Biến hàng rong nhếch nhác thành “thương hiệu văn hóa ẩm thực” Sài Gòn

(PLO) - Thời gian qua, song song với luồng dư luận ủng hộ thành phố trong chiến dịch “giải phóng vỉa hè”, thì nhiều vấn đề khác cũng đặt ra, trong đó có khía cạnh nhân văn, khi mưu sinh của rất nhiều người dân nghèo vì chiến dịch mà ảnh hưởng. Mới đây, TP.HCM đã đưa ra một đề án khả thi nhằm vừa giải quyết được vấn đề mưu sinh cho người nghèo kinh doanh nơi vỉa hè, vừa có thể tạo ra một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của thành phố.
Biến hàng rong nhếch nhác thành “thương hiệu văn hóa  ẩm thực” Sài Gòn

Theo đề án kinh doanh vỉa hè mới đưa ra của UBND quận 1, 3 tuyến đường và vị trí được thí điểm bán hàng rong ở Q.1 là vỉa hè rộng trên 5m như đường Nguyễn Văn Chiêm (dự kiến 20 hộ kinh doanh, diện tích quầy 2 x 3m), Chu Mạnh Trinh (35 hộ kinh doanh, diện tích quầy 2 x 1,4m), công viên Bách Tùng Diệp ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lý Tự Trọng (15 hộ kinh doanh, diện tích quầy 2 x 2m). Tại các quầy này, bàn ghế sẽ được thiết kế theo chuẩn, có thể tháo ghép nhanh chóng tiện lợi, để sau khi hết giờ kinh doanh hàng rong thì nhường vỉa hè lại cho người đi đường. Về cách thức hoạt động, các hộ kinh doanh sẽ nấu thực phẩm từ nhà đem đến hâm nóng và bán. Cạnh đó, UBND quận 1 cũng đưa ra đề án chợ phiên cuối tuần ở công viên Bạch Đằng sẽ hoạt động mỗi tuần 2 ngày (từ 10 - 22 giờ) thứ bảy, chủ nhật; và dịp lễ, Tết với những chủ đề khác nhau. Chợ sẽ có bốn khu với 120 gian hàng kinh doanh ẩm thực, du lịch, văn hóa nghệ thuật… nhằm phục vụ người dân và khách du lịch khu vực này.

Đề án “gom” hàng rong lại một chỗ như trên có nhiều ưu điểm, đó là việc bước đầu giải quyết công ăn việc làm cho những hộ đã mất chỗ kinh doanh sau chiến dịch “giải phóng vỉa hè”, đồng thời cũng dễ dàng quản lý về chất lượng, vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm…

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện số lượng quầy quy hoạch không thể nào đáp ứng hết được nhu cầu kinh doanh thực phẩm của người dân khu vực quận 1? Hiện, theo dự kiến thí điểm thì chỉ có 70 hộ kinh doanh sẽ có địa điểm bán hàng rong theo giờ. Kể cả thí điểm hoàn tất và triển khai trên diện rộng toàn thành phố chứ không chỉ quận 1 thì con số có lẽ cũng chỉ bằng một phần so với hàng chục ngàn hộ chuyên sống bằng kinh doanh ẩm thực ở vỉa hè thành phố nhiều năm qua. Như vậy, với số còn lại, thành phố sẽ có đề án thực tế nào để chuyển đổi nghề nghiệp cho họ, trong đó có những hộ đã gắn bó với nghề vài chục năm nay, tạo được một thương hiệu “vỉa hè” nho nhỏ, nuôi sống cả gia đình đông đúc?

Cạnh đó, việc chọn lựa những hộ kinh doanh được phép kinh doanh ẩm thực theo giờ ở khu vực tập trung, nếu làm không khéo có thể gây nên những phản ứng từ phía người dân. Như vậy, nên có tiêu chí hộ như thế nào thì được chọn lựa, không phải chuyển ngành kinh doanh: Hộ nghèo, khó khăn, hay hộ kinh doanh lâu đời, hoặc có tiếng, hoặc theo chỉ tiêu về chất lượng…? Ngoài ra, cũng cần hạn chế sự tiêu cực trong việc lựa chọn này, tránh tình trạng “quen biết”, “cửa sau”…

Đề án kinh doanh vỉa hè theo giờ là một kế hoạch nhân văn và khá tiềm năng trong phát triển du lịch của TP. Nếu giải quyết rốt ráo được những vướng mắc, có lẽ đây sẽ là một đề án góp phần tạo nên một nét đẹp mới trong văn hóa ẩm thực của thành phố.

Đọc thêm