Bộ trưởng Hà Hùng Cường kiểm tra thi hành Hiến pháp tại Nghệ An

Trước khi kết thúc chuyến kiểm tra tổng kết thi hành Hiến pháp tại các tỉnh miền Trung, chiều qua (8/12), Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và Đoàn công tác Ban chỉ đạo của Chính phủ đã làm việc với tỉnh Nghệ An.

Trước khi kết thúc chuyến kiểm tra tổng kết thi hành Hiến pháp tại các tỉnh miền Trung, chiều qua (8/12), Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và Đoàn công tác Ban chỉ đạo của Chính phủ đã làm việc với tỉnh Nghệ An.

Bộ trưởng Hà Hùng cường phát biểu tại buổi làm việc.

Cần phân định rõ chính quyền nông thôn, chính quyền đô thị

“Luật pháp ghi nhận quyền hạn của HĐND rất lớn, tuy nhiên, giữa quy định của  luật pháp và thực tế là một khoảng cách khá xa. Trong mối quan hệ với UBND có lúc không thực quyền. Nguyên nhân một phần do chính các quy định của pháp luật”- Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ rõ.

UBND tỉnh Nghệ An cũng thẳng thắn chỉ ra một thực tế là hoạt động của HĐND còn mang tính hình thức, quyền hạn của HĐND, đại biểu HĐND  chưa được phát huy và thể hiện rõ nét trong đời sống chính trị xã hội. Hiến pháp, Luật tổ chức HĐND và UBND chưa cụ thể, chưa phân định rạch ròi, rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ giữa tỉnh, huyện và xã; các quy định thẩm quyền, nhiệm vụ của các cấp HĐND, UBND gần giống nhau, do đó, trong thực tế có tình trạng cùng một vấn đề cả ba cấp HĐND cùng “quyết”.

Trong mối quan hệ giữa HĐND và UBND, tổng kết thi hành Hiến pháp của Nghệ An nêu rõ, có lúc không thực quyền, trong khi UBND thể hiện sức mạnh thực sự của mình thì HĐND lại chủ yếu thể hiện ở thường trực HĐND và các Ban với biên chế hoạt độngc huyên trách còn ít. Thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa HĐND và UBND cùng cấp và nội dung quản lý nhà nước trên các địa bàn lãnh thổ chưa được rõ nét. Ngoài ra, Nghệ an cũng phân tích rõ những bất cập trong tổ chức của HĐND, UBND theo cấp hành chính, mối quan hệ giữa HĐND, UBND với Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ…

Nhiều kiến nghị, đề xuất sửa đổi Hiến pháp được Nghệ An đưa ra, trong đó có đề nghị phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mỗi cấp chính quyền địa phương. Đối với những công việc được xác định của địa phương thì trung ương không làm thay, không can thiệp trực tiếp mà chủ yếu chỉ thực hiện việc thanh, kiểm tra. Hiến pháp lần này cần làm rõ những khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị để tổ chức bộ máy phù hợp.

Theo đó, các luật liên quan cũng cần kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Bên cạnh đó, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là chủ trương lớn nhưng cần có đánh giá thật khách quan, làm cơ sở cho việc nghiên cứu sửa đổi toàn diện phần bộ máy nhà nước trong Hiến pháp.

Quá trình tổng kết Hiến pháp 1992, Nghệ An cũng nêu lên những khó khăn như vấn đề về thời gian, kinh phí, nhân lực…Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Văn Hằng vẫn thể hiện quyết tâm “sẽ cố gắng hoàn thiện báo cáo có chất lượng nhất, đảm bảo đúng tiến độ về thời gian”.

Tránh “sự vụ”

Tâm huyết với nhiều vấn đề mà Nghệ An nêu, bà Nguyễn Kim Thoa, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính, Bộ Tư pháp thành viên, Thư ký tổ giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ thừa nhận: HĐND đứng ở đâu, vị trí như thế nào, phân cấp về thẩm quyền, mối quan hệ ra sao còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Báo cáo chuyên đề của Nghệ An cần phân tích kỹ các vấn đề này để có những đề xuất cụ thể. Đặc biệt, Nghệ An có đặc thù là có cả chính quyền nông thôn và đô thị, do đó cần “nhận diện” đúng những vướng mắc từ thực tiễn. Bà Thoa đồng tình với nhiều cách làm của Nghệ An, và cho rằng đề xuất vấn đề gì, cần đi từ những quy định của Hiến pháp.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp lần này. Hiện nay, công việc này đang được triển khai đồng loạt ở tất cả các địa phương, Bộ trưởng cho rằng nhiệm vụ của Nghệ An khá “nặng” vì bên cạnh báo cáo chung còn xây dựng một chuyên đề về chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Bộ trưởng đánh giá “Nghệ An đã rất tích cực, triển khai một cách bài bản, sít sao, nội dung dự thảo báo cáo cơ bản bám sát gợi ý của Ban chỉ đạo của Chính phủ, nhiều đề xuất có chất lượng”

Bộ trưởng đề nghị thời gian tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND Nghệ An đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị chưa có báo cáo gửi về tỉnh đảm bảo tiến độ, nhưng không được “sao nhãng” về chất lượng. Bộ trưởng cũng gợi ý một số vấn đề cho Nghệ An và lưu ý các đề xuất cần đúng “tầm”, bảo đảm tính toàn diện tránh đi vào sự vụ, cục bộ ngành, hoặc những vấn đề nhạy cảm, dễ bị lợi dụng.

 Bộ trưởng cũng ghi nhận, giải đáp một số đề xuất của tỉnh và kỳ vọng Nghệ An - mảnh đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã viết bản Hiến pháp đầu tiên sẽ có những ý kiến chất lượng vào quá trình sửa đổi Hiến pháp.

Muốn thực hiện quyền đình chỉ việc thi hành những quy định của HĐND cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và các văn bản pháp luật, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ thì Thủ tướng Chính phủ phải nắm được thực trạng việc ban hành Nghị quyết của các địa phương. Trên thực tế, không có nhiều nghị quyết của địa phương bị đình chỉ, càng không có việc đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ. Do vậy cần xem lại quy định này để bảo đảm hiệu lực thi hành trên thực tế.

(Kiến nghị của UBND tỉnh Nghệ An)

Thu Hằng

Đọc thêm