BHYT khám cấp cứu được thanh toán như thế nào?

(PLO) - Gần đây thông tin cho rằng người dân không được thanh toán tiền khám bệnh khi đi cấp cứu... đã gây hiểu lầm cho người bệnh. Bộ Y tế đã giải thích rõ hơn về vấn đề này. Bên cạnh đó, nhiều quy định mới có lợi cho bệnh nhân BHYT vừa được bổ sung nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Khám bệnh dưới 4 giờ vẫn được BHYT thanh toán

Theo nội dung Công văn 7117/BYT-KH-TC do Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn bổ sung thực hiện Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC, khi vào khoa cấp cứu nếu bệnh nhân nằm dưới 4 giờ không phải thanh toán tiền giường bệnh.

Giải thích điểm mới của văn bản này, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế - cho biết Bộ Y tế quy định trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khoa khám bệnh nếu thời gian điều trị dưới 4 giờ thì cơ quan BHYT sẽ thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiền khám bệnh, tiền thuốc và các dịch vụ kỹ thuật theo phạm vi thanh toán của BHYT. Cơ quan BHYT cũng như người bệnh không phải thanh toán tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

Tương tự, nếu thời gian điều trị từ 4 giờ trở lên thì cơ quan BHYT và người bệnh chỉ thanh toán tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú, tiền thuốc và các dịch vụ kỹ thuật theo quy định mà không phải thanh toán tiền khám bệnh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nữa vì tiền khám bệnh đã được tính trong chi phí ngày giường điều trị nội trú. Nội dung hướng dẫn trên áp dụng với trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khoa khám bệnh. Còn khi người bệnh vào đăng ký và khám bệnh tại khoa khám bệnh thì việc thanh toán tiền khám bệnh vẫn được thực hiện theo quy định.

Nếu trong 1 ngày người bệnh chuyển từ 3 khoa trở lên thì giá ngày giường hôm đó sẽ tính giá trung bình cộng tiền ngày giường tại khoa có thời gian nằm điều trị trên 4 giờ có mức giá tiền giường cao nhất và tại khoa có thời gian nằm điều trị trên 4 giờ có mức giá tiền giường thấp nhất quy định tại Thông tư 37.

Quyền lợi cho người mua BHYT 5 năm

Theo BHXH Việt Nam, mới đây, nhiều người chia sẻ quyền lợi tối quan trọng dành cho những người liên tục mua BHYT 5 năm. Thông tin này được chia sẻ như là điều mới nhưng thực ra, đã áp dụng từ ngày 1-1-2015 mà nhiều người không để ý. Bà Mai Thị Kiều Lâm - Phó trưởng Phòng Chế độ BHYT, BHXH Việt Nam - cho biết Luật BHYT sửa đổi quy định các trường hợp người có thẻ BHYT đã tham gia từ đủ 5 năm liên tục trở lên nghĩa là trên thẻ BHYT có dòng chữ “Thời điểm mua bảo hiểm 5 năm liên tục...”. Với những thẻ có dòng chữ này, người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB) theo quy định sẽ được thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB BHYT trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Khi hội đủ 2 điều kiện này, người chủ thẻ cần đến cơ quan BHXH nơi tham gia để xin giấy chứng nhận đủ điều kiện. Sau đó, những lần KCB khác trong năm chỉ cần đưa giấy chứng nhận trên ra là được hưởng 100% phí KCB”.

Bà Lâm cũng cho biết, quy định này rất có ý nghĩa, nhất là với các trường hợp bệnh mãn tính, hiểm nghèo như: ung thư, suy thận mãn, tim mạch, tiểu đường... Ví dụ trường hợp suy thận mãn phải chạy thận, lúc đầu sẽ phải đồng chi trả 20%, quỹ BHXH chi trả 80%. 

Sau khi hội đủ 2 yếu tố nêu trên thì những lần điều trị tiếp theo, các chi phí trong danh mục Bộ Y tế cho phép như công khám, ngày giường, chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật cao đều được hưởng 100%. Đơn cử với trường hợp người lao động điều trị ung thư có tổng chi phí KCB BHYT là 300 triệu đồng/năm khi chưa đủ điều kiện được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” sẽ phải cùng chi trả 20% chi phí KCB BHYT tương ứng với 60 triệu đồng. Nếu họ đã được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” sẽ không phải cùng chi trả 60 triệu đồng này nữa” - bà Lâm giải thích.

Với một số người lao động dù đã đóng BHYT hơn 5 năm liên tục nhưng thẻ BHYT không có dòng chữ “Thời hạn đủ 5 năm liên tục…”, bà Lâm cho biết hiện BHXH Việt Nam đang đẩy mạnh kết nối công nghệ thông tin với các đơn vị cơ sở để liên thông dữ liệu. Những người lao động tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên nhưng trên thẻ BHYT không có dòng chữ chứng nhận thì người tham gia nên đến cơ quan BHXH để kê khai quá trình tham gia BHYT để được cấp đổi lại thẻ BHYT. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm rà soát, xác định thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và in thẻ BHYT mới nếu có.

Đọc thêm