Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có văn bản trả lời Bộ Thông tin Truyền thông (TT-TT) về việc kiểm tra hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Văn bản nêu rõ, theo quy định tại Nghị định 181 năm 2013, trường hợp trang thông tin điện tử xuyên biên giới có phát sinh doanh thu quảng cáo tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục thông báo bằng văn bản về: Tên, địa chỉ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam được ủy quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo. Ngành nghề kinh doanh chính của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam được ủy quyền dịch vụ quảng cáo.
Tuy nhiên đến nay, YouTube vẫn chưa làm thủ tục thông báo mà đã thể hiện nội dung quảng cáo. Do vậy Bộ VH-TT&DL sẽ kiểm tra và xử phạt hành vi không thông báo theo quy định tại Nghị định 158 năm 2013.
Bộ Văn Hóa sẽ phạt Youtube vì vi phạm về quảng cáo |
Để quản lý hiệu quả hơn các hoạt động trên tại Việt Nam, Bộ VH-TT&DL đề nghị Bộ TT-TT rà soát và cung cấp các trang thông tin điện tử xuyên biên giới có văn phòng đại diện tại Việt Nam để Bộ này yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo theo quy định.
“Bộ VH-TT&DL sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt hành chính vì không thông báo theo nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và quảng cáo”, văn bản khẳng định.
Về các nội dung nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các clip đăng tải trên trang Youtube như phản ánh, Bộ VH-TT&DL cho rằng, việc quản lý hoạt động và kiểm tra nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử xuyên biên giới thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ TT-TT.
Trước đó, ngày 22/2, Bộ TT-TT đã có công văn gửi Bộ VH-TT&DL về việc kiểm tra, rà soát hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Bộ TT-TT cho biết, đã phát hiện hàng loạt clip video có nội dung bôi xấu, xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc... được đăng tải trên YouTube, Facebook, vi phạm pháp luật Việt Nam. Được biết, hiện YouTube không có văn phòng đại diện tại VN.
Thậm chí, trước và trong khi các video này được phát, nhiều hình ảnh quảng cáo của một số nhãn hàng lớn, có thương hiệu ở Việt Nam cũng xuất hiện.