Bộ Nội vụ yêu cầu gì đối với các bộ, ngành, địa phương trong cải cách hành chính ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhằm không ngừng đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Bộ Nội yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ kết quả Chỉ số cải cách hành chính do Ban Chỉ đạo công bố tiến hành phân tích, quán triệt, có biện pháp kịp thời khắc phục những tồn tại hạn chế đã được chỉ ra…
Ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) chia sẻ thông tin về cải cách hành chính trong thời gian qua.
Ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) chia sẻ thông tin về cải cách hành chính trong thời gian qua.

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định: “Cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp”.

Hằng năm, Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo), tổ chức triển khai đo lường xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số hài lòng - SIPAS).

Trên cơ sở kết quả Chỉ số hài lòng hàng năm do Ban Chỉ đạo công bố đã tiến hành phân tích, rút kinh nghiệm, để có những chỉ đạo kịp thời chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan hành hành chính nhà nước nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trên địa phương mình.

Đến nay, công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương đã được triển khai một cách đồng bộ, đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và nội dung Nghị quyết số 76/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị, địa phương vẫn còn tồn tại, hạn chế. Ông Phạm Minh Hùng – Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho biết: Trên cơ sở kết quả Chỉ số hài lòng, Bộ Nội vụ đã yêu cầu các địa phương phân tích đánh giá những mặt tích cực, những vấn đề tồn tại, hạn chế và nguyên nhân người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, đã được chỉ ra tại kết quả Chỉ số SIPAS do Ban Chỉ đạo công bố.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp trong công tác cải cách hành chính hơn nữa, Chính phủ đã cho phép Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan hành chính có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thời gian thí điểm từ tháng 9 năm 2024 đến ngày 30/11/2025.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng tài liệu hướng dẫn, tổ chức thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Theo ông Bùi Tuấn Anh – Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh: Đến nay tỉnh Quảng Ninh đã giao Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng đề án thí điểm. Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất thông qua chủ trương về đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp và UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, hoàn thiện tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh (dự kiến trong kỳ họp tháng 10/2024).

Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Bùi Tuấn Anh trao đổi thông tin với PV Báo Pháp luật Việt Nam.

Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Bùi Tuấn Anh trao đổi thông tin với PV Báo Pháp luật Việt Nam.

Cũng theo ông Bùi Tuấn Anh – Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, vì là tỉnh được chọn triển khai thí điểm sẽ không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc về quy trình vận hành, vị trí việc làm của từng cán bộ, công chức, viên chức; về ứng dụng, khai thác dữ liệu số phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, các thủ tục hành chính liên thông đến các bộ ngành trung ương. Để triển khai hiệu quả mô hình này, Quảng Ninh mong muốn được Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục quan tâm, tăng cường hướng dẫn hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh trong diện thí điểm.

“Chúng tôi với vai trò cơ quan thường trực về cải cách hành chính của Chính phủ sẽ bám sát quá trình thực hiện, triển khai của các địa phương. Kết quả triển khai thí điểm mô hình đó sẽ cung cấp những dữ liệu khách quan, mới mẻ để nghiên cứu rà soát cùng với quá trình triển khai, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”, ông Phạm Minh Hùng – Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho biết.

Như vậy, để tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính cần tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về cải cách hành chính. Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đọc thêm