Theo trình bày của ông Phan Thanh Bình (SN 1953, ngụ thôn 6, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk), ông sinh ra tại xã Sơn Trù (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Tháng 8/1970, ông nhập ngũ vào C19, Đoàn 22, thuộc Quân khu 4. Đến tháng 12/1970, ông được chuyển vào chiến đấu tại chiến trường B5, thuộc địa phận tỉnh Bình Trị Thiên cũ.
Từ tháng 4/1971 đến tháng 3/1972, ông lại được phân công chiến đấu tại mặt trận Đường 9 Nam Lào. Đến tháng 4/1972, ông cho rằng, mình được bổ sung về đơn vị C3D42, mặt trận 972 chiến đấu tại địa bàn Xavanakhet thuộc tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào.
Ông kể, ngày 15/9/1972, ông cùng đồng đội tham gia trận đánh tại cầu Xê Băng Phai (Lào) và bị thương ở chân trái, được đồng đội đưa vào bệnh viện 53 Lạc Sao (Lào) cấp cứu, nằm điều trị cùng các đồng chí Chung thuộc đơn vị C3, đồng chí Mạnh thuộc đơn vị C4.
Cũng theo ông Bình, tháng 1/1973, ông cùng hai đồng đội nói trên được chuyển về nước và điều trị tại bệnh viện 4, thuộc Quân khu 4 (ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Bác sĩ chụp phim cho biết, chân trái của ông Bình còn nhiều mảnh đạn nhỏ, phải phẫu thuật.
Tháng 5/1973, khi sức khỏe hồi phục, ông trở lại Lạc Xao (Lào), tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu tại đơn vị D9128-Quân khu 4. Tháng 4/1978, khi nghe tin người anh ruột của mình đã hy sinh tại mặt trận Viên Chăn (Lào) cũng là khi ông được ra quân, trở về địa phương. Sau khi lập gia đình, năm 1997, ông và vợ con rời quê Nghệ An vào huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) lập nghiệp.
Tháng 3/2009, ông cùng hai đồng đội cũ lên khám tại bệnh xá tỉnh đội Đắk Lắk. Sau đó, ông nhận được kết quả mình bị thương tật 37%, được hưởng chế độ trợ cấp trong vòng sáu năm. Thế nhưng, đến đầu năm 2016, ông bị cắt hết mọi chế độ và truy thu lại số tiền đã được cấp trước đó.
Ông Bình cho biết, việc mình bị thương là thật, hiện cơ thể ông còn nhiều vết sẹo do chiến tranh để lại, trái gió trở trời vết thương cũ vẫn gây đau nhức. Ông nói: “Khi được nhà nước quan tâm trợ giúp, tôi cảm thấy rất tự hào.
Nào ngờ, tới tháng 3/2016, Phòng Lao động Thương binh & Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Krông Búk mời tôi lên làm việc rồi ra thông báo cắt chế độ, đòi thu lại số tiền hơn 150 triệu đã cấp, vì cho rằng hồ sơ của tôi không có cơ sở”.
Cũng theo ông, sau thông báo trên, ông phải đối diện với nhiều áp lực dư luận. Người hiểu chuyện thì tỏ vẻ thông cảm, khuyên ông nên tìm về đơn vị cũ, gặp đồng đội để được xác nhận, làm lại hồ sơ đầy đủ. Nhưng cũng không ít người xì xào những lời lẽ không hay khiến ông tủi thân.
Ông Bình cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ, cả năm anh em ông cùng nhập ngũ. Hai người anh của ông đã hy sinh tại chiến trường Lào, được công nhận là liệt sỹ. Hai người anh còn lại là thương binh.
Ông nói: “Tôi xin cam đoan những lời trình bày của mình là thật. Nếu sai, tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật. Qua đây, tôi cũng mong các cơ quan ban ngành tạo điều kiện giúp đỡ, rà soát lại hồ sơ một cách kĩ lưỡng để bản thân tôi nói riêng và những người cựu binh nói chung không phải chịu thiệt thòi”.
Để chứng minh những lời nói của mình, ông Bình tiếp tục mang ra Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, Huân chương kháng chiến hạng nhì do cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký tặng vào năm 2003 và 2005.
Ông tâm sự: “Tôi buồn lắm, mỗi lần nhìn lại những huân, huy chương của mình là nước mắt lại rơi. Nói hồ sơ của tôi không có cơ sở thì phải nói thế nào về những huân chương, huy chương tôi được nhận đây?”.
Trả lời về trường hợp của ông Bình, bà Phạm Thị Kim Lan - Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Krông Búk cho biết, huyện không biết lý do và cũng không nắm rõ nguyên nhân cắt trợ cấp của ông Bình.
“Phòng LĐ-TB-XH huyện không trực tiếp xét hồ sơ hay cắt giảm trợ cấp đối với những người có công với cách mạng tại địa phương. Trong trường hợp này, huyện làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, tức Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk”, bà Lan thông tin.
XLPL tiếp tục tìm lên cán bộ cấp tỉnh để tìm lời giải đáp. Theo bà Trần Thị Thu Hoài - Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh, trước khi ra quyết định cắt trợ cấp đối với ông Bình, đoàn thanh tra của tỉnh đã làm việc với Phòng Quân Lực, Bộ tham mưu Quân khu 4 và nhận được trả lời rằng, quyết định xuất ngũ số 376 ngày 15/8/1978 do Trung đoàn 128 cấp cho ông Bình là không đủ cơ sở.
Từ kết quả đó, Sở LĐ-TB-XH tỉnh đã đưa ra quyết định đình chỉ trợ cấp hàng tháng và truy thu số tiền hơn 150 triệu ông Bình được hưởng trước đó./.