Đi lên từ nắng, gió
Thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, tỉnh Ninh Thuận có khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng khô nóng, gió nhiều, nhiệt độ trung bình hàng năm trên 26oC, lượng mưa trung bình chỉ từ 700-800mm. Nếu xét về điều kiện tự nhiên đối với các loại cây nông nghiệp có thể coi là khắc nghiệt. Tuy nhiên cây nha đam lại được nông dân nơi đây tận dụng được lợi thế khí hậu, biến thành cây làm giàu trên vùng đất đầy nắng, gió và cát.
Vùng trồng nha đam tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. |
Theo chân người quản lý nhân sự Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm) thăm phòng cấy mô (lab) và quy trình chế biến nha đam gồm hàng chục công đoạn tại nhà máy rộng gần 2ha tại KCN Thành Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, mới cảm nhận được hành trình bền bỉ của người chủ doanh nghiệp. Giữa một vùng thừa nắng, gió, cát… hơn 10 năm trước nhà máy chế biến cây nha đam lớn nhất nước đã đặt viên gạch móng đầu tiên.
Nông dân Ninh Thuận thu hoạch nha đam. |
Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT VietFarm nhớ lại, sau nhiều lần khảo sát, công ty định hướng đây là vùng nguyên liệu lớn nên quyết định xây dựng nhà máy. Cây nha đam vốn được người dân địa phương trồng từ lâu, việc thay đổi tư duy của người nông dân khi thay cây nha đam vốn có thành cây giống sạch bệnh là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, phương thức canh tác của người dân vẫn đang xoay quanh cây nha đam truyền thống, chất lượng thấp, trong khi đầu ra thị trường nhất là thị trường nước ngoài đang ngày càng khắt khe đối với các sản phẩm nông nghiệp.
Tương tự Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận cũng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đối với phát triển nông nghiệp. Ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngành nông nghiệp đã xác định tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Điều này thể hiện rõ ràng ở giống cây thanh long - được biết đến như giống cây đặc trưng của địa phương, nhưng hiện nay loại cây “thoát nghèo” này đang dần bị thay thế khi thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, giá cả thất thường. Tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng, ông Dương Minh Quang (chủ nông trại Vy Vy Farm - xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) đã gặt hái thành công sớm khi đưa những giống nho ngoại về trồng trên đất cát.
Nhiều giống nho được người nông dân nhập về, nhân giống tại Bình Thuận. |
Ban đầu, như bao nông dân khác, ông Quang trồng thanh long để xuất khẩu sang Hàn Quốc, tuy nhiên không mấy thành công. Năm năm trước, ông Quang bắt đầu chuyển đổi diện tích sang trồng nho, sau một năm đã thu hoạch lứa đầu tiên và mỗi 4 tháng tiếp theo cắt trái một lần. Bình quân, mỗi sào trồng được 400 gốc nho.
“Ban đầu kỹ thuật chiết, chăm sóc nho còn khó, tôi phải thuê chuyên gia kỹ thuật từ Nhật với giá tiền rất cao, mỗi sào lên đến hàng trăm triệu đồng. Không chỉ vậy, các nước có giống nho chất lượng cao kiểm soát cây giống rất chặt chẽ, chúng tôi tìm mọi cách mới có thể mang những mắt nho về, thậm chí chịu phạt hàng chục triệu đồng chỉ để nhập một chùm nho về Việt Nam để lấy mắt”, ông Quang kể lại.
Dưa lưới trồng trong nhà kính có thể kiểm soát được độ lớn, độ ngọt, thơm, chất lượng cao hơn gấp nhiều lần so với loại dưa trồng theo cách cũ. |
Có đất, có giống nhưng thiếu nước khiến nhiều hộ nông dân trăn trở, ông Phạm Thanh Phương (ngụ TP HCM) – Chủ trang trại Tiên Phong Smart Farm cho hay: “trồng cây dưa sợ nhất là thiếu nước, có những thời điểm trúng hạn, nước tưới tiêu không đủ, hàng trăm cây dưa khô queo, tàn lụi mà đau xót, bao công sức coi như đổ bể, tính ra thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Thu quả ngọt
Sau hơn 10 năm gầy dựng trên mảnh đất Ninh Thuận đầy nắng – gió và cát, đến nay, VietFarm có công suất chế biến khoảng 140 tấn bẹ nha đam mỗi ngày, sản phẩm xuất khẩu đạt 40% đến 22 quốc gia trên thế giới, đến nhiều thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia vùng Trung Đông… Hơn 400 công nhân, toàn bộ là người địa phương, sau quá trình đào tạo đã trở thành lao động có kinh nghiệm, tay nghề với mức lương từ 6 – 10 triệu đồng/tháng, hưởng đầy đủ các chế độ của người lao động.
Chưa kể, VietFarm tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn người nông dân địa phương trồng cấy nha đam, tạo vùng trồng nguyên liệu ở các huyện: Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn, Ninh Hải, Phan Rang – Tháp Chàm, Bác Ái.
Sơ chế nha đam tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm). |
VietFarm có một bước tiến mới khi phòng lab ra đời. Đây là phòng lab duy nhất ở Việt Nam cấy mô cây nha đam, do Bộ Khoa học Công nghệ và UBND tỉnh Ninh Thuận tài trợ một phần chi phí, trang thiết bị. Từ đây, cây giống sạch bệnh đưa ra vườn ươm, sau đó cung cấp đến người trồng.
