Bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về: Điều kiện được hưởng trợ cấp?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bạn đọc Nguyễn Hòa (Phú Thọ) hỏi: Tôi bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về và phải nằm viện gần 10 ngày, song công ty không hỗ trợ chi phí điều trị và không tính lương. Công ty làm vậy có đúng không? Tôi có được đòi quyền lợi của mình? Nếu muốn đòi thì phải làm sao?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

- Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Hãng Luật TGS) tư vấn:

Không phải trường hợp nào tai nạn giao thông trên tuyến đường từ nhà đến nơi làm việc cũng là tai nạn lao động. Trong trường hợp tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì người lao động (NLĐ) được hưởng trợ cấp từ người sử dụng lao động và các chế độ bảo hiểm xã hội.

Trường hợp của bạn bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội và khoản 2 Điều 39, khoản 1, 2 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì mới được hưởng chế độ tai nạn lao động như sau: NLĐ bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian hợp lý và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn này. Trong đó, thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để NLĐ đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường mà NLĐ thường xuyên đi từ nơi ở, nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.

Ngoài điều kiện trên thì tai nạn giao thông này xảy ra phải do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây tai nạn. Và việc xác định lỗi phải dựa vào biên bản kết luận của cơ quan công an có thẩm quyền.

Như vậy, nếu đủ những điều kiện trên thì bạn sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động. Nếu bạn thuộc trường hợp tại Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì sẽ không được hưởng trợ cấp.

Các chế độ mà bạn được hưởng nếu thuộc trường hợp trên và đáp ứng đủ các điều kiện để hưởng chế độ:

- Được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp (Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015). Khi giám định mức suy giảm khả năng lao động của bạn từ 5% trở lên thì sẽ được hưởng trợ cấp theo quy định này.

- Được hưởng các chế độ của cơ quan Bảo hiểm xã hội (Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các Điều 48, 49, 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015).

+ Trợ cấp một lần: Áp dụng khi NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%.

+ Trợ cấp hàng tháng: Áp dụng khi NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.

+ Trợ cấp phục vụ: Áp dụng khi NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, NLĐ được hưởng trợ cấp hàng tháng như trên và mỗi tháng cộng thêm 01 tháng lương cơ sở.

- Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động (Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. NLĐ sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Thời gian cụ thể như sau:

+ Nghỉ tối đa 10 ngày nếu suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên.

+ Nghỉ tối đa 7 ngày nếu suy giảm khả năng lao động từ 31 - 50%.

+ Nghỉ tối đa 5 ngày nếu suy giảm khả năng lao động từ 15 - 30%.

Mức hưởng chế độ trợ cấp = 30% mức lương cơ sở x số ngày nghỉ.

Để bảo vệ quyền lợi, bạn có quyền làm đơn khiếu nại giám đốc công ty yêu cầu công ty phải giới thiệu bạn đi giám định sức khỏe và giải quyết chế độ tai nạn lao động cho bạn theo đúng quy định của pháp luật. Nếu giám đốc công ty không chấp nhận yêu cầu của bạn, bạn có quyền làm đơn yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc làm đơn khởi kiện công ty tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty bạn có trụ sở chính để xét xử (Điều 188 Bộ luật Lao động 2019).

Đọc thêm