộc. Khi bé bị đánh là phải cách ly, phải giao cho mẹ bé”.

Theo LS Nữ, Công an quận 11 cũng cần phải khởi tố vụ án để làm rõ hành vi bạo hành, ai bạo hành, ở mức độ nào.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Như Thảo, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận 11 cho biết: “Chúng tôi đã có báo cáo gửi Công an quận 11. Tất cả tập trung về một đầu mối. Phòng có tiếp xúc nhưng cháu trả lời không muốn ở với mẹ ruột. Hiện cháu không đến trường với lý do là… sợ mẹ đến bắt. Việc chị Y không được thăm nuôi con, chúng tôi để cho hai vợ chồng thương lượng. Nếu không thương lượng được thì lúc đó, chúng tôi mới vào cuộc để bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.

Còn nhiều uẩn khúc?

LS Ngô Thị Hoàng Anh (Đoàn LS TP HCM), tham gia trợ giúp pháp lý cho chị Y, nói: “Sự việc diễn ra đã nhiều ngày nhưng chưa đi đến đâu. Cháu nghỉ học cả tuần nhưng nhà trường chỉ biết là “bố cháu xin nghỉ vì gia đình có việc”. Trong khi đó nhà trường chính là nơi phát hiện cháu có dấu hiệu bị bạo hành”.

Đơn yêu cầu giám định thương tích và khởi tố vụ án của mẹ nạn nhân.
Đơn yêu cầu giám định thương tích và khởi tố vụ án của mẹ nạn nhân.

“Các cơ quan bảo vệ trẻ em cần phải quan tâm, gần gũi, động viên thì cháu mới dám tâm sự. Một đứa trẻ 10 tuổi thì sẽ bị chi phối bởi nhiều nguồn khác nhau khiến cháu sợ. Cần phải cách ly ngay tại thời điểm phát hiện cháu nghi bị bạo hành. Cháu muốn ở với bố nhưng các hội, cơ quan bảo vệ không thể cũng chỉ nghe lời một mình cháu được. Có thể có nhiều lý do khiến cháu nói muốn ở với bố, nhưng do chúng ta không sâu sát nên chưa hiểu được”.

“Vấn đề khởi tố vụ án cũng cần làm ngay. Tôi biết trên người cháu có nhiều vết sẹo khác, mới có, cũ có. Đối với việc đánh, bạo lực với trẻ em thì không cần chờ kết quả giám định thương tích”, LS Hoàng Anh nói.

LS Hoàng Anh và chị Y cho rằng từ ngày 21/9 đến nay, không thể tiếp xúc với cháu K. “Gọi điện thì anh Q bảo đi nước ngoài. Còn đến tòa nhà thì bảo vệ không cho lên vì chưa có sự đồng ý của chủ nhà. Mấy ngày qua, tôi lang thang khắp các cơ quan để mong được giúp đỡ, quanh quẩn gần tòa nhà mong được gặp con nhưng không được. Tôi còn một cháu nhỏ ở Hà Nội nhưng vẫn nán ở lại đây, muốn đi đến tận cùng sự việc”, chị Y chia sẻ.

Chị Y cho hay cũng đang chờ ủy thác thi hành bản án năm 2011 từ Hà Nội vào TP HCM để cưỡng chế giao con và chị có đơn yêu cầu khởi tố vụ án.

Nhằm làm rõ những thông tin chị Y phản ánh, PV liên lạc với anh Q qua số điện thoại 09037489...  nhưng máy đều báo bận. Tìm đến lô B, chung cư Flemington (số 182 – 184 Lê Đại Hành, quận 11) thì bảo vệ cho hay: “Nếu các anh chị có số thì gọi điện xuống đón chứ chúng tôi không thể cho lên theo nội quy tòa nhà”.  

Đọc thêm