Bộ Tư pháp: Tăng cường chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí

(PLVN) -Ngày 14/3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Sơ kết Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay và triển khai Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành tư pháp năm 2024.
Quang cảnh hội nghị

Chú trọng công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành tư pháp

Theo báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 156, thực hiện trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 156-KH/BTGTW. Chương trình nhằm cụ thể hoá các nhiệm vụ trọng tâm đề ra theo Kế hoạch số 156- KH/BTGTW, tạo cơ sở để Bộ Tư pháp tăng cường công tác quản lý đối với các cơ quan báo chí, tạp chí chuyên ngành, Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội và trang thông tin vận hành trên nền tảng mạng xã hội.

Để các nội dung theo Chương trình hành động được thực hiện nghiêm túc, thực chất, hiệu quả, có sự phân công trách nhiệm công việc rõ ràng, cụ thể giữa các cơ quan đơn vị, ngày 20/9/2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm triển khai Chương trình hành động của Bộ gắn với việc tổ chức Lễ ký kết giao ước hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong trong các cơ quan báo chí thuộc Bộ.

Về công tác quản lý, nhằm định hướng công tác thông tin, truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, hàng năm, Bộ Tư pháp đều ban hành Kế hoạch truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp. Trên cơ sở Kế hoạch, các hoạt động thông tin, truyền thông về Bộ, ngành Tư pháp được tổ chức triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, tạo được hiệu ứng truyền thông, được dư luận đánh giá cao. Định kỳ hàng tháng (từ tháng 5/2023), Văn phòng Bộ ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện các nhiệm vụ truyền thông trọng tâm trong tháng, tạo cơ sở để các cơ quan báo chí thuộc Bộ tổ chức triển khai thực hiện bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành.

Bên cạnh đó, công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo cho đội ngũ quản lý và những người làm báo tại cơ quan báo chí; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo được quan tâm, chú trọng.

Tích cực xây dựng nền báo chí “chuyên nghiệp - nhân văn - hiện đại”

Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam phát biểu tại hội nghị.

Trao đổi tại hội nghị, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam nêu rõ, thực hiện Chương trình hành động, thời gian qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích trong mọi hoạt động của Báo; chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin của cơ quan có thẩm quyền; đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, thành tựu phát triển đất nước; đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, tiêu cực; phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm... Bên cạnh đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã tiến hành rà soát, chấn chỉnh, thu gọn, giảm bớt văn phòng đại diện từ 16 xuống còn 6 văn phòng đại diện; việc quản lý đội ngũ cộng tác viên cũng được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ...

Phó vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Gia Hưng chia sẻ tại hội nghị.

Tại hội nghị, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Gia Hưng nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của Kế hoạch số 156-KH/BTGTW trong chấn chỉnh hoạt động hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; đồng thời đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, thu hút người đọc, kịp thời định hướng, nắm bắt và phản hồi đối với những vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm.

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan báo chí trong và ngoài Bộ đã trao đổi các nội dung về công tác cung cấp thông tin; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý và những người làm báo tại cơ quan báo chí; đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ Kế hoạch số 156-KH/BTGTW…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí với Báo cáo sơ kết và các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh hoạt động báo chí, truyền thông, thông tin trên mạng xã hội là hoạt động đặc thù, nhạy cảm, thời gian tới, để tăng cường phát huy được vai trò của báo chí, truyền thông trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thông tin kịp thời, đầy đủ về hoạt động của Bộ, ngành, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục tham mưu cho Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ thực hiện tốt trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, Cổng Thông tin điện tử; quan tâm, tạo nguồn lực thực hiện nghiêm Kế hoạch số 156-KH/BTGTW và Chương trình hành động của Bộ.

Để các cơ quan báo chí Bộ, ngành tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ, tham gia xây dựng nền báo chí, truyền thông “chuyên nghiệp - nhân văn - hiện đại”, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan báo chí, các đơn vị tham gia công tác truyền thông, thông tin cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tuân thủ, thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông; nâng cao và phát huy tính tự giác, gương mẫu, thực hiện tốt quy định về công tác báo chí, quy chế mạng xã hội; tích cực, chủ động trong việc đưa tin bài, đặc biệt là Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, 2 Tạp chí chuyên ngành thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp phải là “chỗ dựa” chuyên môn của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương khi thông tin về hoạt động tư pháp và pháp luật; tổ chức diễn đàn toạ đàm làm sâu sắc với các vấn đề được dư luận quan tâm như thi hành án, cải cách hành chính, hộ tịch, chuyển đổi số,...

Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị chủ trì dự án, dự thảo phải chủ động trong công tác truyền thông những chính sách nhận được sự quan tâm, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; chủ động xây dựng nội dung truyền thông, cung cấp kịp thời cho cơ quan báo chí…

Đại diện một số đơn vị trao đổi tại hội nghị.

Đọc thêm