Xuất phát điểm từ tiệm cắt tóc
Chào đời trong gia đình có cha mẹ là người Pháp, chủ 2 tiệm bánh ngọt nổi tiếng hồi nửa cuối thế kỷ 19, Eugène Schueller chăm chỉ, cần cù, tháo vát khó ai bằng rồi bước chân vào giảng đường tại Viện hóa chất ứng dụng (IAC). Trong hồi ký, tỷ phú Schueller tự bạch: “Tôi là người đầu tiên hoàn thành xuất sắc khóa học trong lớp hồi đó”.
Tốt nghiệp IAC năm 1904, Schueller nhận một chân phụ tá phòng thí nghiệm tại Sorbonne, là cơ hội để trở thành một nhà nghiên cứu đại học. Khi chủ nhân một hiệu cắt tóc lớn tìm kiếm ai đó để cùng phát triển ngành công nghiệp nhuộm tóc tổng hợp, nghiên cứu sinh Schueller liền nhận lời làm cố vấn kỹ thuật. Chẳng mấy chốc Schueller đã bỏ việc ra làm ăn riêng, thử nghiệm những loại thuốc nhuộm tóc khác nhau ngay trong một khu nhà cho thuê gần Tuileries (Paris).
Những nỗ lực buổi đầu không thành công nhưng Schueller vẫn tiếp tục các thí nghiệm, thay đổi các công thức, tìm ra những loại thuốc nhuộm tóc “độc quyền”. Trời không phụ lòng người, năm 1909, Schueller sáng lập ra Công ty thuốc nhuộm tóc mà sau này đổi thành L’Oréal (Ánh hào quang), cũng là tên một kiểu tóc phổ biến vào thời kỳ đó.
Helmut Knochen, chỉ huy cảnh sát và an ninh của Cục tình báo SS, từng có mối quan hệ với Eugène Schueller |
Mối quan hệ kỳ lạ với Cagoule
Schueller là một người tham công tiếc việc, có nhiều ý tưởng mới. Sau khi trở thành thành viên của Hội Tam điểm, khoảng giữa thập niên 1930, Schueller bắt đầu phát triển ra ý tưởng “Mức lương cân xứng”, lập luận rằng mức lương nên cân xứng với năng suất làm việc của mỗi nhân viên. Schueller áp dụng một phần nguyên tắc này vào điều hành đại L’Oréal.
Khi Léon Blum giành đa số phiếu vào năm 1936, thực hiện một số cải cách sâu rộng như tuần làm việc 5 ngày, tăng lương, quốc hữu hóa đường sắt và đề xuất chi trả 2 tuần nghỉ lễ cho tất cả công nhân viên, đó là cơ hội cho Schueller phát tài. Phụ nữ Pháp thuộc mọi tầng lớp kinh tế thong dong tràn ra các bãi biển để tắm nắng, doanh số bán Ambre Solaire, một loại sản phẩm chống nắng mới nhất của L’Oréal tăng chóng mặt.
Thời kỳ này ở Pháp nổi lên các tổ chức cánh hữu mà đáng kể nhất là “La Cagoule” (“Đảng Mũ Trùm”), có mục tiêu thay thế nền Đệ tam cộng hòa và xây dựng một mô hình độc tài lấy hình mẫu từ Đức, Ý hoặc Tây Ban Nha.
Bị thu hút bởi những ý tưởng cũng như hầu bao nặng ký của Schueller, lãnh đạo tổ chức Cagoule là Eugène Deloncle đã tuyển mộ ông thành một thành viên của tổ chức; Schueller cung cấp hỗ trợ tài chính với Cagoule. Trong số những hành động đen tối của Cagoule có một loạt âm mưu ám sát, đánh bom vào hiệp hội công nhân Pháp và cả một cuộc đảo chính bất thành vào tháng 9/1937.
Lãnh tụ Đảng Mũ Trùm (Cagoule), người thường xuyên nhận tiền tài trợ của tỷ phú Eugène Schueller |
Đến mối quan hệ với Đức Quốc xã
Mùa Xuân năm 1940, một đơn vị thiết giáp của Lực lượng vệ quốc Đức (Wehrmacht) phá vỡ tuyến đường Maginot của Pháp để xâm lược Vương quốc Bỉ. Rồi Paris “thất thủ” vào ngày 14/6/1940.
Dưới thời Đức quốc xã chiếm đóng, những bài viết và diễn thuyết của Schueller lại mang tính thân Đức quốc xã và chống lại Đảng cộng hòa. Tháng 6/1941, Schueller xúc tiến những ý tưởng cùng những giả thuyết kinh tế của mình rồi công bố trên sóng phát thanh của đài vô tuyến Pháp do Đức kiểm soát. Schueller cũng kết nối với quan chức khét tiếng của Đức là Helmut Knochen, là chỉ huy cảnh sát và an ninh cho Cục tình báo SS. Bị điều tra bỏi Cục tình báo Pháp sau chiến tranh, Schueller được xem là “cộng sự tự nguyện” của Knochen.
Năm 1947, các nhà đều tra Pháp tìm thấy danh sách “45 điệp viên của Knochen”, trong số đó đáng chú ý là “E. Schueller. Thương gia”. “Ông ta (Schueller) đang muốn gầy dựng tên tuổi thành Bộ trưởng kinh tế quốc gia trong chính phủ Vichy”, Knochen nói với các nhà điều tra.
