Bị xã 'xử ép', cựu chiến binh đi nhặt rác lấy tiền theo đuổi công lý

(PLO) -Cho rằng mình bị xã “xử ép”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thu (SN 1953, ngụ ngõ 125 đường Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) rơi vào cảnh đường cùng, kiệt quệ, phải đi nhặt rác về bán lầy tiền theo đuổi công lý.
Ông Thu bên gian nhà cấp bốn với tài sản lớn nhất là chiếc xe đạp.
Ông Thu bên gian nhà cấp bốn với tài sản lớn nhất là chiếc xe đạp.

Những quyết định của xã bị Tòa tuyên là sai luật, phải hủy bỏ, nhưng cái giá ông phải trả không hề rẻ: Kiệt quệ kinh tế, bị địa phương ra quyết định tháo dỡ nhà, không thể canh tác trên mảnh đất được thuê mướn. Vợ ông phải đi nhặt rác, làm tạp vụ lấy tiền cho chồng khiếu nại.  

1 ngày nhận 4 quyết định dỡ nhà

Ông Thu là cựu binh tham gia chiến tranh biên giới 1979. Trước đó năm anh chị em của ông cũng đều là người lính trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, từ tháng 2/1993 ông Thu là xã viên HTX Tân Trào (xã Xuân Đỉnh bấy giờ, sau này tách thành phường Xuân Đỉnh và Xuân Mai) đứng ra thuê của Hợp tác xã (HTX) hơn 1700m2 gồm mặt sông, ruộng, ao hồ phát triển mô hình VAC theo chủ trương của Nhà nước. Diện tích trên hiện còn lại gần 500m2 do gia đình ông Thu sử dụng:

“Vợ chồng tôi phải thuê hàng trăm nhân công bồi đắp đất mới cải tạo xong diện tích ruộng trũng, ao nước thành hồ cá, vườn trồng cây. Vốn liếng đổ xuống đó không biết bao nhiêu mà kể”, bà Dương Thị Sen (SN 1956), vợ ông Thu kể.

Chủ nhà trình bày từ lúc thuê đất, luôn đóng thuế đầy đủ. Theo quy định về xây dựng bấy giờ, thì việc xây dựng nhà cấp bốn, chuồng trại chăn nuôi không phải xin phép. Do đó trên diện tích đất thuê, ông Thu đã xây dựng hai dãy chuồng lợn và chuồng gà cùng căn nhà tạm để ở.

Vợ chồng ông Thu cho biết “sẽ tố cáo đến khi nào cái sai bị pháp luật trừng trị thích đáng”
Vợ chồng ông Thu cho biết “sẽ tố cáo đến khi nào cái sai bị pháp luật trừng trị thích đáng”

Đến năm 2000, cạnh trang trại nhà ông Thu mọc lên khu chung cư. Do chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm và dịch bệnh bùng phát buộc ông Thu phải chuyển hướng sản xuất. Để duy trì cuộc sống, ông cải tạo những chuồng lợn thành nhà cấp bốn cho thuê để tận thu bù lại vốn đầu tư.

Bỗng dưng đến tháng 5/2010, ông Thu nhận được thông báo thanh lý hợp đồng của HTX Tân Trào mặc dù theo ông thời hạn thuê đất vẫn còn. Cho rằng phương án thanh lý hợp đồng chưa đảm bảo quyền lợi, chủ trang trại từ chối bàn giao đất và tiếp tục khiếu nại.

Theo lời ông Thu, phía chính quyền phường không hề có ý kiến về hướng giải quyết thu hồi đất. Bản thân ông trình bày sẵn sàng bàn giao lại diện tích đất đã thuê nếu đó là chủ trương chung của thành phố, triển khai minh bạch và có phương án hỗ trợ phù hợp.

Bẵng đi thời gian dài, ngày 1/4/2011, ông Thu bất ngờ nhận được bốn biên bản về việc vi phạm hành chính công trình xây dựng của UBND xã ban hành.

Ba ngày sau (ngày 4/4), Chủ tịch xã ban hành cùng lúc 4 quyết định số 134, 135, 136 và 137 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, buộc chủ đất khôi phục lại hiện trạng ban đầu, tháo dỡ công trình vi phạm. Ông Thu khiếu nại lên xã rồi huyện Từ Liêm, nhưng các cấp chính quyền đều cho rằng mình làm đúng.

Xã thua kiện lão nông

Sau nhiều năm chờ đợi không được giải quyết thỏa đáng, ông Thu làm đơn khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo của UBND huyện Từ Liêm ra tòa án huyện vào tháng 5/2011. Tòa án trả lại đơn vì cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết. 

