Bộ GTVT có nên chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư thu phí tự động không dừng?

(PLVN) - Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thu phí tự động không dừng là chủ trương của Chính phủ, được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, không phải dự án mang tính kinh doanh đơn thuần. Ngoài ra, việc thiếu hụt doanh thu hiện nay của thu phí tự động không dừng không phải do nguyên nhân từ nhà đầu tư. Do đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Chính phủ nên chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư để dự án sớm về đích.
Thu phí tự động không dừng là chủ trương của Chính phủ nhằm minh bạch doanh thu BOT giao thông

Lỗ doanh thu không do nhà đầu tư

Dự án thu phí tự động không dừng (ETC) được Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (Công ty VETC) thực hiện từ năm 2014. Tuy nhiên, đến nay doanh thu của dự án thu được chỉ đạt khoảng 10% so với phương án tài chính khiến khoản lỗ lũy kế đến 30/9/2019 đã lên đến 300 tỷ đồng.

Trao đổi với PLVN, đại diện Công ty VETC khẳng định, đơn vị luôn cố gắng hoàn thành dự án, chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Tuy nhiên, đến nay Công ty VETC đã lỗ lên đến 300 tỷ đồng. Nhà đầu tư dự án là Công ty Cổ phần TASCO đã phải cung ứng vốn cho Công ty VETC số lỗ lũy kế trên để bù đắp dòng tiền, duy trì công tác vận hành. Theo tính toán, đến hết năm 2020 có thể lỗ lũy kế 580 tỷ đồng.  “Các Cổ đông không đồng thuận việc tiếp tục đầu tư, cung cấp vốn cho Dự án”, đại diện Công ty VETC cho biết.

Trước tình trạng đó, để tiếp tục thực hiện dự án, Công ty VETC đã đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của Hợp đồng. “Vì việc thiếu hụt doanh thu và dòng tiền không phải do nguyên nhân từ nhà đầu tư TASCO và Công ty VETC”, đại diện VETC khẳng định. Đơn vị này cũng cho biết, nếu Bộ GTVT không chia sẻ rủi ro, Công ty VETC kiến nghị Bộ này lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai.

Trong thông cáo báo chí ngày 14/11, Công ty VETC cho biết, thời gian qua Bộ GTVT đã rất nỗ lực cùng với Công ty VETC triển khai các công việc thuộc Dự án, tuy nhiên kết quả thực hiện không đạt được mục tiêu đã đề ra, tiến độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc rất chậm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện, vận hành Dự án. 

Theo VETC, một số nhà đầu tư BOT ở cửa ngõ các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chưa triển khai đầu tư hệ thống thu phí không dừng để kết nối với trung tâm dữ liệu của Dự án, đặc biệt là các trạm trên các tuyến đường cao tốc; một số nhà đầu tư BOT chưa ký Phụ lục hợp đồng, hợp đồng dịch vụ; một số thì không bàn giao làn thu phí để Công ty VETC thực hiện đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng; số khác thì không trả phí dịch vụ cho Công ty VETC mặc dù trạm đã hoàn thành đầu tư và được Bộ GTVT nghiệm thu theo quy định. “Những khó khăn này dẫn đến doanh thu không đạt, lỗ lũy kế ngày càng tăng, trong khi nguyên nhân không đến từ chúng tôi”, đại diện Công ty VETC nói.

Tại sao nhà đầu tư cần được chia sẻ?

Theo tìm hiểu của PLVN, Dự án thu phí tự động không dừng là Dự án đầu tư nhằm thực hiện chủ trương thu phí tự động không dừng trên toàn quốc của Chính phủ theo hình thức xã hội hóa, không phải là một dự án mang tính kinh doanh đơn thuần. Nhà đầu tư chỉ hưởng lợi nhuận định mức trên phần vốn chủ sở hữu thực tế góp vào dự án, vì vậy việc không đảm bảo được doanh thu theo phương án tài chính đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính khả thi của Dự án.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, những dự án được Chính phủ quyết định, có tính cấp bách phải triển khai, mà nguồn thu dự án lại chưa chắc chắn, thì trường hợp đó cần được chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. “Theo tôi, dự án thu phí tự động không dừng cũng là một dự án cần được chia sẻ rủi ro”, ông Cường nói và giải thích, đây là dự án thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, nhằm kiểm soát các trạm BOT để làm sao các trạm này minh bạch. Như vậy đây là một dự án bắt buộc, được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, doanh thu của nhà đầu tư lại quá thấp, dẫn đến lỗ, mà nguyên nhân đến không do từ chủ đầu tư thì cần được chia sẻ rủi ro.

Trong khi đó, Bộ GTVT cho biết, sau khi xem xét đề xuất của Công ty VETC, Bộ GTVT không đồng thuận giải pháp dừng triển khai dự án hoặc Nhà nước tiếp nhận lại dự án; đồng thời Bộ yêu cầu Công ty VETC có trách nhiệm tiếp tục thực hiện Hợp đồng đã ký kết với Bộ GTVT. Bộ GTVT cũng cho biết, sẽ phối hợp với VETC và các đơn vị liên quan từng bước tháo gỡ các khó khăn vướng mắc với quyết tâm cao để hoàn thành Dự án. 

Trước động thái này của Bộ GTVT, trả lời PLVN hôm 15/11, đại diện Công ty VETC cho biết: “Chúng tôi muốn Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cùng chúng tôi bàn với nhau để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sớm đưa dự án về đích. Khó khăn thì cùng chia sẻ, tháo gỡ”.

Dự án đang triển khai ra sao?

Theo Bộ GTVT, giai đoạn 1 của Dự án thực hiện tổng số số 44 trạm, gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Đến nay, đang lắp đặt, vận hành 25/26 trạm trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (01 trạm chưa lắp đặt do phải di dời vị trí) và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác. 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang lắp đặt thiết bị, dự kiến vận hành trong năm 2019, 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do gặp khó khăn về nguồn vốn nên không thể hoàn thành trong năm 2019 như chỉ đạo của Thủ tướng.

Dự án giai đoạn 2: Gồm 33 trạm, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế và đã lựa chọn Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số doanh nghiệp về công nghệ là nhà đầu tư thực hiện dự án. Hiện nay Liên danh Nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục xin phép Thủ tướng Chính phủ thành lập Doanh nghiệp dự án để triển khai.

Đọc thêm