Bị cáo gây náo loạn phiên xử còn 'diễu võ giương oai'

(PLO) - Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, bị cáo được đưa đến phiên xử phúc thẩm sau đó “chém gió” và nói nhảm liên tục rồi kể về “bề dày thành tích” tội phạm trước đây với một số cán bộ Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Phạm Thị Thuận không ngừng "chém gió" và nói năng lung tung tại phiên tòa (Ảnh: ANTĐ)
Phạm Thị Thuận không ngừng "chém gió" và nói năng lung tung tại phiên tòa (Ảnh: ANTĐ)

Hôm nay (12/8) TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Phạm Thị Thuận (SN 1957, trú ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) về tội “Cố ý gây thương tích”, theo Điều 104-BLHS.

Tuy nhiên, vừa vào đầu phiên xử HĐXX đã phải đưa ra quyết định trì hoãn phiên tòa vì bị cáo có những hành động “không được bình thường”.

Theo một số người tới dự phiên tòa, từ lúc bị dẫn giải tới trụ sở TAND TP Hà Nội, bị cáo này đã lớn tiếng nói nhảm những câu chuyện khiến người nghe chẳng hiểu gì sau đó còn kể về “bề dày thành tích” phạm tội với một số bị hại là cán bộ nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đến khi HĐXX cấp phúc thẩm vào làm việc, thấy hành động của bị cáo có phần “kỳ quặc” nên đại diện Viện kiểm sát và Thẩm phán đã tiến sát vành móng ngựa trấn tĩnh, động viên đồng thời giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị cáo nghe nhưng Thuận không những không nghe mà còn lớn tiếng và tiếp tục nói nhảm những việc không liên quan gì đến vụ án.

Chỉ đến khi HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa thì bị cáo “bỗng dưng” trở về trạng thái bình thường rồi vội vã trèo lên xe thùng ngồi im không nói gì.

Theo bản án sơ thẩm, sáng ngày 28/1/2016, Thuận đến đến trụ sở tiếp công dân Trung ương, ở phố Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông xông thẳng vào phòng làm việc gặp bà Trần Thị Thu H. (cán bộ tiếp công dân) yêu cầu được gặp lãnh đạo phòng, ban chống tham nhũng.

Thế nhưng do không có hồ sơ khiếu nại, tố cáo và cũng không có giấy tờ tùy thân nên yêu cầu của Thuận không được đáp ứng.

Sau một hồi được bà H. giải thích cặn kẽ, Thuận quay sang uống nước ở trong phòng rồi bất ngờ rút dao thủ sẵn trong người đâm thẳng vào mặt bà H. khiến bà H. hoảng sợ hô hoán mọi người.

Phát hiện sự việc, bảo vệ của trụ sở tiếp công dân Trung ương đã nhanh chóng chạy tới khống chế và đẩy Thuận ra ngoài. Sau đó ít phút, Thuận bị cơ quan công an bắt giữ.

Về phần bà H. sau khi bị Thuận đâm thẳng vào mặt đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu và xác định bị tổn hại 13% sức khỏe với gương mặt có một vết sẹo dài.

Đến ngày 16/6/2016, TAND quận Hà Đông đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Thuận múc án 30 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”. 

Sau đó, Thuận cho rằng Tòa án quận Hà Đông xử tội đối tượng là không đúng nên có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. Tuy nhiên, khi ra tòa bị cáo lại có những hành động “kỳ quái” như đã nói ở trên.

Đọc thêm