Ông Thu lại gửi đơn lên tòa án TP Hà Nội. Đến tháng 12/2012 TAND TP Hà Nội có quyết định chấp nhận đơn khiếu nại và yêu cầu tòa án huyện Từ Liêm hướng dẫn đương sự sửa đổi, bổ sung nội dung khởi kiện. 

Sau khi được hướng dẫn thủ tục, ngày 22/1/2013, ông Thu khởi kiện lại UBND xã Xuân Đỉnh tại tòa án huyện Từ Liêm. Trong đơn khởi kiện, lão nông yêu cầu chính quyền bồi thường 131 triệu đồng thiệt hại do các quyết định xã ban hành; 7 triệu đồng tiền thuốc men do “đau đầu suy nghĩ khiến cơ thể suy nhược”.

Nguyên đơn còn yêu cầu chính quyền xã và huyện bồi thường 30 triệu đồng tiền đi lại, chi phí mua giấy bút, in ấn đơn thư kêu cứu từ địa phương đến Trung ương nhiều năm liền.

“Chừng này hóa đơn, đơn thư không thể tính bằng tiền. Vì vướng vào kiện tụng mà tôi bị suy nhược thần kinh, nằm viện nhiều tháng trời. Tâm lý tôi hoang mang không thể an tâm sản xuất”, ông Thu giở tập phiếu chuyển phát nhanh lên, nói.

Trong vụ kiện, nói về các quyết định của xã, ông Thu cho rằng các quyết định này sai cả hình thức và thẩm quyền ban hành. Ở thời điểm UBND xã ban hành các quyết định 134-137, ông cho rằng mình không có hành vi vi phạm.

Trong hai ngày 10 và 11/9/2013, TAND huyện Từ Liêm đưa vụ kiện hành chính mà ông Thu là nguyên đơn ra xét xử. HĐXX nhận định trong cùng một ngày 4/4/2011, chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh đã ra hai loại quyết định xử lý vi phạm hành chính gồm quyết định xử lý trong lĩnh vực vi phạm hành chính trật tự xây dựng và quyết định xử lý trong lĩnh vực đất đai. UBND xã ban hành các quyết định sai căn cứ. Thẩm quyền ban hành thuộc về chủ tịch UBND huyện

Ông Thu kiện đòi xã bồi thường nhiều khoản, trong đó có 30 triệu chi phí bút mực, mua giấy viết đơn.
Ông Thu kiện đòi xã bồi thường nhiều khoản, trong đó có 30 triệu chi phí bút mực, mua giấy viết đơn.

Về yêu cầu bồi thường, HĐXX cho rằng vào thời điểm ban hành các quyết định không gây ra hậu quả và thực tế nhà ông Thu chưa bị tháo dỡ. Hơn nữa ông Thu có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nên không có cơ sở xem xét. Riêng yêu cầu bồi thường 30 triệu đồng tiền bút mực, mua giấy viết đơn được tòa cho không phù hợp với quy định pháp luật.

Từ những nhận định trên, tòa sơ tuyên hủy các quyết định số 134, 135, 136 và 137 của UBND xã Xuân Đỉnh. Đồng thời bác các yêu cầu khác của nguyên đơn. Ngoài ra ông Thu phải chịu 1,5 triệu đồng án phí vì khởi kiện yêu cầu bồi thường không thành.

Ông Thu kháng cáo đòi truy trách nhiệm những người ban hành quyết định vi phạm. Ngày 3/3/2014 TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm, chỉ sửa nội dung là ông Thu không phải nộp án phí.

Vẫn chưa đồng tình với phán xét của tòa án, ông Thu tiếp tục khiếu kiện lên tòa án tối cao. Ông đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của những cán bộ đã ban hành những quyết định trái pháp luật. Đồng thời xem xét bồi thường thiệt hại đã gây ra cho gia đình ông. Và như vậy vụ kiện vẫn chưa đi đến hồi kết.

Không lùi bước

Hiện vợ chồng ông Thu đang tá túc tại căn nhà cấp bốn được cải tạo từ chuồng lợn. Căn nhà chẳng có gì giá trị ngoài hai chiếc xe đạp, một chiếc vô tuyến cũ mèm, một chiếc giường ngủ, cùng giấy tờ khiếu kiện tố cáo từ năm 2005 tới nay.

