Bình Định nỗ lực kết nối thương mại điện tử, thúc đẩy phân phối sản phẩm địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, thương mại điện tử đã và đang tạo ra những cơ hội to lớn trong việc nâng cao giá trị các sản phẩm tiêu biểu của cả nước nói chung và tỉnh Định nói riêng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định.
Ông Ngô Văn Tổng Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định.
Ông Ngô Văn Tổng Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định.

- Thưa ông, xin ông cho biết hoạt động thương mại điện tử của tỉnh Bình Định trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực như thế nào?

Ông Ngô Văn Tổng: Tính đến tháng 9/2024, chỉ số thương mại điện tử tỉnh Bình Định đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố; tăng 2 bậc so năm 2023 (28/63 tỉnh, thành phố); xếp thứ 6/15 tỉnh, thành thuộc miền trung-Tây Nguyên. Trong đó, chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh Bình Định năm 2024 đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố; tăng 4 bậc so năm 2023 (19/63 tỉnh, thành phố); xếp thứ 5/15 tỉnh, thành miền trung-Tây Nguyên.

Chỉ số giao dịch doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) tỉnh Bình Định năm 2024 đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố; tăng 3 bậc so năm 2023 (33/63 tỉnh, thành phố); xếp thứ 4/15 tỉnh, thành miền trung-Tây Nguyên.

Trong đó, Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ 45 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh xây dựng website TMĐT; hỗ trợ 40 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ 20 doanh nghiệp tham gia sàn TMĐT lớn của thế giới; 8 doanh nghiệp xây dựng, sử dụng chương trình tối ưu hóa hoạt động quản lý nội bộ của doanh nghiệp thông qua các công cụ e-busines...

Bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh Bình Định vào vận hành

Bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh Bình Định vào vận hành

- Để đạt được những kết quả tích cực như trên, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã có những hoạt động gì nhằm đẩy mạnh, tăng cường bán hàng Việt thông qua kênh thương mại điện tử?

- Giai đoạn 2023- 2024, Sở Công thương đã tiến hành tập huấn phổ biến kiến thức phát triển nguồn nhân lực TMĐT cho cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong tỉnh; xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Định; cũng như nâng cấp, duy trì Website thương mại điện tử kết nối giao thương giữa Bình Định và các tỉnh phía Nam nước Lào.

Triển khai thực hiện duy trì phần mềm Bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh Bình Định, đồng thời hỗ trợ 10 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Hỗ trợ 10 doanh nghiệp xây dựng website TMĐT; 02 doanh nghiệp ứng dụng TMĐT thông qua các công cụ kinh doanh điện tử (e-business) và 05 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đủ điều kiện, có sản phẩm đạt các chứng nhận OCOP phát triển qua sàn TMĐT Shopee để tập trung hỗ trợ, xây dựng điển hình nhằm dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn TMĐT.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng hỗ trợ cung cấp, cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và danh bạ doanh nghiệp xuất khẩu trên Cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam – VietnamExport.

Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương rà soát, tổng hợp đăng tải, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người dùng qua các website https://vietlao.vn/, https://bandohangvietbinhdinh.vn/ và đăng tải danh sách các sản phẩm OCOP của tỉnh trên website của Sở Công Thương… Tính đến nay, toàn tỉnh có 223 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, đạt 100%.

- Thưa ông, việc phối hợp với các Bộ, ngành địa phương trong thời gian qua đã tác động như thế nào tới hoạt động phân phối các sản phẩm tỉnh Bình Định trên các sàn thương mại điện tử?

- Có thể nói, với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các UBND tỉnh, các Sở Ban ngành, sự kết nối, hỗ trợ từ Bộ Công Thương, các Bộ ngành Trung ương và sự chung tay từ các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp logistic, tổ chức tài chính hay giải pháp số… việc phân phối sản phẩm của doanh nghiệp Bình Định nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung trên các nền tảng trực tuyến đã bài bản quy trình hơn, các giải pháp số trong nông nghiệp đa dạng hơn và dần nâng cao được giá trị các sản phẩm tiêu biểu của địa phương, nâng cao kỹ năng về thương mại điện tử, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy sự chủ động của doanh nghiệp địa phương ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhằm hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Sở Công thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị đối tác liên quan tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử và các hoạt động phát triển thị trường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm Việt.

Trong đó, có thể kể đến Hội nghị tập huấn và kết nối thương mại điện tử với doanh nghiệp Bình Định và các tỉnh Miền Trung năm 2022 với sự tham gia của các Sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Voso, Postmart...

Hội nghị đã tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng kỹ năng xúc tiến phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; ứng dụng các giải pháp ngân hàng số, thanh toán số và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia gian hàng Việt trực tuyến; các giải pháp quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ trên hệ thống iCheck để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển sản xuất, kinh doanh theo các mô hình hiện đại.

Và gần nhất vào sáng ngày 24/9/2024, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định phối hợp Bộ Công thương tổ chức "Hội thảo hướng dẫn, định hướng kết nối doanh nghiệp với các doanh nghiệp thương mại điện tử trong cả nước phát triển thị trường thông qua thương mại điện tử cấp khu vực miền trung-Tây Nguyên".

Chương trình không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương được tiếp cận thị trường trong nước mà còn mở ra những tiềm năng lớn hơn cho hoạt động xuất khẩu, nhất là với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

- Trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm