Bị cắt trợ cấp, một cựu chiến binh kêu cứu

(PLO) - Ông Hoàng Trọng Thuần (quê xã Hòa Phú, Ứng Hòa, Hà Tây, trú tại thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) có đơn đến Báo Pháp Luật Việt Nam phản ánh về việc ông bị cắt chế độ “trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học” không đúng quy định, làm mất quyền lợi chính đáng của ông và các con.
Nhiễm chất độc hóa học, bị giảm 81% khả năng lao động
Ông Thuần cho hay, tháng 6/1963 ông nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 7, Tiểu đoàn 4, E88, F308 rồi được  bổ sung vào mặt trận B3 Tây Nguyên, đóng quân và chiến đấu tại địa bàn Kon Tum - Gia Lai. Trong quá trình chiến đấu tại chiến trường này, ông đã bị nhiễm chất độc hóa học Dioxin, phải về tuyến sau chữa trị và an dưỡng tại Đoàn 580, thuộc D15. 
Sau khi được cơ quan chức năng kết luận “hai mắt bị mờ do nhiễm chất độc hóa học, sức khỏe loại III, không đủ điều kiện tiếp tục trong quân đội”, ông được cho phục viên theo Quyết định số 009/CS ngày 12/10/1968 của Thủ trưởng Đoàn 580, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba (năm 1989). 
Sau khi đất nước thống nhất, ông Thuần vào Đạ Tẻh (Lâm Đồng) xây dựng quê hương mới. Đến năm 2004, ông được Phòng Thương binh Xã hội huyện Đạ Tẻh hướng dẫn làm hồ sơ để hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo Quyết định 120/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 14 của Liên Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB&XH), Y tế và Tài chính. 
Sau đó, ông được Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Lâm Đồng giám định và kết luận: “ Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên”. 
Ngày 3/7/2008 Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng có Quyết định (QĐ) số 219 “trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học” cho ông Thuần được hưởng 942.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2008, đến năm 2013 thì “Cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học” và nâng mức trợ cấp, phụ cấp cho ông Thuần là 4.197.800 đồng/tháng. 
Riêng các con của ông Thuần cũng được ngành LĐ-TB&XH địa phương đưa đi khám. Căn cứ vào Giấy chứng nhận tình trạng bệnh, dị dạng, dị tật của cơ quan y tế, Phòng LĐ-TB&XH huyện Đạ Tẻh đã chứng nhận và đề nghị cho các con ông được hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam/dioxin, được đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đảng ủy, UBND thị trấn Đạ Tẻh cùng ký xác nhận. 
Sau đó các con ông Thuần là Hoàng Như Giỏi, Hoàng Như Ý được cơ quan chức năng thống nhất cho hưởng chế độ chất độc hóa học từ tháng 7/2005 theo QĐ số 2833 ngày 13/10/2005 của UBND tỉnh Lâm Đồng; Hoàng Thị Khuyên, Hoàng Thị Bến được hưởng chế độ chất độc hóa học theo QĐ số 70 ngày 26/5/2008 của Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng. 
Tại Văn bản số 297/UBND ngày 8/8/2007 và số 48/UBND ngày 23/2/2009, UBND huyện Đạ Tẻh đều xác nhận ông Thuần đã tham gia kháng chiến tại địa bàn Kon Tum -Gia Lai bị nhiễm chất độc hóa học, hiện tại bị suy giảm sức khỏe, mất khả năng lao động; các con của ông Thuần là Hoàng Thị Bến, sinh năm 1979 bị vẹo cột sống, không có tuyến vú bên phải; Hoàng Như Giỏi sinh năm 1982 bị kém mắt, thể trạng gầy, cẳng tay phải cong dị dạng và Hoàng Như Ý sinh năm 1974 bị bệnh mất ngủ, hay quên, trí nhớ kém, đau đầu, mu bàn tay có vảy nến.
Đình chỉ, thu hồi chế độ
Tuy nhiên, đến ngày 19/9/2014 bà Đoàn Thị Ngọc Ẩn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng ký QĐ số 146 đình chỉ và thu hồi trợ cấp đối với ông Thuần với lý do: 4 người con của ông là Hoàng Thị Khuyên, Hoàng Như Ý, Hoàng Như Giỏi, Hoàng Thị Bến không bị dị tật, dị dạng; giao Phòng LĐ-TB&XH huyện Đạ Tẻh thu hồi khoản tiền trợ cấp mà ông Thuần đã nhận từ tháng 7/2008 đến tháng 9/2014 là 214.355.800 đồng!
Ngày 13/10/2015, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng Trương Ngọc Lý có QĐ giải quyết khiếu nại số 133 giữ nguyên QĐ số 146 ngày 19/9/2014 và các QĐ khác của Phó Giám đốc Sở LĐ - TB &XH !
Trao đổi với phóng viên, ông Thuần chua xót nói: “Tôi không giả mạo hoặc khai man giấy tờ để được hưởng chế độ. Việc lập hồ sơ, yêu cầu cơ sở y tế giám định, xét duyệt cho tôi và các con tôi được hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là do chính ngành LĐ-TB&XH và các cơ quan chức trách của huyện, của tỉnh thực hiện hợp pháp, công khai, theo đúng quy định tại thời điểm lập hồ sơ. Nay Sở LĐ-TB&XH lại cho là không đúng, bắt con tôi giám định lại và căn cứ vào kết luận giám định mâu thuẫn với thực tế để đình chỉ và thu hồi tiền trợ cấp." 
Đã đến lúc UBND tỉnh Lâm Đồng, các cơ quan chức năng địa phương và Trung ương cần xem xét lại trường hợp của ông Thuần và có hướng giải quyết sao cho có tình, có lý nhằm thể hiện đúng chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thật sự.

Đọc thêm