Bộ Tư pháp họp báo về công tác tư pháp quý III/2015

(PLO) - Hôm qua (16/10), Bộ Tư pháp đã họp báo, thông tin về các kết quả công tác tư pháp quý III và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp quý IV/2015.
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo
Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, trong quý III/2015, các mặt công tác của Bộ Tư pháp đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp đã thẩm định 58 văn bản quy phạm pháp luật và 12 Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; kiểm tra 452 văn bản của các bộ, ngành, địa phương, bước đầu phát hiện 19 văn bản có dấu hiệu sai về nội dung. 
Trong công tác quốc tịch, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước giải quyết 1.555 hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam; giải quyết được 176 trường hợp người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi; đã nhận được khoảng 98.000 thông tin lý lịch tư pháp, trong đó tiếp nhận, kiểm tra, phân loại được khoảng 78.000 thông tin. 
Trong công tác bồi thường nhà nước, theo ông Trần Tiến Dũng, năm 2015, số tiền nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là gần 16,5 tỷ đồng. Ngoài ra, TAND các cấp đã thụ lý 21 vụ án dân sự về bồi thường nhà nước, đã giải quyết xong 14 vụ việc với số tiền gần 27 tỷ đồng. 
Tại cuộc họp báo, ông Trần Tiến Dũng cũng thông tin tới báo chí một số nội dung cụ thể về kết quả tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); về kết quả thí điểm chế định Thừa phát lại và việc tổ chức Ngày Pháp luật năm 2015. 
Dự kiến trong những tháng cuối năm 2015, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tập trung đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng các văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì; đẩy mạnh việc đôn đốc các bộ, ngành xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tập trung rà soát các quy định của pháp luật trong nước để đề xuất sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP). 

Đọc thêm