Tài liệu hồ sơ được công bố cho thấy sau khi đưa ra lý do “nhận được tin báo, tố giác tội phạm”, một vị phó thủ trưởng cơ quan CSĐT công an tỉnh liên tục ký các công văn, giấy mời gửi không chỉ DN này, mà còn gửi các ngân hàng có hợp đồng tín dụng và các khách hàng, đối tác của DN … đề nghị đến làm việc, cung cấp hồ sơ tài liệu, trích xuất sao kê tài khoản.
Xác minh điều tra là thẩm quyền của cơ quan công an, phải được tôn trọng; nhưng vấn đề trong sự việc này, CQĐT đã có dấu hiệu lạm quyền, vi phạm tố tụng. Theo Điều 47 BLTTHS, sau khi nhận tố giác, trong thời hạn tối đa 4 tháng 20 ngày, nếu không phát hiện dấu hiệu tội phạm, CQĐT phải ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết. Ở đây, quá thời hạn này, CQĐT vẫn tiếp tục mời làm việc, phát công văn…
Các công văn của CQĐT này gửi các ngân hàng còn vô lý ở chỗ có nội dung “điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật trong huy động vốn, vay vốn”. Hiến pháp 2013 đã thể hiện rõ tư tưởng tôn trọng đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc người dân, DN được đầu tư, kinh doanh những gì pháp luật không cấm. BLHS 2015 đã bỏ các tội danh như “kinh doanh trái phép”; không quy định hành vi vay vốn, huy động vốn, góp vốn là tội phạm… và “chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Vậy vì sao đi điều tra hành vi “huy động vốn, góp vốn”?
Những động thái điều tra tiền tố tụng kiểu “hù dọa”, can thiệp thô bạo vào quan hệ giữa ngân hàng và DN như trên đã trực tiếp gây tâm lý lo sợ, e ngại, khiến các ngân hàng vì không muốn rắc rối mà cắt quan hệ, “tẩy chay” DN này. DN nạn nhân bị cô lập, cắt đứt với các nguồn vốn ngân hàng, lại còn bị đối tác đòi trả các khoản nợ chưa đến hạn, khó khăn thêm chất chồng.
DN này cũng bị sứt mẻ uy tín, gánh chịu thiệt hại khác khi khách hàng và các nhà đầu tư vì không muốn dây với DN “đang bị điều tra” mà có các động thái ngừng hợp tác kinh doanh. Đánh giá về hệ lụy của việc bị “điều tra” như trên, DN này ví von “bị dính một đòn triệt hạ”.
Tại Hội nghị với DN tổ chức ngày 9/5/2020, Thủ tướng khẳng định không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự. “Kiểm tra, thanh tra nhiều quá ảnh hưởng đến sự phát triển của DN”, Thủ tướng nêu rõ. Cũng tại sự kiện trên, Bộ trưởng Công an kiên quyết “chỉ đạo quán triệt, tuân thủ quan điểm nguyên tắc: Bộ Công an không có khái niệm hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự… tạo điều kiện tối đa để DN phát triển, cạnh tranh lành mạnh” và khẳng định sẽ xử lý nghiêm cán bộ chiến sỹ nhũng nhiễu, gây cản trở các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các DN.
Quan điểm trên của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ngành đã được nhiều lần khẳng định, nên sẽ rất khó có chuyện chính thức xảy ra một vụ “hình sự hóa dân sự” ở đây. Mọi chuyện có thể sẽ chỉ dừng lại ở mức độ “hù dọa”, lạm quyền như nêu trên. Thế nhưng chỉ với những động thái “nhẹ nhàng” đó mà DN đã “ngắc ngoải”, thì rất cần chỉ đích danh đó là một dạng biến tướng của “hình sự hóa dân sự”, cần lập tức ngăn chặn xử lý, tránh gây ra một tiền lệ xấu ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh, ngăn cản sự phát triển của đất nước.