Càng gần thánh càng phải đặt nhiều tiền?
12h đêm, trong cái lạnh có khi xuống dưới 10 độ, Hà Nội yên ắng và lạnh lẽo đến ghê người. Thảng mới có một vài chiếc xe máy vê ga một cách vội vàng trên đường khuya cùng những cô gái “ăn sương” ế ẩm ngồi co ro ở các xó tường rít thuốc liên tục để sưởi ấm.
Thế nhưng, ở 1 con ngõ nhỏ trên phố Lạc Trung, chỉ cách con đường tịch lặng kia vài chục bước chân, không khí lại rộn ràng, đèn đóm đủ màu sắc. Cũng chẳng lạ, hầu đồng ở đâu chẳng ồn ào, rực rỡ. Nhưng hầu đồng vào cái giờ oái oăm (12h đêm) và ngay trong một con phố mà bình thường vẫn tấp nập thì giờ tôi mới thấy.
Dân làm ăn tin vào sao chiếu mệnh, và đã rải hàng chục triệu cho "thầy" mà không tiếc (Ảnh minh họa) |
Anh bạn Hoàng Nam, người dẫn tôi đến nhà thầy Tr. để hầu đồng vốn là dân kinh doanh, lại khá đồng bóng và mê tín. Mấy năm nay, cứ độ gần rằm tháng Giêng, anh Nam lại tìm đến thầy Tr. để “hầu”. Theo như lời gã: Thầy này “thiêng” lắm. Đất đai, nhà cửa, xe cộ của tao là do thầy giúp cả đấy”.
Cũng không phải lần đầu đi xem hầu đồng, nhưng cái nơi hầu đồng của thầy Tr. đã khiến tôi rất ngạc nhiên. Nam gọi đó là phủ, nhưng đó chỉ là căn phòng thờ chỉ rộng chưa đến 30m2. Căn phòng được trải những tấm chiếu mang đậm dấu ấn của thời gian, đến độ có lẽ chỉ cần rũ một cái sẽ văng thành 2 – 3 mảnh. Trên những tấm chiếu ấy, người ngồi la liệt, trông mặt ai cũng đầy vẻ đăm chiêu.
Là khách “ruột”, nên chẳng đợi lâu, Nam và tôi đã được diện kiến thầy. Thầy có lẽ cũng đã qua cái tuổi nghỉ hưu của nhà nước, nhưng sắc diện còn phương phi lắm. Đã thế, thầy lại diện áo dài đỏ, trông càng đạo mạo.
Sau đôi 3 câu hỏi thăm kiểu “tết vui chứ?”, Nam vào đề ngay: “Cả con và bạn con năm này đều có sao xấu chiếu vào. Thầy cho bọn con được châm tuần hương đầu lấy lộc”.
Thế là bó hương to được châm, khói bay mùi mịt, thơm nức, ngột ngạt khắp căn phòng. Vừa mới châm hương xong, tôi còn chưa biết phải làm gì tiếp theo thì hàng chục “đệ tử” xung quanh đã vội khấn vái lầm rầm, khiến tôi ù hết cả tai cũng chẳng hiểu nổi nội dung.
Tiếp theo tới phần viết sớ và đặt lễ. Nam “chi” tất cả, đặt lễ cho cả phần của tôi. Chẳng biết cụ thể số tiền Nam đặt lễ là bao nhiêu, nhưng nhìn vào xấp tiền 500 ngàn đồng được đặt lên khay cũng đủ để tôi giật mình.
Sau khi được xếp vào chỗ “đẹp”, Nam thủ thỉ vào tai tôi: “Ở nơi khác, 500 ngàn – 1 triệu đồng đặt lễ là “căng”, còn ở đây, phải gấp cả chục lần. Lúc nãy, anh đặt 10 triệu, cũng chưa phải nhiều đâu. Lễ ở đây hội tụ đủ các yếu tố giờ đẹp, ngày đẹp và cơ hội được “diện” thánh gần nhất nên tiền cũng phải khác”.
Bỏ tiền chục triệu, thụ lộc trăm ngàn
Khi mọi thủ tục ban đầu xong xuôi, một đệ tử đứng dậy đọc sớ cho các gia chủ. Ban đầu, còn nghe ra chữ nghĩa, sau thì 2 tai tôi cứ như đang nghe ngoại ngữ, không hiểu gì. Các “con nhang” vẫn cứ tha hồ khấn vái lầm rầm.
Sau phần sớ là màn nhập đồng được chờ đợi. Mâm lễ được các đệ tử của thầy chuyển lên với đầy đủ hoa quả, rượu, bánh… và tất nhiên là cả tiền mặt.
Anh bạn tôi bảo, lúc này mới là lúc để các đệ tử thể hiện sự thành tâm. Cúng càng nhiều, lộc về càng ê hề. Vì thế các mâm lễ mâm lễ có toàn các tờ tiền mệnh giá cao 200 ngàn – 500 ngàn đồng.
Càng nhiều lễ, thầy lại như được tiếp thêm sức lực, lê đồng càng hăng. Thầy thì quay cuồng nhảy múa, trò thì phụ họa đàn ca, các gia chủ thi nhau rút tiền dâng lễ. Các làn điệu từ ca trù đến quan họ, chầu văn, chèo đều được thầy mang ra biểu diễn và đến lúc thầy đuối sức thì chỉ phều phào các làn điệu…tự do.
Tất nhiên, thấy cảnh tượng càng lúc càng “bi hài” như vậy, tôi vội móc điện thoại ra định làm vài kiểu ảnh. Biết ý tôi, anh Nam ngăn: Đừng dại, ở đây toàn dân anh chị, cờ bạc, lô đề cả đấy”.
Nam giải thích thêm, theo quan niệm mỗi người vào mỗi năm đều có một ngôi sao chiếu mệnh, với 9 ngôi sao (tốt, trung bình, xấu) luân phiên nhau chiếu vào chủ mạng. Cũng chính vì thế, việc sắm lễ giải hạn đầu năm đã trở thành một việc bắt buộc đối với người "làm ăn". Tuy nhiên, nếu như những người dân bình thường hay dâng sao giải hạn tại các đình, chùa, thì dân anh chị, giới đỏ đen hay hiểu nôm na là những người trong giới "tệ nạn” lại đến những phủ như phủ thầy Tr.
Thế là tôi đành phải ngồi chịu trận xem hầu đồng. Chẳng hiểu lộc bao giờ về, nhưng ai ai cũng thành tâm, khấn vái lia lịa theo điệu của thầy.
Thành tâm nhất cũng là lúc thầy “ban lộc” cho đám đệ tử, mọi người chen nhau xúm lại càng gần thầy càng tốt. Sau 1 vòng lầm rầm, các tờ tiền 1 ngàn – 20 ngàn đồng chẳng biết thầy lấy ở đâu ra ban hết. Mọi người xúm xít nhặt càng nhiều để cho có thật nhiều lộc. Còn những tờ tiền mệnh giá cao thầy giữ lại cả, gọi là để "trấn phủ". Đám đệ tử vừa bỏ có khi cả chục, vài chục triệu vào lễ, giờ được ban lại chưa được 100 ngàn nhưng mặt mũi ai nấy rất mãn nguyện.