Thực tế thì Schueller không bao giờ kiếm được cái ghế đó, nhưng đã được chỉ định là bộ trưởng tương lai ngay trên một danh sách mà Knochen đã dự thảo từ năm 1941. Quan trọng hơn, Schueller cũng là một công cụ trong việc tạo ra mối quan hệ hợp tác giữa Valentine (nhà sản xuất sơn lớn mà Schueller là đồng giám đốc) và công ty Druckfarben của Đức.
Các tài liệu lưu trữ từ năm 1941 đến 1944 đã chỉ ra rằng có đến 95% thời gian mà công ty Valentine được giao cho Hải quân Đức. Gerhart Schmilinsky, một thương gia Đức – người đã giúp thiết lập mối quan hệ đối tác – là nhân vật chủ chốt trong chương trình “Aryan hóa” của Đức quốc xã, đã đẩy sạch các chủ thương gia người Do Thái và các bất động sản khác. Schmilinsky đã làm việc chặt chẽ với Schueller với lời ngợi ca là “một đảng viên nồng nhiệt của hiệp định Pháp-Đức”.
Tổng hành dinh L’Oréal ở Clichy, Paris, Pháp |
Bí mật khó hiểu của đế chế dược phẩm
Sử gia Pháp, bà Annie Lacroix-Riz, nhận định rằng nhờ vào những mối quan hệ với Đức quốc xã mà tài sản của Schueller tăng đều theo từng năm trong suốt thời kỳ chiến tranh. Từ các khoản đóng thuế cho thấy thu nhập ròng của Schueller đã tăng gần 10 lần giữa năm 1940 (248.791 Franc) và 1943 (2.347.957 Franc).
Giữa thời điểm 1940 và 1944, doanh số bán hàng của L’Oreal tăng gấp 4 lần. Khi kết thúc Đại chiến thế giới lần hai, Eugène Schueller đã đạt mức thu nhập cao chót vót và cũng đối mặt với không ít khó khăn khi một cựu nhân viên tố cáo ông là một cộng sự của Đức quốc xã, khiến chính phủ Pháp phải điều tra các hoạt động thương mại của L’Oréal trong thời chiến.
Ngày 6/11/1946, một ủy ban đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Schueller vì tội đã “tạo thuận lợi cho những thiết kế của kẻ thù và thái độ công khai của ông trong suốt thời kỳ Đức chiếm đóng Pháp”.
Vụ án của Schueller được gửi tới Tòa tư pháp của Bộ Hải quân, nơi Schueller bị buộc tội cộng tác kinh tế và chính trị với Đức quốc xã. Dù vậy, Thẩm phán Marcel Gagne ra lệnh rằng không thể buộc tội Schueller có hành vi cộng tác kinh tế vì “chỉ chiếm phần trăm tối thiểu trong kinh doanh với Đức và thực tế rằng hàng hóa được giao không có mối quan hệ lợi ích quân sự trực tiếp”.
Nhưng doanh số bán hàng của L’Oréal tăng mạnh trong chiến tranh vẫn là một bí ẩn. Ngay cả khi L’Oréal kiếm tiền khiêm tốn từ người Đức thì cũng khó mà giải thích rõ tại sao công ty này lại có thuận lợi khi tiếp cận được các nguồn nguyên liệu thô, năng lượng và vận tải mà không cần thông qua lực lượng chiếm đóng.
Có thể là bằng cách che giấu các cấu trúc nghiệp đoàn tinh vi trong mối liên hệ đối tác giữa Valentine với Drukfarben mà Schueller đã che đậy sự liên quan của mình như là một nhà cung cấp đáng tin cậy cho cỗ máy chiến tranh Đức. Không giống như mỹ phẩm, sơn lại là một sản phẩm quân sự chiến lược cao: tàu bè, máy bay và xe tăng, tất cả đều dùng sơn.
Toàn bộ vai trò của Schueller đã thoát khỏi tầm quan sát của các nhà điều tra thời hậu chiến. Thẩm phán Marcel Gagne kết luận rằng “Schueller đã cho thấy một hành động chắc chắn trong ý tưởng về cộng tác Pháp-Đức”.
Nhưng, Schueller tuyên bố rằng ông chưa bao giờ thuộc về tổ chức Cagoule, kêu gọi các nhân chứng nhìn thấy ông đang chia sẻ nơi trú ẩn với các công nhân người Do Thái, hỗ trợ cho các nhân viên chống lại lao động cưỡng bức ở Đức và bí mật tài trợ cho tổ chức kháng chiến. Ít nhất trong những người ủng hộ Schueller có cả vị Tổng thống Pháp tương lai François Mitterrand và con rể tương lai của Schueller là Phó chủ tịch L’Oreal là André Bettencourt.
Cuối cùng, Thẩm phán Gagne khuyến nghị rằng tất cả những lời buộc tội chống lại doanh nhân Schueller nên bị gỡ bỏ. Bản án đó cuối cùng đã làm sạch hồ sơ của Schueller, cho phép ông điều hành đế chế dược phẩm. Sau rốt, với sự kết hợp của tiền bạc, các mối quan hệ và nhiều may mắn mà khiến cho Eugène Schueller giữ được mạng sống, thoát khỏi án tử.../.