Bêu tên cơ sở kinh doanh “chặt chém” du khách: Đã làm, cần làm đến cùng!

(PLO) - Sau hàng loạt vụ việc được báo chí đưa tin về cơ sở kinh doanh ở Nha Trang “chặt chém” du khách như tăng gấp đôi giá phòng dịp Tết, bữa ăn bình dân giá vài triệu sau Tết, có ý định hành hung du khách khi hét giá không thành…, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hoà đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp kinh doanh kiểu chụp giật, hét giá hay ép du khách sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, hai website của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) và trang web của Trung tâm Xúc tiến du lịch Khánh Hoà sẽ nêu tên cụ thể những doanh nghiệp kinh doanh không đàng hoàng như trên. Cùng với đó là việc yêu cầu niêm yết giá ở các cơ sở kinh doanh. 

Động thái mạnh này của UBND tỉnh Khánh Hoà, vùng đất nổi tiếng về du lịch biển, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của du khách khắp nơi. Nhiều đề xuất cho rằng, các khu du lịch có tiếng và thường xảy ra hiện tượng “chặt chém” khác như Vũng Tàu, Đà Lạt… cũng nên mạnh tay như thế, bêu tên cơ sở kinh doanh làm ăn không đàng hoàng để dẹp yên tình trạng bát nháo, phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên, cũng rất nhiều ý kiến cho rằng, tuy bêu tên là một biện pháp hay, nhưng để việc bêu tên có tác dụng thì cơ quan quản lý cần có những biện pháp “hậu bêu tên” khác. 

Trước đây, không ít trường hợp cơ sở kinh doanh “chặt chém” du khách gây bất bình dư luận, bị rút giấy phép kinh doanh, tuy nhiên ngay sau khi bị rút thì lập tức đăng kí mở một cơ sở kinh doanh khác, lấy tên khác để “đánh lận” và tiếp tục… “chặt chém”. Trường hợp này vẫn có thể áp dụng với việc bêu tên: Sau khi tên xuất hiện trên “danh sách đen”, chủ cơ sở kinh doanh vẫn có thể thay tên để tránh sự cảnh giác của du khách. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh kiểu “chặt chém” cũng có khá nhiều cách ứng phó với khách. Có trường hợp, giá bán đã niêm yết nhưng khi tính tiền vẫn tính giá “trên trời”. Khách thắc mắc thì có muôn vàn cách để phụ thu như “theo thời giá”, phí phục vụ… 

Nhiều ý kiến khác cho rằng, cần phải tăng cường hơn nữa chất lượng của đường dây nóng. Việc dán số điện thoại đường dây nóng ở các cơ sở kinh doanh tại những điểm du lịch đông đúc là rất cần thiết, nó giúp du khách có thể phản ánh kịp thời ngay khi vừa bị doanh nghiệp “chặt chém” hoặc hành xử không hay. Tuy nhiên trên thực tế, đường dây nóng có hiệu quả chưa cao, bởi không ít du khách phàn nàn khi gặp chuyện, gọi đến đường dây nóng thì có khi máy bận, có lúc đổ chuông lại không có người bắt máy. Không ít trường hợp có người bắt máy nhưng… không xử lý vì thiếu nhân lực hoặc “không thuộc thẩm quyền”.

Các văn bản, chỉ thị và những biện pháp mạnh tay như tăng cường kiểm tra, xử phạt, bêu tên… là rất cần thiết để chấn chỉnh các thực trạng xấu trong du lịch. Tuy nhiên, để các chỉ thị này đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực, thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần có sự sâu sát hơn, kiên trì hơn để “đi đến cùng” chứ không chỉ hô hào lúc ban đầu, có như thế nạn “chặt chém”, “hành” du khách mới có thể được giải quyết triệt để, trả lại môi trường trong sạch cho ngành du lịch. 

Đọc thêm