Bộ NN&PTNN nói gì về việc truy xuất đào rừng?

(PLVN) - Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Huy Tuấn, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, là xu hướng tất yếu phải làm, kể cả trong xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên Bộ quán triệt và chỉ đạo không được gây khó khăn, không làm phát sinh thủ tục hành chính (TTHC) và chi phí cho người dân và DN...
Lô đào đầu tiên được dán tem chứng nhận xuất xứ từ Vân Hồ (Sơn La) về Hà Nội tuần qua. Ảnh Báo Tiền phong
Lô đào đầu tiên được dán tem chứng nhận xuất xứ từ Vân Hồ (Sơn La) về Hà Nội tuần qua. Ảnh Báo Tiền phong

Liên quan đến đào rừng, trao đổi với báo chí hôm 20/1/2021, Thứ trường Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, ngày 18/1/2021, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Văn bản khẳng định chỉ đạo của Thủ tướng về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và “Tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng là rất đúng phát luật, rất kiên quyết trước hệ quả rừng bị tàn phá, nhất là khu vực miền Trung.

Trước vấn đề dư luận quan tâm về một số địa phương gây khó khăn đối với đào rừng do bà con trồng, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định: “Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bất kỳ hàng hóa nào là xu hướng tất yếu chúng ta phải làm, kể cả trong xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước. Chắc chắn trong tương lai, hàng hoá trong lĩnh vực nông nghiệp đều phải có truy xuất nguồn gốc.

Nhưng chúng tôi cũng quán triệt và chỉ đạo là không làm phát sinh thêm thủ tục, không gây ách tắc lưu thông đào cũng như các loại hàng hóa khác, không để việc chứng nhận nguồn gốc ảnh hưởng đến thu nhập của bà con trong dịp Tết”.

Được biết, tại văn bản ngày 18/1/2021, Bộ NN&PTNT khẳng định, việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở, tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng; tùy theo điều kiện cụ thể địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm TTHC, ánh tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.

Tại văn bản này, Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ  sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đảm bảo khả thi đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Theo ghi nhận của PV, giữa tuần qua, những chuyến xe đào rừng đầu tiên đã về tới Hà Nội. Tất cả các cành đào đều dán tem xuất xứ, nguồn gốc đào Vân Hồ (Sơn La). Đây là địa phương đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT và Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện biện pháp truy xuất nguồn gốc cây đào trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Theo một người buôn đào rừng, trong quá trình mua bán tại hộ dân, chính quyền địa phương đến nhà dân để xác nhận đào là của dân trồng rồi cấp tem dán cho từng cây. Ngoài tem dán vào mỗi cây họ còn được cấp một giấy xác nhận của chính quyền sở tại với nội dung đào được mua tại địa phương này để thuận lợi cho việc di chuyển, lưu thông. 

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết, sau khi Sở NN&PTNT và Sở KH&CN Sơn La có hướng dẫn, huyện đang triển khai 2 mẫu tem xác định nguồn gốc đào trồng, với số lượng khoảng 11.000 chiếc, trên nền in dòng chữ “Hoa đào Vân Hồ” và có chữ ký ẩn của Trưởng phòng NN&PTNT huyện. Người dân nếu có nhu cầu dán tem chỉ cần đăng ký với UBND xã là sẽ được cấp phát…

Ngày 21/1/2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào. 

Theo đó, nghiêm cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng trái pháp luật cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật…

Văn bản cũng nêu rõ: Trừ cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, còn lại Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tự do khai thác, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng cây và cành đào, mai. Tuyệt đối không được gây khó khăn, không làm phát sinh TTHC và chi phí cho người dân và DN.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Sơn La và các địa phương có nhu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng phương án truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai, đảm bảo các yêu cầu: thiết thực, phù hợp với thực tế, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật hiện hành, không làm phát sinh TTHC và chi phí, không gây khó khăn cho người dân và DN.

Đọc thêm