Bổ sung chính sách để việc hiếm muộn con không là gánh nặng

(PLVN) - Cùng với sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao. Ước tính, mỗi năm có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn (chiếm tỷ lệ khoảng 7,7%). Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15 - 20% sau mỗi năm.
Toàn ngành Dệt may hiện có khoảng 2,5 triệu lao động, trong đó 70% là lao động nữ. (Nguồn: vwu.vn)

Thực tế đã và đang cho thấy, để việc hiếm muộn của các cặp vợ chồng không còn là gánh nặng thì bên cạnh y học, rất cần những giải pháp hỗ trợ để giúp cá nhân, cặp vợ chồng hiếm muộn được hưởng hạnh phúc làm cha mẹ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhiều lao động nữ không được hưởng chế độ thai sản vì hiếm muộn

Vừa qua, Tổng Công ty May 10 đã gửi Ủy ban Xã hội của Quốc hội văn bản góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Tổng Công ty May 10 là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may với trên 10.000 lao động, hàng năm đóng trên 100 tỷ tiền BHXH. Tuy nhiên, có một thực tế nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật BHXH là một bộ phận lao động nữ bị hiếm muộn chưa được hưởng chế độ thai sản mặc dù trước đó đã có nhiều năm tham gia đóng BHXH.

Ngành dệt may hiện có khoảng 2,5 triệu lao động, trong đó 70% là lao động nữ. Nếu tính theo mức trung bình về tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn theo con số của ngành Y tế thì số lao động nữ bị hiếm muộn, vô sinh không phải con số nhỏ. Thống kê chưa đầy đủ do Công đoàn Dệt may Việt Nam tổng hợp từ 4 doanh nghiệp là Tổng Công ty May 10, Công ty Cổ phần May Đức Hạnh (Hà Nam), Công ty Cổ phần Tiên Hưng (Hưng Yên), Công ty Cổ phần Dệt May Huế (Thừa Thiên Huế) có tới 60 lao động nữ hiếm muộn sau khi sinh con không được hưởng chế độ thai sản do phải nghỉ dài ngày để làm các thủ thuật y tế can thiệp nên không thể tham gia đóng BHXH đủ thời gian 3 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh như quy định hiện hành. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp lao động nữ ngành Dệt may phải nghỉ không hưởng lương để chữa trị hiếm muộn nhưng chưa có nên Công đoàn Dệt may không thống kê vào danh sách này.

Do đó, Tổng Công ty May 10 kiến nghị để tránh thiệt thòi và đảm bảo sự công bằng giữa những lao động nữ đã tham gia BHXH, trong Luật BHXH (sửa đổi) cần bổ sung chế độ thai sản cho lao động nữ hiếm muộn phải nghỉ dài ngày để làm các thủ thuật y tế can thiệp, không thể tham gia đóng BHXH đủ thời gian 3 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh như quy định hiện hành. Ngoài ra, để tạo điều kiện thêm cho một bộ phận lao động nữ đã có nhiều thiệt thòi, vất vả để được làm mẹ, đơn vị này kiến nghị với những lao động nữ phải điều trị vô sinh, hiếm muộn nếu có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên trước khi sinh thì được hưởng chế độ thai sản.

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Xã hội của Quốc hội góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) với nhiều nội dung bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ. Văn bản đề nghị cần rà soát và sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH của lao động nữ nhằm bảo đảm cho một bộ phận lao động nữ có nhiều thiệt thòi, vất vả (phải điều trị vô sinh, hiếm muộn) để được làm mẹ… được hưởng chế độ thai sản.

Đề xuất BHYT chi trả cho điều trị vô sinh góp phần giải quyết thực trạng dân số

Một khía cạnh khác cũng được Hội LHPN Việt Nam đề cập tới là một số lao động nữ phải thực hiện biện pháp hỗ trợ sinh sản do vô sinh, hiếm muộn không được hỗ trợ từ bảo hiểm y tế (BHYT) do theo quy định hiện hành việc sinh con bằng phương pháp hỗ trợ thai sản không thuộc danh mục được chi trả.

Vấn đề này đã được đề cập tới trong nhiều hội thảo về dân số. Theo đó, hiện nay Việt Nam vẫn là quốc gia chưa có chính sách BHYT chi trả cho điều trị vô sinh, hiếm muộn. Trong khi thu nhập bình quân đầu người hiện khoảng 6,7 triệu đồng/tháng thì chi phí điều trị vô sinh, hiếm muộn còn là gánh nặng đối với các gia đình Việt Nam.

Chứng kiến nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn phải vay mượn, thậm chí bán nhà để mong mỏi có một đứa con, bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã từng đề xuất đưa điều trị vô sinh, hiếm muộn vào danh mục bảo hiểm chi trả. Bác sĩ Thành cho rằng nhiều nước trên thế giới đã đưa điều trị vô sinh, hiếm muộn vào danh mục chi trả của BHYT. Theo bác sĩ Thành, đối với nhiều gia đình, 60 - 70 triệu để làm thụ tinh trong ống nghiệm là số tiền vô cùng lớn. Trong khi chi phí kỹ thuật đắt đỏ, điều trị ung thư cũng đã được đưa vào danh mục bảo hiểm thì cần có chính sách hỗ trợ cho các cặp gia đình vô sinh, hiếm muộn như vậy.

Từ góc độ y học, vô sinh không phải là một bệnh, mà chỉ được xác định là một tình trạng. Ở điều kiện nguồn lực xã hội vẫn còn thấp, chưa đủ chi trả cho tất cả các dịch vụ như hiện nay, thì đề xuất BHYT chi trả cho điều trị vô sinh, hiếm muộn là vấn đề cần được các nhà hoạch định chính sách xem xét trên cơ sở đánh giá ngân sách; việc tác động của chính sách mới đến quỹ, năng lực tài chính. Đồng thời, cần xem xét để có các quy định phù hợp mức hỗ trợ như thế nào theo từng nhóm đối tượng.

Nhưng thiết nghĩ, thực trạng dân số đã có sự thay đổi, già hóa dân số đang tăng dần và Việt Nam đang bắt đầu tìm giải pháp khuyến khích sinh con, thì việc xem xét khuyến khích tăng tỉ lệ sinh bằng cách chi trả bảo hiểm, giảm viện phí..., trong đó có việc BHYT chi trả cho điều trị vô sinh, hiếm muộn là hợp lý, phù hợp thực tế và mang ý nghĩa nhân văn.