Bộ Tài chính đề xuất các khoản ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 được tính vào chi phí được trừ

(PLVN) -Việc cho phép DN, tổ chức được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN thì dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước nhưng việc này thể hiện sự động viên, khuyến khích của Nhà nước đối với tổ chức, DN cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian đã qua cũng như thời gian tới, góp phần tăng cường lan tỏa tình đoàn kết, yêu thương trong xã hội.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Ngày 04/02, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid – 19. Xung quanh nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Vụ phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với báo chí. 

* Thưa bà, vì sao Bộ Tài chính đề xuất khấu trừ các khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế?

Mặc dù cùng trong bối cảnh khó khăn, nhiều DN, tổ chức trên khắp mọi miền đất nước, cả ở trung ương và địa phương đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, hưởng ứng và chung tay cùng Nhà nước trong các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật (thuốc men, trang thiết bị y tế, lương thực - thực phẩm,...) để hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Việc ủng hộ, tài trợ này là nghĩa cử tốt đẹp, mang tính nhân đạo cao cần được động viên, khuyến khích, đặc biệt là khi ảnh hưởng của dịch Covid-19 được đánh giá vẫn còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp.

Pháp luật về thuế thu nhập DN (TNDN) hiện hành đã có quy định cho phép DN, tổ chức được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với một số khoản chi ủng hộ, tài trợ. Tuy nhiên, đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có một số khoản chi mới phát sinh trong thực tế thời gian qua thì chưa được quy định tính vào chi phí được trừ.

Để thể hiện sự động viên, khuyến khích của Nhà nước đối với tinh thần chung tay của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian đã qua cũng như thời gian tới, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện; góp phần giải quyết khó khăn của DN, tổ chức trong bối cảnh chịu ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã Chính phủ trình Quốc hội cho phép các khoản chi của DN, tổ chức để ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN. 

Được sự chấp thuận của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ nêu trên, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid – 19; đã tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa Phương, các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy trình thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đăng trên trang thông tin điện tử Chính phủ, trang thông tin điện tử Bộ Tài chính, lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân để hoàn chỉnh hồ sơ Nghị định. Dự thảo Nghị định cũng đã được bộ Tư pháp có ý kiến thẩm định theo quy định.

* Thực tế lâu nay, việc xác định những khoản chi ủng hộ, tài trợ được quy định như thế nào?

 Theo quy định của Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn hiện hành thì DN, tổ chức được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với 05 nhóm chi ủng hộ, tài trợ, cụ thể như sau:

- Chi tài trợ cho giáo dục gồm: tài trợ cho các trường học công lập, dân lập và tư thục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của pháp luật về giáo dục mà khoản tài trợ này không phải là để góp vốn, mua cổ phần trong các trường học; Tài trợ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập và hoạt động của trường học; Tài trợ cho các hoạt động thường xuyên của trường; Tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở sở giáo dục đại học được quy định tại Luật Giáo dục (tài trợ trực tiếp cho học sinh, sinh viên hoặc thông qua các cơ sở giáo dục, thông qua các cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật); Tài trợ cho các cuộc thi về các môn học được giảng dạy trong trường học mà đối tượng tham gia dự thi là người học; tài trợ để thành lập các Quỹ khuyến học giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục đào tạo.

- Chi tài trợ cho y tế gồm: tài trợ cho các cơ sở y tế được thành lập theo quy định pháp luật về y tế mà khoản tài trợ này không phải là để góp vốn, mua cổ phần trong các bệnh viện, trung tâm y tế đó; tài trợ thiết bị y tế, dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh; tài trợ cho các hoạt động thường xuyên của bệnh viện, trung tâm y tế; chi tài trợ bằng tiền cho người bị bệnh thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật.

- Chi tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai gồm: tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật để khắc phục hậu quả thiên tai trực tiếp cho tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; cá nhân bị thiệt hại do thiên tai thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật.

- Chi tài trợ làm nhà người nghèo mà đối tượng nhận tài trợ là hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Chi tài trợ làm nhà tình nghĩa, làm nhà đại đoàn kết; chi tài trợ nghiên cứu khoa học; chi tài trợ cho các đối tượng chính sách; chi tài trợ theo chương trình được Chính phủ quy định thực hiện ở các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Như vậy, trong số các khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nêu trên thì trong đó không bao gồm một số khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

* Theo bà, nếu nghị định được ban hành, sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Qua thống kê của Bộ Tài chính, tổng giá trị các khoản ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 ở 60 địa phương tại Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua là khoảng 878 tỷ đồng.

Việc cho phép DN, tổ chức được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN thì dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 170 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện giải pháp này thể hiện sự động viên, khuyến khích của Nhà nước đối với tổ chức, DN cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian đã qua cũng như thời gian tới, góp phần tăng cường lan tỏa tình đoàn kết, yêu thương trong xã hội.

* Xin cảm ơn bà!

Đọc thêm