UBND quận phủ nhận vụ phá rừng ở Sơn Trà?

(PLO) -Ngày 26/2, UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) có văn bản báo cáo UBND TP. Đà Nẵng tình hình liên quan đến phản ảnh về việc chặt, phát cây rừng tại bán đảo Sơn Trà.
Hình ảnh rừng Sơn Trà bị chặt phá
Hình ảnh rừng Sơn Trà bị chặt phá

Theo  báo cáo, sau khi nhận được thông tin của công dân phản ánh việc chặt, phát cây rừng trên bán đảo Sơn Trà làm ảnh hưởng đến môi trường sống của loài Voọc chà vá chân nâu, trưa 24/2, UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo UBND phường Thọ Quang cùng các cơ quan chức năng liên hệ cá nhân này để nắm thông tin và đi xác minh thực tế.

Tuy nhiên, vì trời tối, địa hình khó khăn nên đoàn dời buổi làm việc sang hôm sau.

Văn bản của các lực lượng chức năng cho thấy đã phủ nhận hoàn toàn thông tin phá rừng mà người dân cung cấp nhiều ngày qua
Văn bản của các lực lượng chức năng cho thấy đã phủ nhận hoàn toàn thông tin phá rừng mà người dân cung cấp nhiều ngày qua

Sáng 25/2, UBND quận Sơn Trà phối hợp cùng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị và các đơn vị chuyên môn đi kiểm tra, xử lý tại hiện trường (PLVN đã thông tin). Qua kiểm tra cho thấy vụ việc xảy ra tại khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa mở rộng và khu vực khu du lịch sinh thái biển bãi Bắc mở rộng, thuộc tiểu khu 62, rừng bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).

Tại khu du lịch sinh thái biển bãi Bắc mở rộng, thấy có lực lượng chức năng, nhóm công nhân được thuê phá rừng vội gói ghém đồ rồi lên 1 xe ô tô 4 chỗ mang biển Sài Gòn chở đi.

Còn tại khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa mở rộng, lực lượng công an phát hiện có 5 người đang chặt phá rừng. 5 người này cho biết được thuê  phá rừng, công trả mỗi ngày 250.000 đồng bao ăn uống. Đi sâu vào rừng kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một lán trại lớn được làm bằng tôn để các công nhân được thuê ở. Đáng nói, tiểu khu 62 rừng bán đảo Sơn Trà nằm ngay bên đường thảm nhựa vào khu du lịch Bãi Cát Vàng và lực lượng kiểm lâm cũng thường xuyên tuần tra trên các tuyến đường này. Thế nhưng, việc chặt cây, phá rừng diễn ra từ trước Tết nguyên đán cả tháng vẫn không ai hay biết.

Thực tế, cây đã bị chặt hạ chứ không phải dây leo như báo cáo
Thực tế, cây đã bị chặt hạ chứ không phải dây leo như báo cáo

Qua xác minh, hai khu vực này thuộc diện nhận giao khoán đất trồng rừng cho ông Phan Hùng Mạnh và ông Lê Văn Tâm (đều ngụ Đà Nẵng).

Trong báo cáo của quận cho thấy, trường hợp ông Phan Hùng Mạnh được giao khoán đất trồng rừng tại Tiểu khu 64. Tại hiện trường, hộ ông Mạnh có phát quang cây bụi và dây leo từ khu vực suối Om về phía Bắc với chiều dài khoảng 200m, chiều sâu từ 20- 30m và có tập kết một số cây xoài, mít giống để chuẩn bị trồng.

Trường hợp ông Nguyễn Văn Tâm được giao khoán 7ha đất để trồng rừng tại Tiểu khu 62. Ông Tâm đã ủy quyền cho ông Lê Việt Hồng được sử dụng 1,5ha rừng của mình vào ngày 6/2/2016. Tại hiện trường, hộ ông Hồng cũng có phát quang cây bụi, dây leo (diện tích phát quang đang được Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn xác định), xây dựng lán trại và mở đường với chiều dài khoảng 300m, nơi rộng nhất khoảng 2,5m từ đường bê tông đến khu vực lán trại. Đến trưa ngày 25/2, các lực lượng chức năng đã lập biên bản và tổ chức tháo dỡ xong lán trại xây dựng trái phép của ông Hồng.

Chiều cùng ngày, UBND phường Thọ Quang tiếp tục chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan mời các ông Nguyễn Văn Tâm, Lê Việt Hồng và Phạm Hùng Mạnh lên làm việc. Tại đây, các cơ quan chức năng đã yêu cầu hộ ông Nguyễn Văn Tâm và ông Lê Việt Hồng dừng ngay việc phát rừng và vận chuyển vật dụng dùng để làm lán trại ra khỏi khu vực đất trồng rừng trước 17h ngày 27/2.

Đồng thời yêu cầu hai hộ này thực hiện biện pháp khắc phục bằng cách trồng cây theo quy định và hướng dẫn của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn, bắt đầu từ đầu đường bê tông đến lán trại. Thời gian hoàn thành đến hết ngày 10/3. Trường hợp hai hộ này không thực hiện, UBND phường Thọ Quang sẽ tham mưu UBND quận Sơn Trà thu hồi hợp đồng giao khoán đất. Ngoài ra, đối với các lao động làm thuê cho hộ ông Hồng, giao Trưởng Công an phường Thọ Quang xử lý theo quy định của Luật Cư trú.

Cũng từ báo cáo của UBND quận Sơn Trà, hai trường hợp này thuộc hộ giao khoán đất trồng rừng trên đất khác, đang trong giai đoạn Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn bàn giao cho UBND phường Thọ Quang quản lý (mới bàn giao trên giấy tờ chứ chưa bàn giao giao trên thực địa). Như vậy, với báo cáo “chỉ phát quang bụi rậm trên đất khác”, UBND quận Sơn Trà đã phủ nhận hoàn toàn thông tin “phá rừng” cũng như hướng xử lý trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm và UBND phường Thọ Quang.

Đáng nói, hướng xử lý này đang khiến dư luận tỏ ra bất bình.

PLVN tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đọc thêm