Dẫn Công ước Luật Biển 1982 liên quan đến quy định bãi cạn “nửa chìm, nửa nổi”, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị: “Luật Biển đã định nghĩa rõ về bãi đá bao gồm cả các bãi đá, bãi cạn nửa chìm nửa nổi. Nếu không đưa vào Dự thảo Luật này, ta không có căn cứ pháp lý để phản đối hành vi khai thác bãi đá đó”.
Đồng ý với ông Nghĩa, ĐB Lê Việt Trường (An Giang) nhấn mạnh, nhiệm vụ của Luật này là quản lý, khai thác, bảo đảm sử dụng tài nguyên biển bền vững. Nên đưa các khái niệm về bãi đá, bãi ngầm, bãi san hô… đã qui định trong Luật Biển Việt Nam vào Dự thảo Luật này để kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo một cách hài hòa”.
Hơn nữa, theo phân tích của ông Trường, nếu có các quy định đó thì có thể lên án việc xây dựng các đảo trên biển vì làm biến dạng môi trường biển đảo, ảnh hưởng đến tài nguyên. Từ đó, có thể tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ tài nguyên môi trường trên biển, hải đảo cũng là bảo vệ quyền, chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta trên biển, hải đảo.
Nhiều ĐB tán thành quy định về trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo như Dự thảo, nhưng ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng, nội dung quy định trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan ngang bộ chưa đầy đủ, còn chung chung dễ dẫn đến chồng chéo trong quản lý.
Mặc dù Thủ tướng từng khẳng định không thành lập Bộ Kinh tế biển song tại phiên thảo luận, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) tiếp tục kiến nghị “thành lập Bộ Kinh tế biển để khai thác, quản lý hiệu quả một cách tập trung thay vì nhiều Bộ quản lý như hiện nay đối với ngành kinh tế đang chiếm 50% GDP và dự báo có thể tăng lên 55% GDP cả nước này”.
Trao đổi bên lề phiên thảo luận, một số ĐB cùng thể hiện quan điểm “Chính phủ phải trực tiếp quản lý các vấn đề về biển” chứ không đồng tình giao cho một Bộ, ngành nào quản lý. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề cập, nếu việc quản lý rời rạc, chưa đi vào quy củ thì kiến nghị Chính phủ chấn chỉnh. “Vấn đề quan trọng là thi hành nghiêm kỷ luật hành chính để tăng hiệu quả quản lý, chứ thành lập thêm một Bộ nữa mà điều hành không tốt, thiếu trách nhiệm thì càng không tốt” – ĐB bày tỏ.
Nhìn từ góc độ “biển không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia liên quan đến văn hóa, chính trị, tình cảm của người dân với biển”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, nên nghĩ đến vấn đề thành lập Bộ Kinh tế biển, nhưng trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, “vấn đề biển giao cho một Bộ, ngành thì thực sự rất khó khăn, mà phải do Chính phủ mới đủ tầm và đủ điều kiện cả về vật chất, quyền lực để quản lý, đủ tầm trong điều kiện mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia”.
Cũng theo ĐB Quyết Tâm, không phải Dự thảo ít gắn vấn đề kinh tế với chủ quyền trên biển mà việc đưa các vấn đề vào luật phải phù hợp, nếu không sẽ trở thành rào cản cho quá trình xử lý thực tiễn, nhất là vấn đề chủ quyền là vấn đề nhạy cảm, diễn biến khôn lường.
Còn ĐB Trương Minh Hoàng lại nhận xét, Dự thảo quy định khá toàn diện vấn đề kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, vì “gần như quan điểm xuyên suốt của chúng ta là phát triển kinh tế - xã hội chắc chắn gắn với quốc phòng an ninh, nếu mất cảnh giác thì nguy hại cho đất nước” – ông Hoàng nhấn mạnh.