Biết không đúng chuẩn vẫn cố làm?
Dự án xây dựng nghĩa trang nhân dân thị xã Dĩ An đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt từ năm 2004 với diện tích lên tới 10ha tọa lạc tại phường Tân Bình, thị xã Dĩ An. Dự án đã thu hồi đất của nhiều hộ dân, nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì mà địa phương này lại “xẻo” mất 6,5ha trong phần đất nghĩa địa này để giao cho một doanh nghiệp sử dụng xây dựng nhà máy. Vậy là nghĩa trang chỉ còn lại 3,5ha được đưa vào hoạt động chính thức từ năm 2008 tới nay.
Điều đáng nói là 6,5ha bị “bốc hơi” đó được quy hoạch nằm khá xa so với khu dân cư lâu đời cũng như khu dân cư mới của dự án Bicosin hiện nay. Thế nhưng để bù vào số đất tự dưng bị “xẻo” ấy, năm 2013, UBND tỉnh Bình Dương đã đồng ý cho thị xã Dĩ An mở rộng nghĩa trang thêm gần 5,2ha tiến về phía gần khu dân cư khiến hàng trăm hộ dân xung quanh vô cùng bức xúc, bởi nghĩa trang này chủ yếu là dùng để chôn cất một lần.
“Lúc đó chúng tôi nghe người ta giới thiệu khu đó (giờ là nghĩa trang) sẽ mở chợ, siêu thị, trường học gì đó. Gia đình tính mua lô để “đón gió” mai mốt sẽ gần chợ buôn bán cho thuận tiện, nhưng sau một thời gian tự dưng thấy xe tang từ đâu ùn ùn kéo về ngày một đông thì chúng tôi mới tá hỏa vì cạnh nhà mình là bãi tha ma chứ không phải chợ, trường học gì cả. Ai cũng bức xúc, thất vọng, nhưng tự an ủi mình rằng với diện tích 3,5ha thì chắc chôn được vài năm rồi họ sẽ đóng.
Vậy nhưng năm 2014, chúng tôi nghe tin động trời là nghĩa trang này lại được tiếp tục mở rộng thêm gần 5,2ha nên hàng trăm hộ dân họp bàn gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Chúng tôi đề nghị, nếu địa phương mở rộng nghĩa trang thì phải có phương án di dời các hộ dân đến chỗ khác, nếu không thì phải ngưng dự án…”- bà Lê Thị Xuân- Tổ trưởng hội phụ nữ tổ 14, khu phố Tân Thắng, phường Tân Bình bức xúc.
Không chỉ có hội phụ nữ mà các cựu chiến binh ở đây cũng kiên quyết phản đối, đề nghị chính quyền địa phương xem xét lại. “Đây là khu đô thị mà, chứ đâu phải vùng sâu vùng xa chứ. Chỗ khác người ta đang ráo riết di dời nghĩa trang ra khỏi khu đô thị để tránh ô nhiễm và phù hợp với cảnh quan đô thị, vậy mà thị xã Dĩ An lại không ngừng mở rộng nghĩa trang ở trong khu dân cư.
Hồi gia đình tôi về đây mua đất thì chỗ đó là một rừng cây xanh mát. Giờ đây suốt ngày phải chịu tiếng xe cộ, kèn trống inh ỏi, vàng mã, rác rưởi từ đám ma thải ra tung tóe khắp nơi thì ai mà chịu được. Tuổi già muốn yên bình để nghỉ ngơi, vậy nhưng thấy cảnh thế này nên gia đình chúng tôi đành phải rao bán nhà để đi chỗ khác, nhưng khổ nổi treo bảng cả năm nay nhưng cũng chẳng ai mua vì họ cho rằng nhà nằm sát với nghĩa địa thì không làm ăn được gì, lại còn ô nhiễm về sau…”- cựu chiến binh Vũ Xuân Ký 72 tuổi ở khu phố Tân Thắng, phường Tân Bình bày tỏ.
|
Bức xúc vì mở rộng nghĩa trang, cựu chiến binh này quyết tâm bán nhà nhưng không ai mua. |
Trước bức xúc của hàng trăm hộ dân, cuối năm 2014, UBND thị xã Dĩ An có công văn phúc đáp rằng, việc mở rộng nghĩa trang này không đảm bảo các quy định về quy hoạch, xây dựng nghĩa trang theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành. Vấn đề kiến nghị của bà con nhân dân là đúng.