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, hàng chục năm trước đây và hiện nay bà con nông dân đã tự trồng cây nha đam theo giống cũ, hiện toàn tỉnh có khoảng 250 ha nha đam. VietFarm định hướng đến tháng 3/2025 đạt quy mô 30ha cây giống sạch bệnh và tiếp tục chuyển đổi trong những năm tiếp theo.
Phó Giám đốc sở NN&PTNT Bình Thuận Phan Văn Tấn cho biết, hiện nay, các mô hình được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã phần nào đáp ứng nhu cầu được tiếp cận các kiến thức về kỹ thuật canh tác tiên tiến của bà con nông dân, một số mô hình hiệu quả đã được bà con nông dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, áp dụng vào sản xuất như: mô hình ứng dụng đèn Led trên thanh long, mô hình sản xuất lúa theo phương pháp SRI, mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ), mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước....
Đơn cử như trang trại Vy Vy Farm (Bình Thuận), sau vài năm vừa học hỏi, vừa tìm hiểu, ông Dương Minh Quang đã tự chăm sóc được cây nho, nhân giống từ một vườn nay đã lên 4 vườn với các loại nho ngoại như Bailey, Mỹ đỏ, Mẫu đơn. Không dừng lại, ngoài thu hoạch nho trái, mỗi ngày vườn ông Quang thu hút hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức nông sản. “Tôi sẵn sàng chia sẽ giống cây, giúp bà con có thêm công việc, thu nhập ngoài mong chờ vào cây thanh long”, ông Quang nói.
Mỗi ngày vườn nho ông Quang thu hút hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức nông sản (ảnh: Vy vy Farm). |
Cách đó không xa là trang trại Tiên Phong Smart Farm, của ông Phạm Thanh Phương. Nhờ có kinh nghiệm trong việc canh tác nông nghiệp trong nhà kính, ông Phương đầu tư 28,5ha để trồng dưa lưới trong 48 nhà kính, mỗi nhà kính khoảng 1.200m2.
Theo ông Phương, mỗi tháng trang trại Tiên Phong Smart Farm của ông thu về khoảng 70 tấn dưa lưới, hiện giá dưa lưới thấp nhất khoảng 22.000/kg, doanh thu 1,5 tỷ đồng (trừ đi chi phí nhân công, điện, nước, chiếm 60% doanh thu). Ông chia sẻ, việc trồng dưa lưới trong nhà kính sẽ đảm bảo quá trình phòng, chữa bệnh hơn. Mỗi nhà kính sẽ trồng một đợt cây, một năm trồng được từ 3 đến 4 vụ tùy điều kiện thời tiết.
Ông Phạm Thanh Phương – Chủ trang trại Tiên Phong Smart Farm cùng sản phẩm dưa lưới trồng trong nhà kính. |
Dưa lưới trồng trong nhà kính có thể kiểm soát được độ lớn, độ ngọt, thơm, chất lượng cao hơn gấp nhiều lần so với loại dưa trồng theo cách cũ. Trong nhà kính, quy trình canh tác bài bản và khép kín, nếu một khu bị bệnh, kỹ thuật sẽ cách ly khu đó ra trong khoảng thời gian nhất định cho sâu bệnh hết vòng đời là tự diệt, sau đó trồng cây mới. Thu hoạch xong, đất được “nghỉ ngơi” sau khoảng thời gian nuôi cây, vừa đảm bảo không còn mầm bệnh sót lại trong đất.
Ông Phạm Văn Hậu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận:
Ninh Thuận có nhiều lợi thế cạnh tranh
So với các địa phương khác thời điểm này, Ninh Thuận khẳng định là một trong những tỉnh lợi thế về cạnh tranh, thu hút phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao so với địa phương khác.
Ông Phạm Văn Hậu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận. |
Lợi thế đó xuất phát từ ba nguyên nhân: Thứ nhất, nguồn nước dồi dào, với hệ thống hồ sông Cái và tổng thể toàn bộ diện tích 21 hồ tại địa phương, Ninh Thuận đã làm chủ 500 triệu khối nước phục vụ sản xuất. Hệ thống thủy lợi đang đầu tư hiện đại, luân chuyển nước giữa các hồ, đã hoàn thành 50%. Hệ thống này có thể kiểm soát được nước thất thoát, vừa kiểm soát được độ sạch của nước từ đầu đến cuối nguồn. Thứ hai, từ trước đến nay việc khai thác các vùng đất chưa cao, vì vậy quỹ đất còn lớn, các tác động lên đất như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có, gần như độ sạch của đất còn nguyên vẹn. Thứ ba, Ninh Thuận là địa phương có lượng bức xạ cao, nắng nhiều, độ ẩm thấp nên các vấn đề sâu bệnh được giảm thiểu, vì vậy việc sử dụng các loại thuốc tác động vào quá trình sản xuất ít, thậm chí không cần. Thời tiết như thế tạo lợi thế cho các loại cây trồng phù hợp với các loại khí hậu nắng nóng phát triển rất tốt, ví dụ như táo, nho, măng tây, nha đam.
Tất cả những yếu tố đó tạo nên sức cạnh tranh riêng cho nông nghiệp Ninh Thuận. Câu chuyện hiện nay là tìm doanh nghiệp đủ mạnh, đủ lớn và với cơ chế làm sao kết nối được quá trình sản xuất để hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn và xây dựng hỗ trợ, bổ sung nhà nước về công nghệ, thương hiệu, chỉ dẫn địa lí và xây dựng mã vùng phát triển cũng như xúc tiến các hoạt động thương mại khác thì nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận sẽ phát triển mạnh.