Theo phản ảnh của người dân ở xã An Hòa (huyện An Lão): Gần đây, không hiểu vì sao hầu hết các phương tiện ô tô tải chở keo, mì (trong đó chủ yếu là keo) từ An Lão đi thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) và TP.Quy Nhơn lại rủ nhau hoạt động vào… ban đêm. Tầm 19, 20 giờ trở đi, hàng chục chuyến xe nối đuôi nhau lưu thông trên tỉnh lộ 629 để vận chuyển hàng hóa đến nơi tiêu thụ. Đường chật hẹp, xe hoạt động lúc trời tối lại chạy với tốc độ khá cao nên rất nguy hiểm; nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông luôn rình rập người và các phương tiện khác khi lưu thông trên đường.
Từ phản ảnh của người dân, chúng tôi tìm đến tỉnh lộ 629 - đoạn trước cổng chào huyện An Lão - để “mục sở thị” hiện tượng trên. Tại đây, chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đếm được gần 60 lượt xe tải vận chuyển keo, mì lưu thông trên đường với tốc độ rất nhanh. Điều đáng nói, bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy hầu hết các phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải. Đặc biệt, nhiều chủ xe cơi nới thùng xe bằng cách cắm 2 bên thùng những khúc gỗ cao, rồi buộc quanh bằng một sợi dây không chắc chắn để chở nhiều hàng hơn.
Anh Nguyễn Văn Thọ, người dân ở xã An Hòa cho biết: Do đường hẹp, lại có nhiều khúc cua nên khi những chiếc xe chở keo xuất hiện, người đi đường phải lập tức tấp vào lề để né. Đáng ngại, các phương tiện đều vận chuyển khối lượng lớn gỗ keo, chạy rất nhanh, thậm chí còn tranh nhau chạy nên rất nguy hiểm. Người điều khiển xe gắn máy lưu thông trên đường, nếu thiếu quan sát thì rất dễ xảy ra tai nạn.
Vi phạm và xử phạt chưa tỷ lệ thuận?
Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tá Mạc Đình Phong, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện An Lão) thừa nhận: Tình trạng xe tải chở keo, mì hoạt động nhiều vào ban đêm trong thời gian qua là có thật. Thực tế, các chủ phương tiện đều chọn “giờ vàng” để hoạt động nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Từ đầu tháng 1/2015 đến nay, Đội Cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát trật tự giao thông; trọng tâm là kiểm tra, xử lý các phương tiện chở hàng hóa quá khổ, quá tải. Kết quả, từ ngày 1/1 đến ngày 12/3/2015, lực lượng đã phát hiện 27 trường hợp ô tô tải vi phạm; lập biên bản và xử phạt hành chính 25 trường hợp, với số tiền 15,6 triệu đồng.
Có thể thấy, so với những gì diễn ra trong thực tế, số trường hợp ô tô tải vi phạm mà lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý còn khá “khiêm tốn”. Câu hỏi được dư luận đặt ra: Liệu các trường hợp đã bị xử lý có tương xứng với thực tế mà lượng xe chở keo, mì đang hoạt động trên tỉnh lộ 629 trong thời gian qua?