Tuy nhiên thị xã Dĩ An biện minh rằng do diện tích đất tự nhiên trên địa bàn phần lớn đã được quy hoạch sử dụng nên không thể tìm được chỗ nào khác để làm nghĩa trang, do đó thị xã vẫn sẽ tiếp tục thực hiện dự án.
Cho rằng địa phương bất chấp các quy định để mở ộng nghĩa trang, mới đây, bà con nhân dân quanh dự án đã gửi đơn cầu cứu tới Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như nhiều cơ quan, ban ngành từ trung ương tới địa phương.
Người dân phía Đồng Nai cũng kêu cứu
Không chỉ có người dân thuộc Bình Dương ra sức cầu cứu, mà rất nhiều hộ dân ở ấp Bình Hóa, xã Hóa An của thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ở gần dự án này cũng rất bức xúc. “Bao nhiêu đời nay chúng tôi đã sống ở đây, sử dụng nguồn nước ngầm chảy ra từ ngọn đồi này, vậy mà giờ họ mở rộng nghĩa trang trên đó thì chúng tôi sao mà sống được?
Có ai dám cam đoan rằng khi hàng ngàn ngôi mộ được chôn nằm trên đồi nằm trên cao kia sẽ không gây ô nhiễm gì đến nguồn nước, không khí mà chúng tôi đang sử dụng? Nếu họ vẫn kiên quyết làm thì phải di dời chúng tôi đi nơi khác, chứ không thể để chúng tôi sống dưới nghĩa địa thế này được…”- ông Đinh Hữu Lộc- tổ trưởng tổ 14B, ấp Bình Hóa, xã Hóa An, Đồng Nai phản ứng.
Dù việc mở rộng nghĩa trang đã bị người dân phản ứng gay gắt khiến cả huyện, tỉnh và trung ương đều biết. Thế nhưng trao đổi với chúng tôi, vị Chủ tịch phường Tân Bình- Đặng Văn Năm lại cho rằng chưa hề nghe phản ánh của người dân. Ông còn cho rằng dự án này rất được người dân ủng hộ, vì nơi này đất cao, có vị thế đẹp nên ai cũng muốn đưa người thân qua đời tới đây an táng?
|
Hội phụ nữ ở khu phố Tân Thắng làm đơn đề nghị xem xét lại dự án. |
Ngày 5/3/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2008/NĐ-CP về xây dựng quản lý sử dụng nghĩa trang. Trong đó quy định rất cụ thể về việc quy chuẩn xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang để đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị.
Cũng trong năm 2008, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 04/2008/QĐ-BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng quy định: Nghĩa trang hung táng, nghĩa trang chôn cất một lần không được bố trí trong nội thị. Các nghĩa trang hiện có trong đô thị không đạt tiêu chuẩn môi trường phải ngừng sử dụng và có kế hoạch di chuyển. Khoảng cách an toàn về môi trường (ATVMT) nhỏ nhất từ nghĩa trang đến đường bao khu dân cư, trường học, bệnh viện, công sở... tối thiểu của nghĩa trang hung táng là 1.500m khi chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng, và 500m khi có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng (đối với vùng đồng bằng...).
Như vậy, đối chiếu với những quy định trên thì dự án mở rộng nghĩa trang nhân dân thị xã Dĩ An không đáp ứng đầy đủ các điều kiện về khoảng ccahs cũng như việc chôn cất một lần trong khu đô thị.
Người dân đang tha thiết mong chờ cơ quan chức năng vào cuộc xem xét lại dự án này để đảm bảo về an toàn vệ sinh môi trường cũng như cảnh quan đô thị cho một địa phương đang phát triển mạnh mẽ như Dĩ An ngày nay./.