Nỗi khiếp sợ của xã hội
Thời gian gần đây, hiện tượng “ngáo đá” đang là điểm nóng được dư luận quan tâm. Đặc biệt, sự xuất hiện của nhiều loại ma túy tổng hợp, các dạng ma túy mới khiến độ tuổi của những đối tượng sử dụng ma túy đang ngày càng trẻ hóa. Số lượng người trẻ nghiện ma túy đá hay được quen gọi là dân “ngáo đá” thời gian qua tăng đột biến.
Nhiều người thật sự hoang mang và cảm thấy bất an khi đối diện với một kẻ “ngáo đá” đang lên cơn, có hành vi ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự và là mối nguy hại của toàn xã hội.
Mới đây nhất, ngày 14/3, Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã khống chế nam thanh niên Nguyễn Văn Quốc (27 tuổi, quốc tịch Mỹ) điều khiển xe ôtô con BKS 60A - 56173 gây ra tai nạn liên hoàn. Kết quả xét nghiệm cho thấy, vào thời điểm gây tai nạn, nam thanh niên này đã sử dụng chất ma túy. Thiệt hại của 4 vụ tai nạn liên tiếp do Nguyễn Văn Quốc điều khiển xe trong lúc “ngáo đá” gây ra khoảng 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng vụ việc người cha ném con từ trên mái nhà xuống như đang trong tình trạng ngáo đá đợt giữa tháng 11/2018. Lê Ngọc Hà (33 tuổi, trú phường Hồng Sơn) mang cháu bé lên tầng thượng của căn nhà rồi hét lớn: “Tôi muốn làm người lương thiện mà người ta không cho...
Lúc này, cháu bé hoảng khóc thét lên, liên tục cố bám vào người bố. Người cha nhiều lần dọa vứt con xuống đất, làm hành động đẩy đứa trẻ xuống hoặc cầm chân cháu bé kéo ngược lên. Trong quá trình di chuyển từ mái nhà này qua mái nhà khác, hắn để rơi vật nhọn. Vào thời điểm này, Hà có dấu hiệu mất kiểm soát về hành vi do nghi bị “ngáo đá”.
Sau khoảng 2 giờ thuyết phục bất thành, cảnh sát áp sát vách của mái nhà nhằm khống chế. Đúng lúc đó, Hà ném con của mình thẳng xuống mái tôn khiến đứa trẻ lăn xuống đất. Rất may lực lượng cứu hộ kịp thời đứng sẵn đỡ cháu bé.
Trên thực tế, ma túy đá gây khoái cảm, ảo giác và gây nghiện. Việc sử dụng ma túy đá lâu dài không đưa đến cái chết tức khắc nhưng cũng dẫn đến các bệnh tâm thần. Khoảng 20%
số người nghiện ma túy đá có các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng bị truy hại, cho rằng có ai đó đang tìm cách giết mình và gia đình mình, ảo thanh thật, có tiếng người nói bên tai bình phẩm, ra lệnh. Chính hoang tưởng và ảo giác đã chi phối bệnh nhân, gây ra các hành vi nguy hiểm cho họ và cho những người xung quanh.
Can thiệp bằng thuốc và điều trị tâm lý
Vừa qua, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký ban hành Quyết định số 786/QĐ-BYT hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine.
Theo Thứ trưởng Tiến, sử dụng ma túy tổng hợp nói chung và các chất kích thích dạng Amphetamine nói riêng đang là một vấn đề khá phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Trong số người sử dụng ma túy tổng hợp, phần lớn họ sử dụng và lạm dụng các chất kích thích dạng Amphetamine.
Trước đây, khi Bộ Y tế chưa công bố phác đồ điều trị, cai nghiện ma túy tổng hợp thì ở Việt Nam chủ yếu là sử dụng biện pháp tâm lý. Theo phác đồ mới ban hành của Bộ Y tế, điều trị cho người dùng ma túy tổng hợp cần can thiệp bằng thuốc và điều trị tâm lý, xã hội.
Theo đó, Bộ Y tế cũng cho biết nghiên cứu về hiệu quả điều trị ma túy tổng hợp nói chung còn hạn chế. Một số loại thuốc như D-amphetamine, methylphenidate, bupropion, mirtazapine và naltrexone có thể làm giảm lượng ma túy sử dụng. Trường hợp bệnh nhân bị loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp hay còn gọi là ngáo đá thì bác sĩ có thể sử dụng các thuốc chống loạn thần.
Bộ Y tế khẳng định rằng, rối loạn sử dụng chất là một bệnh lý phức tạp nhưng có thể điều trị được. Các can thiệp cần tuân thủ nguyên tắc điều trị. Đối với phương pháp điều trị tâm lý, các bệnh nhân ma túy đá sẽ được hỗ trợ tập trung vào những điểm tốt của bản thân, vượt qua những mặc cảm, kỳ thị và tự kỳ thị chính mình.
Từ đó, các bác sỹ sẽ giúp bệnh nhân hiểu được sự độc hại của ma túy, giúp bệnh nhân lên những kế hoạch của bản thân về mục tiêu cuộc sống và những hoạt động có ý nghĩa, nhằm mục đích ngăn bệnh nhân không tiếp tục sử dụng ma túy.
Việt Nam đang cố gắng phối hợp với các quốc gia và tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức của Liên Hợp quốc để củng cố sự hợp tác, nâng cao hiệu quả giải quyết vấn nạn ma túy tổng hợp trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, tình trạng ma túy đá vẫn diễn biến phức tạp và chiều hướng số người sử dụng vẫn tiếp tục gia tăng.
Sau khi có phác đồ điều trị bệnh nhân ma túy đá hi vọng thời gian tới đây, số lượng bệnh nhân nghiện ma túy sẽ thuyên giảm, không còn tái sử dụng ma túy, tránh gây mất trật tự an toàn xã hội và nguy hại đến đời sống nhân dân.