Ánh mắt ông lão chợt buồn. Ông kể trước đây ngoài trang trại VAC, ông bà mở thêm cửa hàng bán thịt gà ngoài chợ, cuộc sống dư giả tiền bạc. Nhưng từ lúc bị xã ra quyết định tháo dỡ nhà, tâm lý hoang mang không thể sản xuất. Đỉnh điểm vào những năm 2006-2008, ông còn bị nhiều đối tượng tự ý đến san lấp mặt bằng, lấp ao cá chiếm đất. Hậu quả là gần 20 năm nay ông phải bỏ hoang vườn tược. 

Cũng vì kiện tụng, ông suy nhược đổ bệnh phải nghỉ buôn bán. Kinh tế gia đình xuống dốc từ đó: “Bao nhiêu tiền bạc gom góp trước đó đều để cho tôi đi thưa kiện, khiếu nại hết”, ông nói. Mấy năm sau đó, vợ ông Thu phải đi nhặt rác lấy tiền làm “lộ phí” cho chồng theo đuổi công lý. Còn ông phần lớn thời gian “túc trực” tại các trụ sở cơ quan nhà nước.  

Ông Thu cho rằng tất cả những rắc rối trên đều do ông đứng lên tố cáo tham nhũng, sai phạm trong quản lý đất đai ở địa phương từ năm 2005, và bị trả thù. Theo lời ông, vào thời gian từ năm 2005, đất đai ở Xuân Đỉnh rục rịch lên cơn sốt giá.

Trên địa bàn xảy ra cảnh tranh chấp, kiện tụng đất triền miên. Và có cả những màn cướp đất trắng trợn của những đối tượng xã hội cộm cán, phía sau có sự im lặng khó hiểu của chính quyền xã.

Nhiều nông dân được cho thuê đất làm trang trại như ông Thu lần lượt bị thanh lý hợp đồng nhường chỗ cho những dãy nhà cao tầng. Nhưng ông Thu không chịu khuất phục đơn giản. Ông đứng lên làm đơn tố cáo các cá nhân lấn chiếm đất công trái phép, tố cáo chính quyền xã huyện buông lỏng quản lý, tiếp tay cho sai phạm, bao che kẻ xấu.

Sau đó các kết luận của UBND TP Hà Nội xác định nhiều nội dung ông Thu tố cáo đúng sự thật. Theo đó chính quyền xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm mắc nhiều sai phạm trong quản lý đất đai.

Có trường hợp cán bộ xã làm sai lệch hồ sơ đất, tự ý thu thêm tiền làm sổ đỏ, cho thuê đất trái phép, bao che người vi phạm lấn chiếm đất công, xử lý thiếu triệt để. Kèm theo những kết luận thanh tra là nhiều công trình bị tạm dừng do xây dựng trái phép. Và tất nhiên không ít cán bộ phải “về hưu non”.

Vợ chồng ông Thu đi nhặt rác về bán lấy tiền đi theo đuổi công lý
Vợ chồng ông Thu đi nhặt rác về bán lấy tiền đi theo đuổi công lý

Cũng từ đây rắc rối bắt đầu ập xuống gia đình ông Thu. Thậm chí vào năm 2010, khi những đối tượng côn đồ đến phá ao cá, chặt cây, ông khiếu kiện lên xã thì chính quyền bị cho là thờ ơ không giải quyết. Có khi 11 ngày liền, các đối tượng ngang nhiên thuê xe chở đất san lấp ao nhà ông Thu khiến toàn bộ cá trong ao không kịp thu hoạch.

Các đối tượng còn khiêu khích nhưng ông đoán biết dụng ý nên chỉ đứng trong nhà ghi lại hình ảnh. Vợ và con gái ông uất ức chạy ra, bị đánh đập thương tích. Khi ông lên báo công an xã, được trả lời “vì ông lấn chiếm đất công nên không giải quyết”.

Thời gian ấy, nhiều họ hàng, bạn bè lo lắng khuyên ông Thu đừng khiếu kiện nữa nhưng ông quyết theo đuổi đến cùng. “Chất lính” đã thôi thúc ông không bỏ cuộc. Ông chỉ ra ngoài sân, nơi dựng chiếc xe đạp, cho biết nhà ông là trường hợp hiếm hoi không có xe máy ở Hà Nội, vì chiếc xe máy đã được ông bán đi lấy tiền khiếu kiện tố cáo.

“Tôi sẽ tố cáo đến khi nào cái sai bị pháp luật trừng trị thích đáng, quyền lợi hợp pháp của dân được đảm bảo”.

Đọc thêm